Thiếu giáo viên mầm non, bài toán khó của ngành giáo dục phía Nam

Trong khi số trẻ mầm non tăng nhưng lực lượng giáo viên mầm non của nhiều tỉnh thành phía Nam vẫn thiếu suốt nhiều năm qua.

Vấn đề chung của nhiều địa phương

Đầu tháng 1/2024, nhiều địa phương phía Nam đang thiếu giáo viên mầm non theo quy định của ngành giáo dục.

Như tại Tp.HCM, đến thời điểm hiện tại, tổng giáo viên mầm non hiện có hưởng lương từ ngân sách là 10.562 người. Trong khi đó tổng nhu cầu tuyển dụng giáo viên mầm non trong năm học 2023 - 2024 là 1.207 giáo viên.

Ngành giáo dục Tp.HCM đã tuyển được 511 giáo viên. Số lượng còn thiếu, cần tuyển dụng tiếp là 696 giáo viên. Tuy nhiên trên thực tế, số giáo viên mầm non thiếu ở trường công lập là 529 người, ngoài công lập là 671 người.

Chia sẻ về nguyên nhân thiếu giáo viên, ông Hồ Tấn Minh, Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT Tp.HCM cho biết, do số lượng đào tạo ra không đủ tuyển, sinh viên chưa mặn mà đăng ký ngành giáo dục mầm non để tham gia học.

Mặc dù Tp.HCM đã có chính sách thu hút đối với giáo viên mầm non, nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu sống tại Thành phố này, nhất là giáo viên ở tỉnh, phải thuê nhà.

Cùng với đó, thời gian làm công tác giáo dục trẻ mầm non chiếm trọn thời gian cả ngày, cuối tuần tham gia tập huấn… giáo viên không có thời gian làm thêm để kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống.

"Khát" nguồn nhân lực giáo viên mầm non là vấn đề thời sự ở nhiều địa phương phía Nam.

Còn tại tỉnh Đồng Nai, tổng số giáo viên còn thiếu (không tính cán bộ quản lý) là 1.711 giáo viên, trong đó mầm non thiếu 487 giáo viên, tiểu học thiếu 675 giáo viên, còn lại là bậc trung học. Vì vậy, bậc mầm non và tiểu học đứng đầu về số lượng giáo viên còn thiếu so với biên chế được giao.

Bà Trương Thị Kim Huệ, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Đồng Nai cho rằng, việc khắc phục được tình trạng thiếu giáo viên không nằm trong khả năng giải quyết của chính ngành GD&ĐT Đồng Nai cũng như các địa phương khi “nguồn cung” giáo viên từ các trường đại học sư phạm rất ít so với nhu cầu.

“Nhiều địa phương, nhất là một số địa bàn vùng sâu, vùng xa đang gặp nhiều khó khăn do giáo viên không muốn đến công tác như xã Phú Lý (huyện Vĩnh Cửu), xã Đak Lua (huyện Tân Phú), xã Thanh Sơn (huyện Định Quán). Thậm chí, có giáo viên sau khi trúng tuyển, nhận quyết định phân công về trường công tác nhưng chỉ đến một lần rồi không quay trở lại, vì đi lại quá xa, thu nhập quá thấp.

Tương tự, tỉnh Tiền Giang cũng đang thiếu giáo viên mầm non trầm trọng khi toàn tỉnh có 170 trường mầm non công lập, 1.507 nhóm trẻ và lớp mẫu giáo. Với tổng số nhóm, lớp đó thì cần phải có 3.384 giáo viên mầm non. Tuy nhiên, thực tế hiện tại chỉ có 2.389 giáo viên, thiếu đến 995 giáo viên so với quy định.

Do thiếu giáo viên nên mỗi người phải làm việc gấp 2, gấp 3 lần, đồng thời nhiều nơi không bổ nhiệm được cán bộ quản lý vì như thế sẽ thiếu giáo viên trầm trọng hơn. Mỗi lớp chỉ có 1 giáo viên phụ trách, nên khi nghỉ hộ sản, Ban Giám hiệu phải xuống đứng lớp thay cho giáo viên.

Hàng năm, mặc dù tỉnh Tiền Giang tổ chức các đợt tuyển dụng nhưng đều gần như không tuyển dụng được giáo viên mầm non vì nhiều lý do như thiếu nguồn, vị trí trường tuyển xa, đi lại khó khăn, cơ sở vật chất xuống cấp, thiếu phòng học, không có nhà công vụ giáo viên,...

Tiền Giang có 10 xã địa bàn nông thôn sâu, xa, đi lại khó khăn, nhiều năm liền không tuyển được giáo viên mầm non. Đó là các xã Mỹ Tân, Mỹ Trung, Mỹ Lợi A (huyện Cái Bè); Phú Cường, Thạnh Lộc, Mỹ Thành Bắc (huyện Cai Lậy); Tân Hòa Tây, Tân Hòa Đông, Thạnh Mỹ, Thạnh Tân (huyện Tân Phước).

Cần giải pháp cho thu nhập của giáo viên mầm non

Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT tỉnh Đồng Nai, mặc dù có thực hiện phân cấp, phân quyền cho các trường được phép tuyển dụng thay vì UBND huyện trực tiếp tuyển dụng rồi phân công về các trường nhưng cũng chưa đủ mạnh để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên.

Thực tế lương giáo viên hiện vẫn ở mức thấp so với mức lương tối thiểu vùng. Cụ thể, với giáo viên mầm non mới tuyển dụng, hệ số lương khởi điểm là 2,1 và chỉ được hưởng 85% lương (khoảng 3 triệu đồng). Mức lương này còn thấp hơn cả vị trí bảo vệ và nhân viên tạp vụ ở trường.

Do đó, ngành GD&ĐT tỉnh Đồng Nai đã kiến nghị với Bộ GD&ĐT điều chỉnh khung lương với bậc mầm non. Cụ thể, vào thời điểm tuyển dụng, nếu giáo viên đủ chuẩn thì được hưởng ngay lương bậc 2. Mặt khác, kiến nghị nâng phụ cấp cho giáo viên mầm non đang làm việc từ 75% như hiện nay lên 100%.

Trong khi đó, Sở GD&ĐT tỉnh Tiền Giang đưa ra các giải pháp về chính sách ưu đãi để hỗ trợ và thu hút thí sinh thi vào ngành sư phạm mầm non cũng như giúp các sinh viên ngành sư phạm mầm non mới ra trường gắn bó lâu dài với nghề, đồng thời hỗ trợ tiền ăn cho giáo viên, nhân viên đang công tác trong các trường mầm non công lập, tiền ăn và xăng xe cho giáo viên, nhân viên các trường mầm non công lập vùng nông thôn sâu đi lại...

Còn Tp.HCM đang thực hiện tổ chức tuyển dụng viên chức, giáo viên mầm non bằng phương pháp linh động với nhiều hình thức như thi tuyển, xét tuyển hoặc tiếp nhận vào làm viên chức và tuyển dụng nhiều đợt trong năm cho đến khi đáp ứng đủ nhu cầu theo quy định.

Bên cạnh đó, để đủ nhân sự đảm bảo hoạt động, các cơ sở giáo dục mầm non tại Tp.HCM có thể ký hợp đồng giáo viên trong khi chưa tuyển dụng được nhân sự chính thức.

Ngành giáo dục Tp.HCM vẫn đang tiếp tục đề xuất, xây dựng chế độ chính sách thu hút đối với giáo viên mầm non, khắc phục khó khăn về tài chính, tham gia lâu dài với ngành, với đơn vị. Đồng thời tăng cường phối hợp với các cơ sở đào tạo để có chế độ thu hút sinh viên tham gia học ngành giáo dục mầm non...

Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT công bố cuối tháng 12/2023, cả nước hiện có 15.334 cơ sở giáo dục mầm non với 19.398 điểm trường, tăng 1.207 cơ sở giáo dục mầm non so với năm học 2013-2014 (tăng 6,6%). Tổng số trẻ mầm non trên cả nước là gần 4,5 triệu trẻ em, tăng 250.000 trẻ em so với năm học 2013-2024 (tăng gần 6%).

Tỷ lệ huy động trẻ em nhà trẻ và trẻ em mẫu giáo ra lớp tăng dần hằng năm, trong đó tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ đạt 32,1%, tăng 7,7% so với năm học 2013-2014; tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo đạt 93,1%, tăng 6%.

Về đội ngũ giáo viên, cả nước có hơn 378.000 giáo viên mầm non, tỷ lệ giáo viên/lớp đã đạt 1,86, tăng 0,26% so với năm học 2013-2014 nhưng vẫn thấp hơn 0,34 so với quy định.

Nguyễn Thành Nhân

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/thieu-giao-vien-mam-non-bai-toan-kho-cua-nganh-giao-duc-phia-nam-a644249.html