Thiếu điện - cú đấm mạnh vào nền kinh tế Trung Quốc

Tình trạng thiếu điện ngày càng tăng ở Trung Quốc đang ảnh hưởng trực tiếp đến các hộ gia đình và buộc các nhà máy phải cắt giảm sản lượng, làm chậm đà tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và gây căng thẳng hơn nữa cho chuỗi cung ứng toàn cầu.

Thiếu điện là mối lo ngại mới nhất của Trung Quốc. Hình ảnh một nhà máy sản xuất than ở Hejin thuộc tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc.. (Nguồn: AP)

Thiếu điện là mối lo ngại mới nhất của Trung Quốc. Hình ảnh một nhà máy sản xuất than ở Hejin thuộc tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc.. (Nguồn: AP)

Phương tiện truyền thông Trung Quốc đưa tin, các công ty ở các trung tâm công nghiệp của quốc gia này đã được yêu cầu hạn chế tiêu thụ năng lượng để giảm nhu cầu sử dụng điện.

Theo Global Times, ngày 27/9, một đợt cắt điện "bất ngờ và chưa từng có" đã xảy ra ở các tỉnh Đông Bắc Trung Quốc. Tình trạng thiếu điện tại Hắc Long Giang, Cát Lâm và Liêu Ninh đã dẫn đến những gián đoạn lớn đối với cuộc sống của người dân và hoạt động kinh doanh.

Tại tỉnh Quảng Đông, trung tâm công nghiệp và vận tải biển lớn cũng đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Quan chức địa phương cho biết, nhiều công ty đang cố gắng giảm nhu cầu bằng cách làm việc hai hoặc ba ngày mỗi tuần.

Tổng công ty Lưới điện Nhà nước Trung Quốc cho biết, họ sẽ "dốc toàn lực để chiến đấu với cuộc chiến khó khăn về cung cấp điện" và nỗ lực hết sức để đảm bảo nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Trung Quốc đã bị ảnh hưởng bởi một cuộc khủng hoảng năng lượng tương tự vào tháng 6/2021, nhưng "một cơn bão hoàn hảo" đang khiến tình hình đang trở nên tồi tệ hơn. Các ngành công nghiệp của nước này đang phải đối mặt với áp lực rất lớn khi giá năng lượng tăng cao.

Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang cố gắng đáp ứng cam kết, lượng khí thải carbon của họ sẽ đạt đỉnh trước năm 2030. Điều đó đòi hỏi các tỉnh của họ phải sử dụng ít nhiên liệu hóa thạch hơn, chẳng hạn bằng cách đốt ít than hơn để tạo ra điện.

Pegatron - một công ty Đài Loan (Trung Quốc) sản xuất linh kiện và lắp ráp iPhone cho Apple cho rằng, họ đang hợp tác với chính phủ Trung Quốc để kích hoạt các cơ chế tiết kiệm năng lượng và giảm sản lượng.

Dự báo tăng trưởng bị cắt giảm

Cú sốc năng lượng tại Trung Quốc đang khiến các nhà kinh tế cắt giảm kỳ vọng tăng trưởng trong năm nay đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Các nhà phân tích tại Nomura đã cắt giảm dự báo tăng trưởng của Trung Quốc năm 2021 xuống 7,7% với lý do số lượng nhà máy phải ngừng hoạt động do yêu cầu hạn chế tiêu thụ năng lượng ngày càng tăng.

Các nhà phân tích tại Goldman Sachs cũng cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế quốc gia này năm 2021 xuống 7,8%, từ mức 8,2%. Theo các nhà phân tích, quý IV/2021, nền kinh tế Trung Quốc phải đối mặt với rủi ro vì cuộc khủng hoảng nợ tại "gã khổng lồ" bất động sản Evergrande.

Năng lượng không phải là vấn đề mới đối với Trung Quốc. Vào mùa Hè năm nay, một số tỉnh của Trung Quốc đã cảnh báo về cuộc khủng hoảng điện tồi tệ nhất của đất nước kể từ năm 2011.

"Tình trạng thiếu điện sẽ gây tổn hại cho nền kinh tế. Tình trạng này có thể làm giảm sản lượng trên hầu hết mọi lĩnh vực của nền kinh tế, bao gồm cả các ngành xây dựng và sản xuất - động lực chính cho sự phục hồi kinh tế Trung Quốc vào năm 2021" - Nhà phân tích Yan Qin của Refinitiv.

Nhưng các báo cáo mới nhất thậm chí còn đáng lo ngại hơn. Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) đưa tin, tình trạng thiếu điện nghiêm trọng ở các khu vực phía Đông Bắc sẽ tiếp tục trong vài tháng tới.

Trung Quốc tự thoát khỏi đại dịch Covid-19 phần lớn nhờ vào sự bùng nổ của ngành xây dựng và sản xuất. Tuy nhiên, các dự án bất động sản và nhà máy đòi hỏi phải tiêu thụ hàng tấn năng lượng để hoạt động.

Theo nghiên cứu được công bố vào tháng 5/2021 từ Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí sạch (CREA), việc tập trung phát triển cơ sở hạ tầng và xây dựng đã đẩy lượng khí thải carbon của Trung Quốc lên mức cao kỷ lục trong quý đầu tiên của năm 2021. Đây là tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong hơn một thập kỷ qua.

Nhà kinh tế Larry Hu của Macquarie viết trong một nghiên cứu rằng: “Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới được thúc đẩy bởi khu vực công nghiệp nhiều hơn là khu vực tiêu dùng. Thật không may, cường độ năng lượng phải tiêu thụ trong lĩnh vực công nghiệp cao hơn nhiều so với trong lĩnh vực tiêu dùng".

Theo chiến lược gia trưởng Yao Pei của công ty môi giới Trung Quốc Soochow Securities, khoảng thời gian này, nhu cầu hàng hóa bùng nổ sau đại dịch và thời tiết khắc nghiệt buộc các nhà máy điện than phải hạn chế sản lượng, đồng thời cản trở hoạt động thủy điện.

Trung Quốc cũng đang vật lộn với việc làm thế nào để đáp ứng yêu cầu của Chủ tịch Tập Cận Bình là trung hòa carbon vào năm 2060. Mục tiêu đầy tham vọng đó đối với quốc gia tiêu thụ than lớn nhất thế giới đã khiến các mỏ than của nước này sản xuất ít hơn, dẫn đến giá cả tăng vọt.

Nhà kinh tế Hu chỉ ra rằng, giá than nhiệt - chủ yếu được sử dụng để sản xuất điện - đã tăng vọt trong năm nay, từ mức 671 Nhân dân tệ/tấn (tương đương 104 USD) lên khoảng 1.100 Nhân dân tệ/tấn (tương đương 170 USD).

"Cú đấm có một không hai"

Khủng hoảng năng lượng có thể tạo ra "cú đấm có một không hai" khiến đà phục hồi vốn đang mong manh của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đi chệch hướng và gây thêm rắc rối cho chuỗi cung ứng toàn cầu.

Nhà phân tích Yan Qin của Refinitiv nhận định: "Tình trạng thiếu điện sẽ gây tổn hại cho nền kinh tế. Tình trạng này có thể làm giảm sản lượng trên hầu hết mọi lĩnh vực của nền kinh tế, bao gồm cả các ngành xây dựng và sản xuất - động lực chính cho sự phục hồi kinh tế Trung Quốc vào năm 2021".

Theo Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS), các doanh nghiệp thuộc hai ngành kể trên đã sử dụng gần 70% lượng điện của Trung Quốc vào năm 2021.

Chengde New Material có trụ sở tại Quảng Đông, một trong những nhà sản xuất thép không gỉ lớn nhất của đất nước đã nói với khách hàng vào cuối tháng trước rằng, họ sẽ đóng cửa hoạt động trong hai ngày mỗi tuần để giảm nhu cầu tiêu thụ điện. Công ty dự kiến khối lượng sản xuất sẽ giảm 20%, tương đương 10.000 tấn thép/tháng.

Klaus Zenkel, Chủ tịch Phòng Thương mại Liên minh châu Âu (EU) ở phía Nam Trung Quốc nhấn mạnh: "Các công ty không hài lòng về điều này".

Ông Zenkel thông tin, có tới 80 công ty thành viên của Phòng Thương mại này đã bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu điện. Một số doanh nghiệp đã bắt đầu thuê máy phát điện chạy dầu diesel để duy trì hoạt động kinh doanh.

Giám đốc năng lượng, khí hậu và tài nguyên Henning Gloystein của Eurasia Group nhận thấy: “Tình trạng thiếu điện có thể làm tăng thêm tình trạng vận chuyển chậm trễ trên toàn cầu".

Riêng Quảng Đông - trung tâm sản xuất chiếm 1/4 tổng kim ngạch thương mại của Trung Quốc, bao gồm quần áo, đồ chơi và đồ điện tử đã chứng kiến các cảng container bị tắc nghẽn do đại dịch Covid-19. Việc tồn đọng hàng hóa có thể mất nhiều tháng để giải quyết và dẫn đến tình trạng thiếu hàng trong mùa mua sắm cuối năm.

Lara Dong, giám đốc cấp cao về năng lượng và năng lượng tái tạo tại Trung Quốc tại IHS Markit nhấn mạnh: “Tình trạng thiếu điện có thể khiến các doanh nghiệp phải sắp xếp lại lịch trình làm việc, kéo dài thời gian giao hàng và ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu".

(theo CNN)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/thieu-dien-cu-dam-manh-vao-nen-kinh-te-trung-quoc-160195.html