Thiệt thòi phận nữ lao động di cư

Thiếu kỹ năng, thiếu cơ hội học nghề hay nâng cao tay nghề, thiếu những chính sách hỗ trợ về mặt xã hội... đã khiến công việc và cuộc sống của những lao động nữ di cư trở nên bấp bênh. Các chuyên gia trong lĩnh vực lao động, xã hội đang báo động về thực trạng này.

Lao động nữ di cư có đóng góp lớn vào kinh tế của địa phương nơi họ đến làm việc nhưng lại đứng ngoài lề những chính sách phúc lợi xã hội. Ảnh: Thành Hoa

Hơn 10 năm quay quắt của Tuyết

Tuyết năm nay 28 tuổi, là một cô gái quê ở Thanh Hóa có vóc người nhỏ nhắn. Ngày học hết lớp 9, cô từ Thanh Hóa vào TPHCM kiếm sống. Sau bốn năm làm việc ở một công ty may của một doanh nghiệp Trung Quốc trong điều kiện làm việc khắc nghiệt (lúc cao điểm cô phải đứng 12-14 tiếng/ngày) và đồng lương ít ỏi, cô khăn gói về Hà Nội tìm việc để được... gần nhà hơn! Lúc này Tuyết mới biết là trong những năm làm việc ở TPHCM, cô không được đóng bảo hiểm xã hội (BHXH).

Hà Nội, Tuyết “đầu quân” về một công ty sản xuất linh kiện điện tử của Nhật Bản. Làm ở đây được bốn năm thì cô lập gia đình và mang thai đứa con đầu tiên. Cô không hiểu vì sao công ty không tiếp tục ký hợp đồng với cô nữa và không có lời giải thích nào từ bộ phận nhân sự của công ty, chỉ thấy những phụ nữ mang thai lúc đó cũng lâm vào tình cảnh như cô vậy. Cô kể: “Em không biết kêu ai, không biết ai sẽ bảo vệ quyền lợi cho mình”. Không nhận được sự trợ giúp nào nên Tuyết quay về Thanh Hóa bán rau và sống dựa vào đồng lương của chồng.

Đứa con đầu lòng của Tuyết chào đời, rồi cô có đứa thứ hai, cuộc sống thiếu thốn... Một nách hai con, cô trở lại khu công nghiệp Bắc Thăng Long (Hà Nội) kiếm sống. Vợ chồng con cái bốn người ở trong một phòng trọ rộng hơn 10 mét vuông mà chỉ cái giường thôi đã chiếm gần hết diện tích căn phòng. Công việc của cô phải tiếp xúc với hóa chất trong nhà máy, trong đó có benzene từ mực in, cộng với việc phải làm việc với những chi tiết nhỏ liên tục trong nhiều giờ đồng hồ, thị lực của Tuyết giảm đáng kể. Cô nghẹn ngào: “Đây là thời kỳ đen tối, quay quắt nhất của em”.

Cũng giống như nhiều lao động nữ nhập cư khác, sau khi cai sữa cho con, Tuyết phải gửi con về quê cho người thân chăm sóc. Không có hộ khẩu tại nơi cư trú, con cái của nữ công nhân không thể tiếp cận trường công, dịch vụ công.

Thiếu cơ hội học nghề, nâng cao kỹ năng

Tuyết chỉ là một trong hàng triệu lao động nữ di cư trên cả nước mỗi năm. Theo Tổ chức Plan International(*), tuy lao động nữ di cư có đóng góp lớn vào kinh tế của địa phương nơi họ đến làm việc nhưng họ lại đứng ngoài lề những chính sách phúc lợi xã hội, từ việc không thể cho con vào trường công cho tới việc phải trả tiền điện nước đắt hơn so với người dân địa phương. Họ cũng không tiếp cận được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương trong những việc như tìm một chỗ trọ an toàn hay một công việc bền vững.

Khảo sát thị trường việc làm cho nữ lao động nhập cư tại Hà Nội của Viện Khoa học giáo dục nghề nghiệp cho thấy lao động nữ di cư cũng như con cái của họ gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ giáo dục và đào tạo tại nơi đến. Điều này cũng có nghĩa họ phải gửi con vào trường tư với chi phí đắt hơn, chất lượng không đảm bảo, hoặc là phải gửi về quê cho người thân chăm sóc.

Theo báo cáo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ lao động bị ảnh hưởng bởi tự động hóa cao nhất, ước tính tới 86% lao động trong ngành dệt may - da giày và 75% lao động trong ngành điện tử. Trong đó, lao động nữ và lao động không có kỹ năng sẽ là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất. Giải pháp mà các chuyên gia quốc tế đưa ra là phải liên tục đào tạo và đào tạo lại cho người lao động, giúp họ nắm bắt được những kỹ năng mới, công nghệ mới để có thể thích ứng với những thay đổi trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0. Nhưng nếu không tiếp cận được với các chương trình hỗ trợ đào tạo nghề, lao động nữ lại càng dễ bị tổn thương hơn nữa.

Bên lề chính sách

Tại một hội thảo gần đây về lao động nữ di cư, ông Nguyễn Quang Việt, Phó viện trưởng Viện Khoa học giáo dục nghề nghiệp, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp - Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, cho biết theo một khảo sát, lao động nữ chưa qua đào tạo nhận mức lương thấp đáng kể (4,8 triệu đồng/tháng) so với lao động qua đào tạo (6,1 triệu đồng/tháng). Nhìn chung, thu nhập của lao động nữ di cư là thấp, chỉ đủ trang trải cho các nhu cầu căn bản của cuộc sống. Những người phải thuê nhà và có con nhỏ còn gặp nhiều khó khăn hơn nữa. Thời gian làm việc của họ thường kéo dài, hơn 9 giờ/ngày, có những trường hợp tới 12-14 giờ/ngày và trong điều kiện hết sức khắc nghiệt. Những người lao động ở khu vực kinh tế phi chính thức còn không được hưởng các chính sách bảo hiểm ngắn hạn như ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Khoảng 70% lao động nữ di cư làm việc không có hợp đồng lao động hoặc chỉ ký hợp đồng ngắn hạn dưới ba tháng. Chỉ khoảng 30% lao động nữ di cư được tham gia BHXH, 39% tham gia bảo hiểm y tế và 21% tham gia bảo hiểm thất nghiệp tại nơi làm việc. Chế độ đãi ngộ cũng rất hạn chế.

Theo ông Việt, nếu tham gia BHXH tự nguyện, lao động nữ di cư cũng mới chỉ được hưởng chế độ bảo hiểm dài hạn như lương hưu, trợ cấp tử tuất mà không có chế độ ngắn hạn như ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp - là những điều mà họ thực sự cần để ứng phó, giảm thiểu những rủi ro trong làm việc và đời sống.

Bà Nguyễn Thị Thúy, chuyên gia của UN Women tại Việt Nam, đã khuyến nghị cần mở rộng phạm vi điều chỉnh của Bộ luật Lao động đến với đối tượng lao động di cư, đặc biệt là lao động nữ.

Thêm nữa, cần đảm bảo quyền lợi về thai sản cho lao động nữ trong khu vực kinh tế phi chính thức bằng cách bổ sung chế độ thai sản vào chương trình BHXH tự nguyện và khuyến khích họ tham gia. Chính phủ cần hỗ trợ một phần hoặc toàn phần phí bảo hiểm cho các nhóm không có khả năng đóng bảo hiểm hoặc khả năng hạn chế.

Bà Lê Quỳnh Lan, đại diện Plan International, cũng cho rằng cần có chính sách hỗ trợ toàn diện cho lao động di cư. Điều tra của tổ chức này cho dự báo từ nay đến năm 2020, cơ hội việc làm trong các lĩnh vực bán hàng, nấu ăn, phục vụ nhà hàng, phục vụ phòng, may thời trang và spa sẽ luôn mở rộng lao động nữ. Nhưng nếu họ vẫn thiếu thông tin về tuyển dụng, không được tiếp cận dịch vụ tư vấn nghề và việc làm, các cơ hội nâng cao kỹ năng và trình độ thì việc cải thiện tình trạng việc làm vẫn khó.

Trở lại với câu chuyện của Tuyết, cô rất muốn tham dự một khóa đào tạo về may và thiết kế thời trang miễn phí của Plan International để sau này tìm cơ hội mở một cửa tiệm may tại Thanh Hóa. Thế nhưng trong cuộc sống hiện tại, “ca kíp quay vòng, lúc làm ngày, lúc làm đêm, ăn uống vội vàng rồi lo ngủ để lấy sức làm việc tiếp nên em vẫn chưa thể thực hiện mong muốn của mình”, cô tâm sự.

(*) Plan International là một tổ chức nhân đạo hoạt động tại 71 quốc gia trên thế giới để thúc đẩy quyền trẻ em và quyền bình đẳng cho trẻ em gái.

Thùy Dung

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/271803/thiet-th%C3%B2i-phan-nu-lao-dong-di-cu.html