Thiết chế văn hóa cơ sở: Thiếu và yếu

(Toquoc)- Hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở vừa quá ít so với quy hoạch vừa vận hành không đạt hiệu quả.

Hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở là địa điểm sinh hoạt văn hóa, tinh thần không thể thiếu của nhân dân, giữ vai trò nòng cốt để xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, tổ chức các hoạt động tuyên truyền nhiệm vụ chính trị, xã hội tại địa phương, là điều kiện cần và đủ trong Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa và Chương trình xây dựng nông thôn mới. Thế nhưng trên thực tế, hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở không chỉ quá ít so với quy hoạch, mà còn vận hành không đạt hiệu quả.

Thiếu về lượng, yếu về chất

Theo quy hoạch phát triển hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở được Chính phủ phê duyệt, đến năm 2020, cả nước phải có 90%- 100%quận, huyện, thị xã có nhà văn hóa và thư viện; 80%- 90% số xã và thị trấn có nhà văn hóa; 60%- 70% số làng, bản, ấp có nhà văn hóa. Đội ngũ cán bộ làm việc tại hệ thống thiết chế văn hóa cấp tỉnh có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ từ đại học trở lên phải đạt 90%; cấp huyện là 70%; cấp xã là 30%.

Trên thực tế, hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở không chỉ quá ít so với quy hoạch, mà còn vận hành không đạt hiệu quả

Tuy nhiên, theo thống kê từ Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTTDL) cho thấy, cả nước hiện có 70 thiết chế văn hóa cấp tỉnh; 541 thiết chế văn hóa cấp quận, huyện đạt tỷ lệ 78%; cấp xã, phường thị trấn mới đạt 42% và cấp thôn, bản mới đạt 43%.

Cá biệt có những tỉnh như Phú Thọ, Điện Biên, Cà Mau, Đồng Tháp…chưa có đất để xây dựng thiết chế văn hóa, chỉ có bộ máy hoạt động. Không những thế, 32% trung tâm văn hóa cấp tỉnh chưa đạt chuẩn diện tích theo quy định 5.000m2.

Nhiều tỉnh, thành khác như Kiên Giang chỉ có 4/139 xã, 1/909 thôn, làng, có nhà văn hóa; tỉnh Ninh Thuận chỉ có 1/128 thôn, làng có nhà văn hóa; tỉnh Bến Tre không có nhà văn hóa cấp thôn, làng…Đó là chưa kể tới nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất không có thiết chế văn hóa cho công nhân sinh hoạt, nhiều vùng núi, vùng sâu vùng xa cũng trong tình trạng này.

Bên cạnh việc thiếu các thiết chế văn hóa thì đội ngũ nhân lực vân hành thiết chế cũng còn nhiều vấn đề. Ông Phạm Văn Thủy- Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở cho biết: Đội ngũ cán bộ đang làm việc tạithiết chế văn hóa cấp tỉnh cũng chỉ có 60% số người có trình độ đại học trở lên. Ở cấp huyện, xã, thôn bản thì tỉ lệ này càng thấp dần vì vậy không vận hành được cơ sở vật chất của thiết chế văn hóa cơ sở một cách hiệu quả. Hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở hầu như mới chỉ thực hiện được nhiệm vụ là điểm sinh hoạt chính trị, qua đó phổ biến chủ trương, đường lối chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước tới các tầng lớp nhân dân, chứ chưa thường xuyên tổ chức được các hoạt động văn hóa sôi nổi, hấp dẫn nhằm nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân đúng như mục tiêu và nhiệm vụ đặt ra”.

Ông Thủy cũng đưa ra ví dụ, nhiều cơ sở thiết chế văn hóa chỉ mở cửa khi có hội họp, có nơi thì mở cửa và mở ti vi cả tối dù không có người dân tới xem.

Bởi vậy, để đạt được mục tiêu của quy hoạch, trong những năm tới, xây dựng các thiết chế văn hóa, nâng cao chất lượng đội ngũ vận hành thiết chế văn hóa và sử dụng, khai thác thiết chế văn hóa một cách hiệu quả là mục tiêu lớn của ngành văn hóa.

Cần cơ chế tự chủ

Một trong những điểm bất cập của các thiết chế văn hóa là quy định còn chung cho các địa phương mà chưa tính đến đặc thù riêng của từng vùng, miền. Muốn các thiết chế văn hóa cơ sở có những hoạt động sôi nổi để nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân thì theo các nhà quản lý ở địa phương, không có cách nào khác là phải giao cơ chế sử dụng, khai thác cho từng địa phương.

Ông Phạm Quang Long- Giám đốc Sở VHTTDL Hà Nội cho rằng: “Nhiều huyện, thị ở Hà Nội, các thiết chế văn hóa cơ sở sau khi hội họp thì để không. Chúng tôi muốn được đưa vào khai thác, sử dụng nhưng không có cơ chế cho phép nên không dám thực hiện. Chúng tôi đang xin cơ chế sử dụng, khai thác riêng”. Theo ông Long, khi có kinh phí dồi dào thì tại cơ sở sẽ dễ dàng tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao hơn.

Bên cạnh đó, quỹ đất và quy định về diện tích các thiết chế cơ sở cũng phải phù hợp với từng địa phương. Ông Long cho rằng: “Nhưng nhiều địa phương được chọn xây dựng nông thôn mới ở Hà Nội không tìm đâu cho ra hàng nghìn m2 đất để xây dựng các công trình văn hóa, thể thao cơ sở (theo tiêu chí nông thôn mới). Việc xây dựng thiết chế văn hóa nếu căn cứ mô hình chung thì không phù hợp với địa phương. Vì vậy, đề nghị tùy từng địa bàn mà áp dụng mức diện tích khác nhau với các thiết chế văn hóa”. Ông Long cũng cho rằng: “Cần xây nhà văn hóa xen kẽ trong các khu dân cư, vừa phù hợp với quỹ đất của đồng bằng (không có quỹ đất rộng), cũng phù hợp với miền núi, nếu chỉ ở một vùng đất rộng thì không thể bắt người dân đi 5-7 km đến nhà văn hóa được”.

Quan điểm này cũng được bà Mai Thu Hương- Giám đốc Sở VHTTDL Sơn La đồng thuận. Bà Hương cho rằng: “Cần xã hội hóa công tác thể thao du lịch để nhà văn hóa, thư viện… có thể phục vụ người dân một cách hiệu quả. Điều này đòi hỏi phải có chính sách phù hợp với từng địa phương”.

Bên cạnh đó, với các địa phương, việc quy hoạch quỹ đất để xây dựng thiết chế văn hóa là rất khó khăn. Để nâng cao chất lượng cho các thiết chế văn hóa, thể thao, theo bà Hương, cần đầu tư dứt điểm và có trọng tâm. Với các tỉnh miền núi, không chỉ đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa bằng nguồn kinh phí từ Chương trình mục tiêu quốc gia mà còn có thể lồng ghép với các nguồn đầu tư của các chương trình khác.

Với cơ chế tự chủ, việc nâng cao chất lượng và hiệu quả sử dụng thiết chế văn hóa có được nâng lên? Điều này, cần thời gian dài để trả lời, nhưng trước mắt, các địa phương phải được giao cơ chế./.

Bài&ảnh: Hồng Hà

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.gov.vn/Sites/vi-vn/details/11/di-san/113900/thiet-che-van-hoa-co-so-thieu-va-yeu.aspx