Thiết kế hạ tầng hợp lý, đi xe đạp nhiều khi còn nhanh hơn xe máy

Tách làn đường dành riêng cho xe đạp không chỉ khuyến khích việc sử dụng phương tiện xanh, mà còn thúc đẩy người dân dễ dàng tiếp cận với phương tiện giao thông công cộng, qua đó giảm ùn tắc và tai nạn giao thông. Nhưng...

Theo kế hoạch 235/KH-UBND của UBND TP Hà Nội ban hành 31.8.2022 để thực hiện Nghị quyết 48 của Chính phủ về tăng cường đảm bảo trật tự an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022-2025, thành phố đã đề ra nhiệm vụ nghiên cứu làn đường dành riêng cho xe đạp trên địa bàn thành phố.

Thực ra, tách làn đường dành riêng cho xe đạp là xu hướng nhiều đô thị trên thế giới đang thực hiện nhằm thúc đẩy giao thông công cộng, phát triển đô thị bền vững và hạn chế ô nhiễm môi trường. Vậy làm thế nào để triển khai thực hiện chủ trương này ở Hà Nội? Phóng viên Người Đô Thị đã có cuộc trao đổi với KTS Đinh Đăng Hải, chuyên gia cao cấp Chương trình thành phố sống tốt, Tổ chức Healthbrige của Canada tại Việt Nam.

Hạ tầng xe đạp thúc đẩy nhu cầu đạp xe: chuyện con gà-quả trứng

Ông nghĩ sao về chủ trương tách làn đường dành riêng cho xe đạp ở Hà Nội khi mà một số tuyến đường tách làn đường dành riêng cho xe đạp, xe bus chưa nhận được sự đón nhận của đông đảo người dân?

KTS Đinh Đăng Hải, chuyên gia cao cấp Chương trình thành phố sống tốt, Tổ chức Healthbrige của Canada tại Việt Nam.

KTS Đinh Đăng Hải: Hiện nay, phần lớn diện tích mặt đường giao thông đang bị ô tô, xe máy sử dụng. Khi có ý kiến dành một phần đường dành cho phương tiện khác như tách làn đường dành riêng cho xe đạp, xe bus, xe BRT đều sẽ có ý kiến phản đối. Nhưng rõ ràng, những người đi xe đạp, đi xe buýt hay đi bộ, đều là những người tham gia giao thông, là cư dân đô thị và họ có quyền sử dụng mặt đường. Từ cương vị người dân, tôi nghĩ chúng ta cần chia sẻ với nhau để sử dụng hạ tầng một cách hợp lý.

Các cơ quan quản lý nhà nước xem xét việc sử dụng hạ tầng công một cách công bằng. Vì hiện có rất nhiều người không được tham gia giao thông như trẻ em, người già, người khuyết tật. Những người sử dụng phương tiện cơ giới không thể chiếm 100% diện tích mặt đường của thành phố. Tuy nhiên, khi thực hiện chúng ta cần phải có lộ trình, chọn những tuyến đường thí điểm và sau đó nhân rộng; phải chọn những tuyến có đủ mặt cắt để tạo ra các làn đường riêng; hoặc cho phép xe đạp đi chung với các phương tiện khác ở khu vực lõi đô thị như khu vực quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Nhiều người cho rằng, cần phải có nhiều người sử dụng xe đạp thì mới làm hạ tầng cho xe đạp. Ông có bình luận gì?

Tôi nghĩ đây là câu chuyện giữa con gà và quả trứng. Bởi vì, nếu chúng ta không có hạ tầng tốt thì chẳng có ai đi. Khi được hỏi lí do không sử dụng xe đạp, phần lớn mọi người cho rằng đi xe đạp hiện nay rất ô nhiễm, xa, không an toàn. Đấy là những vấn đề cản trở họ.

Ngay cả vỉa hè cho người đi bộ cũng không còn thì có dễ mở làn đường dành riêng cho xe đạp? (Ảnh chụp trên phố Lê Ngọc Hân, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội ngày 4.10.2022). Ảnh: Hân Hương

Nếu mà chúng ta muốn chuyển đổi thành phố thành một đô thị bền vững hơn, sử dụng phương thức đi lại bền vững nhiều hơn thì bắt buộc chúng ta phải xây dựng hạ tầng tốt hơn, an toàn, thân thiện và kết nối. Việc chuyển đổi không thể diễn ra trong ngày một ngày hai.

Người dân nên thay đổi thói quen đi lại, từ xe máy chuyển sang xe đạp, phương tiện công cộng, tránh trường hợp 500m cũng sử dụng xe máy.

3 cách thức tách làn đường dành riêng cho xe đạp

Thưa kiến trúc sư, với thực trạng hạ tầng hiện nay của Hà Nội, có những phương thức nào tách làn đường dành riêng cho xe đạp?

Hà Nội có chủ trương tách làn đường dành riêng cho xe đạp. Đây cũng là một xu hướng quốc tế và Việt Nam không nằm ngoài xu hướng này.

Để mà thực hiện hạ tầng cho xe đạp, chúng ta có rất nhiều phương thức. Ví dụ trong các khu vực đô thị trung tâm, các đường phố nhỏ hẹp có mặt cắt ngang không đảm bảo để tách làn xe đạp thì chúng ta có thể sử dụng những biện pháp giảm tốc độ, làm cho phương tiện cơ giới chạy chậm lại và từ đó tạo ra môi trường đi xe đạp hỗn hợp với các phương tiện cơ giới một cách an toàn hơn.

Cách thứ hai, có thể tách làn ở những tuyến đường có mặt cắt ngang lớn hơn, hoặc những tuyến đường có tốc độ cơ giới lớn hơn 30km/h, ví dụ những tuyến đường chính chúng ta hoàn toàn có thể tách làn đường riêng cho xe đạp. Làn xe đạp có thể được bố trí ở vỉa hè bên tay phải, hoặc có thể đi chung với các phương tiện thô sơ khác hoặc có thể đi chung với người đi bộ ở những tuyến đường phù hợp.

Cách thứ ba, tại những tuyến đường có tốc độ xe cơ giới trên 50km/h, việc tách một làn đường riêng để bảo vệ rất cần thiết. Với việc tách làn đường riêng được bảo vệ bằng các rào chắn và dải phân cách, chúng ta cũng hạn chế được lực lượng chức năng phải xử phạt các phương tiện cơ giới đi chung vào đường xe đạp.

Người dân Hà Nội đạp xe quanh Hồ Tây. Ảnh minh họa. Ảnh: Báo Tiền phong

Theo ông, thành phố Hà Nội có thể thí điểm ở những tuyến đường nào?

Hà Nội mới đặt mục tiêu thí điểm một vài tuyến thì tôi nghĩ rằng có thể chọn những tuyến đường ven sông hoặc ven hồ, những khu vực kết hợp giữa đi xe đạp và cảnh quan, du lịch. Chúng ta có thể kết hợp để phát triển đa mục đích: phát triển xe đạp, du lịch và bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên khi mà phát triển hệ thống của toàn thành phố, chúng ta cần phải lưu ý, hạ tầng cho người đi xe đạp phải kết nối và liên tục đảm bảo cho người dân có thể đi bất cứ đâu trong thành phố bằng các phương thức hoặc có thể đi bất cứ đâu trong quận. Đường xe đạp phải đảm bảo kết nối các dịch vụ thiết yếu, quan trọng trong thành phố ví dụ như từ nhà đến các công trình dịch vụ công: chợ, công viên, trường học, nơi làm việc.

Đến tháng 7.2022, Hà Nội có hơn 7,6 triệu phương tiện, trong đó hơn một triệu ôtô, gần 6,5 triệu môtô các loại, khoảng 180.000 xe máy điện. Riêng xe đạp, nhiều năm qua không có số liệu thống kê từ các cơ quan chức năng của thành phố.

Như vậy sẽ kết nối được mạng lưới đi xe đạp an toàn, thuận tiện, mọi người dần từng bước chuyển đổi việc sử dụng từ các phương tiện cá nhân sang các phương thức vận chuyển bền vững hơn, trong đó xe đẹp. Xe đạp là một phương thức hữu hiệu đối với những quãng đường nhỏ hơn 5km. Đối với những quận, hoặc một vài quận Hà Nội có thể thiết kế hạ tầng dành cho xe đạp và mọi người có thể đi lại bằng xe đạp khoảng 5km trong thời gian từ 15-30 phút, nhiều khả năng đi nhanh hơn phương tiện xe máy.

Khi triển khai thực hiện, thành phố nên thực hiện thí điểm, có thể thí điểm ở một số tuyến đường, một phường, sau đó mở rộng ra quận. Nên chọn các quận có nhiều người đi bộ sau đó nhân rộng sang các quận khác. Khi Hà Nội thực hiện tốt có thể nhân rộng ra các thành phố khác.

Nguyễn Lê

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/thiet-ke-ha-tang-hop-ly-di-xe-dap-nhieu-khi-con-nhanh-hon-xe-may-36777.html