Thiêng liêng tình đồng chí, đồng đội

Ông Văn (thứ 3, từ phải qua) cùng anh em CCB đưa liệt sĩ về quê nhà. Ảnh: CTV

Lặn lội hàng tuần, hàng tháng trời đến khắp các tỉnh, thành trong cả nước để xác minh thân nhân; không quản vất vả nắng mưa trên các nghĩa trang liệt sĩ để đưa hơn 100 hài cốt của đồng đội đã hy sinh về bên gia đình. Đó là việc làm mà cựu chiến binh (CCB) Lê Quốc Văn (ở khu phố 1, thị trấn Hòa Vinh, huyện Đông Hòa) cùng với các đồng đội đã âm thầm thực hiện trong suốt nhiều năm qua.

Từng chứng kiến nhiều đồng đội hy sinh nằm lại chiến trường nên ông Văn luôn tâm nguyện một ngày nào đó, khi có điều kiện sẽ đi tìm lại họ. Với ông, tất cả chỉ đơn giản là vì hai tiếng đồng đội thiêng liêng.

Kỷ niệm chiến trường K

Sau hơn 3 năm đi tìm đồng đội, ông Văn đã tham gia tìm kiếm, quy tập được hơn 100 hài cốt liệt sĩ; đưa 30 liệt sĩ quê Phú Yên từ các nghĩa trang trong cả nước về với quê nhà.

CCB Lê Quốc Văn, sinh năm 1963, nhập ngũ năm 1982 thuộc Trung đoàn 142, Sư đoàn 315, trực tiếp tham gia chiến đấu ở chiến trường K (Campuchia). Cùng đợt nhập ngũ với ông năm ấy có rất đông bạn bè cùng xã, ở các huyện trong tỉnh cũng như các tỉnh Gia Lai, Bình Định, Khánh Hòa… Sau đợt huấn luyện, mỗi chiến sĩ được giao một nhiệm vụ ở từng đơn vị khác nhau và ông được về đơn vị thông tin.

Dáng người nhỏ nhắn, gầy gầy với mái tóc pha sương, gương mặt xương xương hằn sâu những nếp nhăn mỗi khi cười, ông Văn ngồi trầm ngâm nhớ lại quãng thời gian tham gia chiến đấu làm nhiệm vụ quốc tế cao cả, góp phần xóa bỏ chế độ diệt chủng của Khmer Đỏ ở đất nước Chùa tháp.

“Suốt gần 4 năm trong quân ngũ, tôi và anh em đơn vị cùng ăn, cùng ngủ trong rừng, cùng tắm suối, cùng chiến đấu với quân Pôn Pốt. Ngày cũng như đêm, tiếng súng rền vang lúc gần, lúc xa làm cho người lính không khỏi hồi hộp. Tuy nhiên, chúng tôi không hề run sợ mà càng cẩn trọng hơn trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Đây là thời điểm bộ đội Việt Nam làm nhiệm vụ quốc tế khó khăn trăm bề, nhưng tinh thần luôn lạc quan, mưu trí, dũng cảm trong mỗi trận đánh và lòng nhân ái luôn tràn đầy”, ông Văn hồi tưởng.

Ông Văn kể: Trận đánh ác liệt nhất là trận Ngã Ba Biên (Lào - Campuchia - Thái Lan). Từ tháng 12/1984-1/1985, trước khi mở chiến dịch, sau khi làm lễ ra quân xong, toàn sư đoàn hành quân gần nửa tháng trời. Ngày 4/1/1985, khi có lệnh đánh Pôn Pốt, các đơn vị ta đồng loạt nổ súng tấn công. Bộ đội Việt Nam đã đánh chiếm hai cứ điểm 743 và Ngã Ba Biên; sau đó làm chủ toàn bộ các cứ điểm ở khu vực này, tổ chức truy quét, thu dọn chiến trường và thu được nhiều xe, pháo, lương thực thực phẩm của đối phương. Trận đánh lần này, quân Pôn Pốt chết rất nhiều và bộ đội ta hy sinh cũng không ít, riêng Hòa Vinh có 3 đồng chí.

Sau chiến thắng Ngã Ba Biên, đơn vị bàn giao cho Trung đoàn 733 chốt giữ rồi rút về căn cứ ăn Tết. “Tết Ất Sửu 1985 là cái tết vui vẻ, đầm ấm nhất. Bộ đội được nhận quà từ quê hương gửi qua. Một số anh em tập trung gói bánh chưng, một số đi hái rau rừng về nấu ăn, số khác chuẩn bị các tiết mục văn nghệ… Tất cả những thiếu thốn, khó khăn và nỗi nhớ nhà đều được xua tan, anh em hòa chung không khí Tết truyền thống của quê hương, rộn ràng, ấm tình đồng chí, đồng đội”, ông Văn nói.

Ông Văn kể lại thời gian tham gia chiến đấu ở chiến trường K. Ảnh: THÙY THẢO

Ông Văn kể lại thời gian tham gia chiến đấu ở chiến trường K. Ảnh: THÙY THẢO

Tâm nguyện cuộc đời

May mắn hơn nhiều đồng đội đã ngã xuống chiến trường, sau khi hoàn thành nghĩa vụ, ông Văn trở về với gia đình. Năm 1988, ông đi học Trường trung cấp Vật giá Trung ương 2 (nay là Trường đại học Tài chính Marketting TP Hồ Chí Minh). Sau khi tốt nghiệp, ông ở lại làm việc tại Công ty Phát hành sách TP Hồ Chí Minh một thời gian. Năm 1997, ông xin về làm việc tại Nhà máy đường Đồng Bò (nay Nhà máy đường Tuy Hòa), rồi chuyển sang làm việc tại Công ty Điện máy Phú Yên. Được 2 năm, công ty này giải thể nên ông về quê làm ruộng, lập gia đình.

Cuộc sống vất vả. Miếng cơm manh áo cuốn ông đi. Nhiều đêm, nằm nhớ lại những kỷ niệm thời chiến, đồng đội chia sẻ cho nhau từng miếng lương khô, từng điếu thuốc, chăm sóc cho nhau mỗi khi bị những cơn sốt rét rừng, nhất là nhớ về những đồng đội đã hy sinh, nằm lại trên đất bạn, ông Văn trăn trở không ngủ yên.

Năm 2017, tình cờ gặp được một số CCB ở các tỉnh Gia Lai, Khánh Hòa, Bình Dương đến Phú Yên để xác minh về thân nhân liệt sĩ, ông Văn như cởi được tấm lòng và đi theo với suy nghĩ giúp gì được cho anh em thì đều sẵn lòng. Từ đó, ông tham gia cùng với nhóm gồm 7 thành viên đều là CCB, chủ động sắp xếp thời gian đến các nghĩa trang liệt sĩ trên cả nước để chụp từng tấm ảnh, bia mộ, ghi chép thông tin về các liệt sĩ đã hy sinh. Khi phát hiện có mộ liệt sĩ là người ở Phú Yên, ông mừng vô cùng. Ông xem đây là cơ duyên để ông thực hiện những điều mà bấy lâu nay luôn đau đáu trong lòng.

Lần theo từng địa chỉ, ông Văn và đồng đội đi gặp chính quyền, Hội CCB, Sở LĐ-TB-XH, cơ quan quân sự các tỉnh, huyện để tìm kiếm thông tin và phần mộ của các chiến sĩ đã hy sinh trong cuộc chiến đấu chống quân Khmer Đỏ và trước đó. Có những chuyến đi kéo dài hơn nửa tháng, nếu tìm được thân nhân liệt sĩ thì cả nhóm vui sướng vô cùng. Đơn cử, vào đầu năm nay, ông Văn cùng một số đồng đội đi bốc mộ của liệt sĩ Đoàn Thị Ra quê ở xã Xuân Phước, huyện Đồng Xuân từ nghĩa trang liệt sĩ xã Ba Đông (huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi) tham gia đánh Mỹ năm 1972. Khi bốc mộ lên, nhìn thấy dây thắt lưng vẫn còn nguyên vẹn, ai cũng đều xúc động. Nhưng cũng có lúc do hoàn cảnh chiến tranh, nhiều phần mộ liệt sĩ bị ghi sai họ, ngày tháng năm sinh, sai quê quán, có nhiều phần mộ chỉ ghi tên liệt sĩ hay người thân liệt sĩ chuyển đến nơi khác sinh sống… nên ông không tìm ra người thân và tông tích của liệt sĩ. “Nhiều khi tìm ra thân nhân của liệt sĩ rồi, nhưng có trường hợp chỉ còn mẹ già neo đơn, nghèo khó không có điều kiện để đến tận nơi đưa hài cốt về. Vậy là anh em bỏ tiền túi ra lo tất cả thủ tục và đưa liệt sĩ về quê hương”, ông Văn tâm sự.

Nghĩa tử là nghĩa tận

Gặp ông Văn vào đầu tuần này ở quê nhà, ông khoe rằng mới tìm ra danh sách 6 liệt sĩ quê ở Phú Yên trong thời kỳ chống Mỹ đang yên nghỉ tại Nghĩa trang Quốc gia Trường Sơn. Nhưng tất cả những trường hợp này đều không còn giấy tờ. “Sắp tới, chúng tôi sẽ đến Sở LĐ-TB-XH Phú Yên để xin trích lục; sau đó tìm hiểu thông tin rõ ràng rồi mới tìm cách đưa hài cốt liệt sĩ về quê an táng”, ông Văn cho biết.

Với ông Văn, mang lại những niềm vui cho các gia đình, thân nhân liệt sĩ là động lực giúp ông tiếp tục hành trình đi tìm đồng đội đã hy sinh. Nhưng cũng có lúc ông cảm thấy buồn vì tâm huyết tìm mộ liệt sĩ của ông và đồng đội bị người khác hiểu nhầm là lừa đảo, cò mồi. “Đôi lúc nghĩ lại tôi cũng chạnh lòng nhưng vẫn phải cố gắng bằng cả tấm lòng và tâm huyết, đơn giản chỉ vì nghĩa tử là nghĩa tận với đồng đội. Tôi nghĩ mình được sống và có được như ngày hôm nay là do các đồng chí, đồng đội đã phù hộ. Vì vậy khi còn có thể, tôi còn tiếp tục hành trình này”, ông Văn chia sẻ.

Nhắc đến cựu binh Lê Quốc Văn, Chủ tịch Hội CCB thị trấn Hòa Vinh Dương Văn Trí nói ngắn gọn: “Anh ấy luôn chấp hành tốt đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước cũng như các quy định của chính quyền địa phương. Cấp ủy, chính quyền cũng như Hội CCB thị trấn Hòa Vinh luôn tạo điều kiện và động viên, ủng hộ việc anh Văn tự nguyện đi tìm và đưa hài cốt liệt sĩ về với quê nhà”.

KHÔI NGUYÊN

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/76/230584/thieng-lieng-tinh-dong-chi-dong-doi.html