Thiếu hụt lao động đi biển, nhiều tàu cá phải… 'trùm mền'

Đang vào mùa đánh cá vụ Nam nhưng hiện có nhiều ngư dân ở các xã, phường ven biển tỉnh Thừa Thiên Huế phải cho tàu cá nằm bờ. Ngoài ngư trường sụt giảm nguồn lợi hải sản, giá nhiên liệu xăng dầu tăng cao thì một trong những nguyên nhân chính khiến tàu cá phải 'trùm mền', nằm bờ là do chủ tàu không tìm được người lao động đi biển.

Sáng 5/3, thời tiết nắng ráo thuận lợi cho việc ra khơi nhưng ngư dân Ngô Đức Tật (ở thôn An Dương 1, xã Phú Thuận, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế) cùng con trai lại loay hoay tu sửa lại ngư lưới cụ trên tàu cá số hiệu TTH-911.16, công suất 720CV. Ông Tật cho biết, sau lễ xuất quân đánh cá vụ Nam vào đầu năm mới, đến nay tàu cá của gia đình ông phải neo đậu ở âu thuyền do chưa thể ra khơi. Mỗi tối, ông phải ra tàu ngủ để canh giữ máy móc, chống trộm cắp.

Tàu cá của ngư dân Ngô Đức Tật và nhiều tàu cá khác ở xã Phú Thuận nằm bờ, ngư lưới cụ trùm kín.

“Mỗi chuyến biển tàu đi từ 10 đến 15 ngày, đánh bắt cách bờ 180 hải lý và ra đến ngư trường Hoàng Sa nên tàu phải cần đến hơn 10 lao động. Tuy nhiên từ sau Tết tới giờ, chúng tôi tìm đỏ mắt vẫn chưa đủ người đi biển”, hướng ánh mắt ra phía cửa biển, ông Tật buồn bã chia sẻ.

Chung tình cảnh tương tự với ông Tật, hơn 20 tàu cá vỏ gỗ công suất lớn của ngư dân ở xã Phú Thuận cũng đang trong tình trạng “trùm mền” do thiếu hụt nhân công, lao động đi biển. Các chủ tàu cá cho biết, hiện lao động đi biển phần lớn là người địa phương nằm trong độ tuổi từ 20 đến 50 tuổi, chỉ số ít là người ở các xã lân cận được chủ tàu thuê mướn. Bình quân mỗi chuyến biển kéo dài khoảng nửa tháng, ngoài tiền nhiên liệu xăng dầu, tiền ăn uống cho các lao động đi trên tàu thì tùy thuộc vào sản lượng hải sản tàu đánh bắt được để bán và chia lợi nhuận cho người lao động. Và trên thực tế, một số tàu cá do đánh bắt hải sản không đạt sản lượng, doanh thu thấp nên không thể kêu gọi được bạn tàu đi biển.

Theo ông Nguyễn Quang Dân, Chủ tịch UBND xã Phú Thuận, hiện tình hình lao động nghề biển đầu năm ở địa bàn xã gặp rất nhiều khó khăn. Việc thiếu hụt lao động đi biển khiến nhiều tàu cá nằm bờ, dẫn đến làm giảm sản lượng khai thác, đánh bắt hải sản. Trước đây, Phú Thuận có 54 tàu cá xa bờ nhưng đến nay giảm còn 49 tàu, ngoài ra còn có 129 phương tiện ghe gọ và thuyền hoạt động vùng đầm phá. Tất cả tàu cá trên cần khoảng 570 lao động đi biển nhưng vào dịp đầu năm bị thiếu hụt nghiêm trọng. Nguyên nhân là do nguồn lợi thủy sản ở ngư trường truyền thống của ngư dân Phú Thuận ngày càng giảm nên nhiều tàu làm ăn không hiệu quả, không thu hút được lao động. Số người nằm trong độ tuổi lao động nghề biển chuyển sang làm các nghề khác hoặc đi nước ngoài làm ăn, sinh sống.

“Năm 2022, sản lượng khai thác hải sản của ngư dân toàn xã đạt 6.379 tấn nhưng năm 2023 giảm còn 5.600 tấn. Trước thực trạng sản lượng đánh bắt hải sản sụt giảm, hiện chính quyền địa phương đang tăng cường tuyên truyền, động viên các chủ tàu, ngư dân nỗ lực bám biển”, ông Nguyễn Quang Dân cho hay.

Trong khi đó, phường Thuận An, TP Huế cũng là địa phương có số lượng lớn tàu cá hoạt động ở vùng biển xa bờ của tỉnh Thừa Thiên Huế. Ông Nguyễn Đặng Hoài Thương, cán bộ phụ trách Nông - Lâm - Ngư nghiệp, UBND phường Thuận An cho biết, hiện trên địa bàn phường có 259 tàu cá được cấp giấy chứng nhận đăng ký, đăng kiểm để hoạt động khai thác nghề cá. Tuy nhiên vào những ngày đầu tháng 3 năm nay, nhiều tàu cá của ngư dân ở phường Thuận An cũng đang nằm bờ do thiếu hụt lao động. Như gia đình ngư dân Trần Quân (ở tổ dân phố Hải Tiến, phường Thuận An) có tàu cá số hiệu TTH-955.99 công suất 650CV và tàu cá số hiệu TTH-955.59 công suất 410CV. Do không thuê được người lái tàu và lao động nên 1 tàu cá của ông Quân phải nằm bờ.

“Nguyên nhân là do các tàu cá hoạt động đánh bắt không hiệu quả, sản lượng đánh bắt thu về ít. Trong khi mỗi chuyến biển, chủ tàu cá thường tiêu tốn hơn 50 triệu đồng tiền nhiên liệu, tiền phục vụ ăn uống cho lao động đi biển. Do vậy chủ tàu đành chấp nhận cho tàu cá nằm bờ đợi đến thời điểm ngư trường có nguồn lợi hải sản dồi dào mới ra khơi”, ông Thương cho biết thêm.

Toàn tỉnh Thừa Thiên Huế hiện có 678 tàu cá khai thác hải sản biển có đăng ký. Trong đó tàu cá cỡ trung từ 6m đến 15m có 243 chiếc; tàu cá xa bờ từ 15m trở lên là 435 chiếc. Những tàu này, khi vào mùa hoạt động cần hàng nghìn lao động đi biển. Trước thực trạng thiếu hụt nguồn lao động đi biển, ông Nguyễn Quang Vinh Bình, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Thừa Thiên Huế đánh giá rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này. Trong đó có việc do tàu cá hoạt động đánh bắt không hiệu quả, lao động nghề biển vất vả và nguy hiểm hơn nghề khác. Để toàn tỉnh đạt kế hoạch khai thác thủy sản 42.000 tấn trong năm 2024, trong đó khai thác biển đạt 38.150 tấn, hiện ngành Thủy sản tỉnh đã và đang tích cực phối hợp với các cơ quan, đơn vị, chính quyền địa phương vận động, tuyên truyền bà con ngư dân nỗ lực bám biển.

“Chúng tôi hiện đang khuyến khích bà con ngư dân phát triển đội tàu công suất lớn, có trang thiết bị hiện đại như máy dò cá, máy định vị, bảo quản đông lạnh, đầu tư hầm bảo quản để tăng chất lượng sản phẩm thủy sản trên tàu xa bờ. Đồng thời tích cực tuyên truyền, hướng dẫn ngư dân thường xuyên cải tiến ngư lưới cụ, mạnh dạn đầu tư thêm nghề mới, nhân rộng mô hình đánh bắt có hiệu quả, đảm bảo các tàu được trang bị 2 nghề chính nhằm hoạt động đánh bắt quanh năm. Mặt khác ưu tiên các tàu phát triển các nghề khai thác sản phẩm có giá trị xuất khẩu để nâng cao năng suất, sản lượng đánh bắt hải sản, giúp chủ tàu có thêm thu nhập và kinh phí để chi trả cho người lao động. Từ đó mới có thể giữ chân và lôi kéo được người lao động đi biển dài ngày”, ông Nguyễn Quang Vinh Bình khẳng định.

Anh Khoa

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/doi-song/thieu-hut-lao-dong-di-bien-nhieu-tau-ca-phai-trum-men-i724438/