Thiếu gì thì thiếu…

Chừng độ mươi mười lăm năm trước, nói đến thiếu trường học ở Hà Nội được hiểu là thiếu trường mầm non và một vài trường tiểu học trong khu phố cổ, phố cũ chật chội không có sân chơi. Còn nay, dù Thủ đô đã phát triển gấp nhiều lần với những tòa nhà chọc trời, với hàng trăm khu đô thị mới hiện đại, hàng nghìn trường học mới thì thiếu trường học vẫn là việc trầm trọng. Nguyên do là sự tăng lên của trường học vẫn không theo kịp sự tăng dân số cơ học của Thành phố trong những năm gần đây.

Trường Tiểu học Ninh Hiệp (Hà Nội).

Hàng chục năm trước, Trường Tiểu học Bà Triệu (quận Hai Bà Trưng) luôn được dẫn chứng như câu chuyện điển hình về tình trạng thiếu trường học. Có lần, khoảng những năm 2000, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT thời ấy cùng lãnh đạo Bộ và Sở đến dự giờ tại Trường Tiểu học Bà Triệu. Nhưng vì lớp học quá chật nên chỉ có Bộ trưởng, Thứ trưởng và một Phó giám đốc Sở GD-ĐT là được ngồi trong lớp, các quan chức khác kê ghế ngồi ngoài hành lang để… dự giờ! Thời ấy đây là trường tiểu học duy nhất của phường Bùi Thị Xuân. Trường Tiểu học Bà Triệu có một trụ sở chính (31 Tô Hiến Thành, vốn là một biệt thự cũ 3 tầng xây trên diện tích chưa đến 350m2) và 4 phòng học đặt tại các điểm lẻ 37 Tô Hiến Thành, 173 Bà Triệu, 294 Bà Triệu. Trong các điểm lẻ này, chỉ duy nhất ở 173 Bà Triệu là có 2 phòng học và sân chơi.

Còn vào thời điểm hiện nay, nói thiếu trường học là phải nói đến sức ép của các khu đô thị mới. Trong buổi làm việc vừa mới đây với quận Thanh Xuân, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đã nghe báo cáo về việc thiếu trường học ở đây. Ngay lập tức ông Hải đề nghị Sở Quy hoạch Kiến trúc rà soát lại cùng với quận, những khu đất có thể xây dựng trường học hoặc sắp xếp dành quỹ đất cho trường học. Cùng với đó, ông Hải nhấn mạnh: “Thiếu gì thì thiếu không thể thiếu trường học. Thành phố mỗi năm tiếp nhận 200 nghìn người nhập cư. Tại quận Thanh Xuân mỗi năm thêm 4.000 cháu, đây là sức ép rất lớn, là nhiệm vụ chúng ta phải lo”.

Sự thật quận Thanh Xuân cũng chưa phải là nơi tiêu biểu nhất cho việc thiếu trường học của Thành phố. Hầu hết các quận huyện đều đang phải chịu sức ép rất lớn từ thực trạng gia tăng dân số cơ học do việc xây dựng ồ ạt nhà cao tầng, mật độ dân cư bị dồn nén, trong khi hạ tầng xã hội đi kèm như giao thông, trường học... hầu như chưa được chú trọng. Nhiều khu vực không có thêm trường mới trong khi dân số tăng quá nhanh, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.

Theo đánh giá của ngành giáo dục Hà Nội, tình trạng trường học khu vực nội thành có số học sinh/lớp, số lớp/trường cao hơn nhiều so với quy định khá phổ biến. Theo quy định, với cấp tiểu học sĩ số là 35 học sinh/lớp, nhưng thực tế tại nhiều trường sĩ số học sinh rất đông, đều trên dưới 50 cháu/lớp.

Điểm nóng hiện nay về tăng dân số cơ học dẫn đến sức ép về mọi mặt phải kể đến là khu đô thị Linh Đàm. Từ một phường vốn chỉ gồm địa bàn chính là cư dân các làng Bằng Liệt, Linh Đàm, Tứ Kì, Pháp Vân, nay phường Hoàng Liệt phải cõng theo toàn bộ khu đô thị Linh Đàm. Trong khi trường công ở cấp 1 của cả phường hiện vẫn chỉ có Trường Tiểu học Hoàng Liệt. Nhất là từ khi các tổ hợp nhà giá rẻ mọc lên ở đây thì mật độ dân số đã tăng chóng mặt. Từng được biết đến là khu đô thị kiểu mẫu đầu tiên ở Hà Nội, nhưng hiện nay, Linh Đàm được xếp là nơi có mật độ dân số đông nhất thành phố hiện nay. Trường Tiểu học Hoàng Liệt dù đã tăng số lượng học sinh mỗi lớp lên hết cỡ, tăng số lớp học thậm chí phải dạy cả trong ngày thứ 7 (mỗi lớp luân phiên nghỉ 1 buổi trong tuần), cũng không đáp ứng hết nhu cầu của người dân trong địa bàn. Nhiều gia đình dù điều kiện không dư dả vẫn buộc phải cho con theo học trường tư.

Theo quy hoạch của TP Hà Nội, với số dân phát triển ở các khu đô thị đông dân cư, mỗi phường phải có từ 3 - 4 trường tiểu học. Tuy nhiên, có thể thấy hầu hết các phường hiện nay đều chỉ có 1 trường tiểu học. Theo khảo sát gần đây của Sở GD và ĐT Hà Nội, toàn TP có 252 khu đô thị, dự án được phê duyệt có quy hoạch trường học, nhưng ngành giáo dục mới chỉ tiếp nhận bàn giao 56 trường của 25 khu đô thị. Con số này cho thấy sự lỏng lẻo, dễ dãi trong quản lý khi mà hầu hết các khu đô thị chưa có trường học đi kèm đều đã được đưa dân cư vào ở.

Di dân cơ học đang tạo sức ép lên Thủ đô về mọi mặt. Nhưng nói như Bí thư Hoàng Trung Hải, đó là nhiệm vụ phải lo của chính quyền thành phố. Rà soát quỹ đất, phê duyệt các dự án đô thị đi kèm trường học phải được thực hiện nghiêm, khắc phục những bất cập trong quy hoạch đô thị, nhất là hạn chế tối đa đối với tình trạng xây dựng chung cư không kèm hệ thống hạ tầng giao thông, trường học… Đó là những việc cần làm để trường học phải đáp ứng đồng bộ với sự phát triển đô thị. Bởi vì giữa Thủ đô, “thiếu gì thì thiếu, không được thiếu trường học”.

Ngọc Anh

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tham-vanphan-bien/thieu-gi-thi-thieu/125666