Thiếu cơ chế mua bán điện trực tiếp, đầu tư nguồn điện sẽ bị chậm lại

Nghị định cơ chế mua bán điện trực tiếp sẽ được Bộ Công Thương xây dựng theo cơ chế rút gọn, thời gian ngắn, đảm bảo chất lượng để dùng được ngay và chậm nhất ngày 15/4 sẽ công bố dự thảo lần 1 để lấy ý kiến góp ý.

Bộ Công Thương ‘muốn’ xây dựng nghị định mua bán điện trực tiếp theo hướng ‘dùng được ngay’

Tại cuộc họp về xây dựng Nghị định về cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA mới đây, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, nếu không có cơ chế khuyến khích này thì việc đầu tư nguồn điện sẽ chậm lại so với tiến độ. Vì thế, nghị định này cần phải thiết kế theo hướng dùng được ngay, chứ không theo dạng nghị định khung, nghị định ống.

Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng lưu ý, các chính sách ở nghị định này cần xoay quanh 4 vấn đề cụ thể: phải thông qua cơ chế giá để điều tiết; thông qua thủ tục hành chính để giải quyết các vấn đề phát sinh; có thể mở rộng thêm các đối tượng mua chứ không chỉ đơn vị sản xuất mà các loại hình khác nếu có nhu cầu.

Nếu không khuyến khích, đầu tư nguồn điện sẽ chậm lại.

Ông Diên lưu ý, chúng ta khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo; khuyến khích các nhà sản xuất nguồn điện sạch bao gồm nắng gió, sinh khối thủy điện, kể cả thủy điện nhỏ đáp ứng nhu cầu sản xuất xanh, sạch... không chỉ ở các nhà đầu tư nước ngoài mà ngay cả với những nhà sản xuất, nhà đầu tư Việt Nam.

Ông Trịnh Quốc Vũ - Phó vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững cho rằng, cần xem xét mở rộng đối tượng tham gia trong Nghị định thay vì chỉ có nhà máy điện gió, mặt trời mà còn dạng năng lượng khác. Ngoài ra, dự thảo chỉ đề cập đến đối tượng tham gia mua điện trực tiếp là khách hàng sản xuất, do đó cũng cần mở rộng thêm vì có những khách hàng không phải sản xuất cũng muốn tham gia cơ chế này.

Đồng tình quan điểm này, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng: Có thể mở rộng thêm các đối tượng tham gia cơ chế DPPA, không chỉ đơn vị sản xuất mà các loại hình khác nếu có nhu cầu.

Ông Đậu Anh Tuấn – Phó Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, việc xây dựng Nghị định này có ý nghĩa rất quan trọng, giải quyết hai vấn đề là tạo cơ sở pháp lý vững chắc để thực hiện cũng như có phương án tài chính qua cơ chế giao ngay.

Đại diện VCCI cũng lưu ý, thủ tục hành chính cầnlàm sao cho rõ ràng, dễ thực hiện. Đặc biệt cần quy định về quy trình thủ tục, quyền và trách nhiệm các bên cần nêu rõ trong Nghị định.

Kỳ Thư

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/thieu-co-che-mua-ban-dien-truc-tiep-dau-tu-nguon-dien-se-bi-cham-lai-20180504224297443.htm