Thiếu đá xây dựng… trên Cao nguyên đá - Kỳ cuối: Cần giải pháp lâu dài

Năm 2023, thống kê sơ bộ tổng nhu cầu sử dụng đá làm vật liệu xây dựng thông thường cho các công trình, dự án đầu tư từ ngân sách nhà nước và xây dựng NTM trên địa bàn 4 huyện Cao nguyên đá trên 500.000 m3; tổng nguồn cung ứng đá từ các mỏ được cấp phép trên địa bàn 4 huyện 61.000 m3 nguyên khai/năm. Nhu cầu đá làm vật liệu xây dựng thiếu trên 400.000 m3.

Để khắc phục tạm thời khó khăn về vật liệu xây dựng thông thường (cát, sỏi, đá) trên địa bàn tỉnh nói chung, 4 huyện vùng Cao nguyên đá nói riêng, tỉnh đã có cơ chế cho phép các địa phương khai thác đá tại một số điểm mỏ nằm trong quy hoạch để phục vụ xây dựng các công trình NTM được tỉnh hỗ trợ xi măng và cho phép tận thu đá thải từ việc giải phóng mặt bằng để thi công một số dự án trên địa bàn các huyện.

Dự án cải tạo, nâng cấp đường Yên Minh - Mèo Vạc có khối lượng đá thải lớn.

Theo Công văn số 1074, ngày 14.4.2023 của UBND tỉnh, tỉnh chấp thuận cho huyện Quản Bạ có 1 điểm mỏ trong quy hoạch được phép khai thác trên 35.000 m3, đáp ứng 100% nhu cầu xây dựng các công trình NTM ở các xã (chỉ cho phép phục vụ các công trình từ chương trình hỗ trợ xi măng của tỉnh); huyện Đồng Văn có 1 điểm mỏ được phép khai thác với tổng khối lượng trên 10.600 m3; huyện Mèo Vạc có 4 điểm mỏ được phép khai thác, tổng khối lượng 6.190 m3. Ngoài ra, một số dự án nâng cấp hạ tầng giao thông đang triển khai trên địa bàn 4 huyện vùng Cao nguyên đá cũng được chấp thuận cho phép tận thu đá thải để thi công các dự án. Tổng khối lượng đá thải được phép tận thu trên 100.000 m3.

Tuy nhiên, lượng đá được phép khai thác phục vụ xây dựng NTM theo Công văn 1074 của UBND tỉnh đối với huyện Đồng Văn chỉ đáp ứng khoảng 28% nhu cầu, huyện Mèo Vạc 60% nhu cầu. Với tổng nhu cầu đá sử dụng làm vật liệu xây dựng thông thường cho các công trình, dự án và xây dựng NTM trên địa bàn 4 huyện Cao nguyên đá trên 500.000 m3 trong năm 2023. Với khoảng 200.000 m3 đá được phép khai thác, tận thu phục vụ xây dựng NTM và các dự án giao thông; 61.000 m3 khai thác hàng năm từ 3 mỏ đá được cấp phép trên địa bàn các huyện vùng cao. Nhu cầu đá làm vật liệu xây dựng phục vụ các công trình, dự án trên Cao nguyên đá còn thiếu trên 200.000m3 (chưa tính nhu cầu làm nhà ở của người dân).

Chính từ sự thiếu hụt đá làm vật liệu xây dựng, giá đá cao nên những năm trước trên Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn thường xuyên xảy ra tình trạng khai thác đá trái phép. Với chủ trương không đánh đổi phát triển kinh tế với môi trường và các cam kết bảo vệ di sản vùng Công viên Địa chất toàn cầu, các địa phương vùng Cao nguyên đá tăng cường kiểm tra, xử lý nên tình trạng “đá tặc” đã được khắc phục triệt để. Nhưng cũng vì thế đá làm vật liệu xây dựng càng khan hiếm, không đáp ứng đủ nhu cầu khiến giá ngày càng tăng, tác động lớn tới chi phí đầu tư các công trình, dự án, ảnh hưởng tiến độ thi công và là gánh nặng với người dân.

Cần những giải pháp lâu dài giải "bài toán" đá xây dựng trên Cao nguyên đá.

Thực tế từ hoạt động giải phóng mặt bằng thi công các công trình trên vùng Cao nguyên đá năm 2023, khối lượng đá thải phát sinh (có thể sử dụng được) rất lớn, có thể lên tới trên 1 triệu m3 (thống kê sơ bộ của các địa phương và Sở Tài nguyên – Môi trường). Tuy nhiên, khối lượng được phép tận thu phục vụ trực tiếp cho hoạt động thi công của các công trình, dự án rất nhỏ. Nếu có thể tận dụng số đá thải này cho các công trình, dự án khác và hoạt động xây dựng dân dụng của nhân dân sẽ là một giải pháp hiệu quả giải quyết bài toán về vật liệu xây dựng thông thường. Đơn cử như Dự án cải tạo, nâng cấp đường Yên Minh – Mèo Vạc khối lượng đá thải trên 250.000 m3, khối lượng đất đá tận thu sử dụng cho thi công công trình khoảng 50.000 m3, thừa 200.000 m3; Dự án Nâng cấp, mở rộng tuyến đường từ Km 160 + 500, QL.4C xã Pả Vi đi Mốc 456 xã Thượng Phùng có khối lượng đất đá thải trên 500.000 m3, khối lượng tận thu trên 47.000 m3, thừa trên 400.000 m3; Dự án Nâng cấp, mở rộng tuyến đường liên xã từ xã Pả Vi đi cầu Tràng Hương, xã Xín Cái có khối lượng đất, đá thải trên 310.000 m2, khối lượng được tận thu sử dụng chỉ trên 22.000 m3…

Ngoài ra, với các điểm mỏ đã được quy hoạch, đảm bảo các điều kiện, tỉnh và huyện cần có cơ chế đầu tư mở đường giao thông, hệ thống điện để thu hút các doanh nghiệp tham gia đấu giá, đấu thầu, đăng ký cấp phép khai thác mỏ. Với các điểm được chấp thuận cho khai thác xây dựng phục vụ xây dựng NTM, gắn triệt để trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương trong quản lý khối lượng đá khai thác. Nghiên cứu chính sách trợ giá vật liệu cho các hộ dân ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, cách xa mỏ khai thác đá. Đồng thời có quy định khai báo quy mô, nhu cầu sử dụng vật liệu đá, bột đá, nơi cung cấp đá đối với các hộ xây dựng nhà ở dân dụng để quản lý sản lượng khai thác, tránh thất thu thuế, phí.

Bài, ảnh: Lương Hà

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/xa-hoi/202307/thieu-da-xay-dung-tren-cao-nguyen-da-ky-cuoi-can-giai-phap-lau-dai-0d01dd3/