Thiết chế văn hóa không chỉ là chuyện tiền

Tại hội nghị triển khai công tác của Bộ VH-TT-DL, câu chuyện về thiết chế văn hóa được người đứng đầu Chính phủ nhắc tới nhiều lần và bày tỏ mong muốn đất nước có thêm những công trình, thiết chế văn hóa, thể thao tầm vóc, vừa mang bản sắc dân tộc, vừa tạo dấu ấn đột phá, tầm cỡ thế giới.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của ngành văn hóa, thể thao và du lịch. Ảnh: VGP

“Nhà hát Lớn do người Pháp xây cách nay cả trăm năm rồi. Vừa qua ta cũng bổ sung được nhà hát Hồ Gươm từ nỗ lực cố gắng của ngành công an. Chúng ta hiện rất cần phải có những cung thể thao tầm cỡ, có một trung tâm văn hóa như kiểu nhà hát Sydney để nâng cao thương hiệu” - Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo tại hội nghị.

Để có được những thiết chế văn hóa tầm vóc, Thủ tướng đề nghị các cơ quan liên quan suy nghĩ, thiết kế độc đáo, đặt hàng các kiến trúc sư tạo ra sản phẩm khác biệt, sản phẩm văn hóa kiến trúc có giá trị lâu dài. Thiết chế văn hóa phản ánh diện mạo văn hóa của cộng đồng, quốc gia, chất lượng cuộc sống, nhu cầu hưởng thụ các giá trị vật chất và tinh thần của nhân dân cũng như tài nghệ sáng tạo của chủ thể văn hóa. Nhiều thiết chế văn hóa truyền thống như đình, chùa, hay các thiết chế văn hóa hiện đại như nhà hát, thư viện, bảo tàng... đã trở thành biểu tượng, di sản văn hóa, phản ánh trình độ phát triển trong những giai đoạn, thời kỳ lịch sử.

Nhiều thiết chế văn hóa đã trở thành tài sản vô giá chứa đựng giá trị mỹ thuật, kiến trúc, lịch sử, văn hóa, có ảnh hưởng lớn đến giáo dục, hình thành nhân cách con người. Đây không chỉ là nơi người dân hưởng thụ các giá trị văn hóa mà còn là nơi kích thích, ươm mầm cho những ý tưởng, khát vọng sáng tạo; nơi trao truyền, quảng bá, lan tỏa những sản phẩm văn hóa; nơi người dân trình diễn, sinh hoạt nghệ thuật dân gian. Chính sức hấp dẫn của thiết chế văn hóa đã huy động được tinh thần đoàn kết của nhân dân, giúp họ thêm yêu quý và gắn bó với quê hương, đất nước, bản làng... Sự ảnh hưởng và tầm quan trọng của thiết chế văn hóa không cần phân tích thêm, song tại sao “ai cũng nhìn thấy chúng ta thiếu bảo tàng, nhà hát, thư viện, nhưng hễ có dự án đầu tư nhà hát, bảo tàng… có quy mô nào đó xuất hiện thì gần như ngay lập tức phải chịu phản ứng dữ dội từ dư luận”.

Một trong những nguyên nhân dễ nhận thấy sự “ác cảm” với các thiết chế là bởi nhiều công trình xây dựng to đẹp, hoành tráng nhưng chỉ là phần vỏ rỗng; có công trình dựng lên rồi không phát huy được công năng, hoạt động èo uột, tồn tại lay lắt, nhiều hạng mục xuống cấp… PGS-TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, từng chia sẻ rằng có nơi, nhà văn hóa bị gọi là “nhà văn khóa” bởi luôn đóng cửa im ỉm... Các thiết chế văn hóa là những không gian công cộng, dành cho cộng đồng, nơi giao lưu văn hóa, văn nghệ, gắn kết cộng đồng, lan tỏa những giá trị văn hóa. Khi những mục đích căn bản đó không đạt được, đó là một sự lãng phí rất lớn.

Chính bởi những “con sâu” khổng lồ hiện hữu ấy khiến cho ý nghĩa và mục đích tích cực của các thiết chế văn hóa bị đánh đồng, bôi đen. Bấy lâu nay, nhiều người vẫn cho rằng các thiết chế văn hóa chỉ tiêu tốn tiền ngân sách nhà nước, tiêu nhiều tiền mà không phát huy được công dụng, để hoang phí thì càng không thể chấp nhận được. Tất nhiên, đầu tư cho văn hóa mà chỉ chăm chăm tính toán thu lợi bằng các con số thì rất khó định lượng, song có lẽ đã đến lúc cần phải nhìn lại một cách công bằng hơn bởi đó không chỉ là tiêu tiền mà khi làm tốt thì đây còn là một cỗ máy sản sinh ra tiền.

Ví dụ như Bảo tàng Louvre của Pháp trung bình đón hơn 10 triệu khách/năm hay nhà hát con sò tại Sydney cũng đón hơn 8 triệu lượt khách/năm. Gần gũi hơn khi ngay trong nước, Bảo tàng Quảng Ninh cũng là một điểm đến được yêu thích của mỗi du khách, nhất là giới trẻ khi tới vùng đất mỏ. Hiện các bảo tàng, rạp chiếu phim, thư viện… do tư nhân đầu tư cũng ngày xuất hiện nhiều hơn và hoạt động khá sôi động, đem tới cho cộng đồng nhiều lựa chọn. Ấy vậy, song cũng có dự án về công trình tầm cỡ, do tư nhân đứng ra đầu tư xây dựng cũng bị phản đối do tác động tiêu cực từ mặt tối của nhiều công trình văn hóa cộng đồng trước đó.

Từ nhiều dẫn chứng trên có thể thấy, rõ ràng câu chuyện về thiết chế văn hóa không chỉ là đầu tư bao nhiêu, đem lại ngân sách như thế nào mà mấu chốt là phải nhận diện đúng, đầu tư phù hợp và khai thác vận hành hiệu quả. Chỉ có như vậy thì các thiết chế văn hóa mới thực sự là nền tảng, tạo ra động lực cho văn hóa.

MAI AN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/thiet-che-van-hoa-khong-chi-la-chuyen-tien-post721602.html