Thiên tai tiếp tục diễn biến phức tạp, lưu ý những việc cần làm để ứng phó

Năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, thiên tai tiếp tục diễn biến phức tạp trên địa bàn cả nước, để lại hậu quả hết sức nặng nề về người và tài sản. Theo đó, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang lưu ý những việc cần làm để hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra.

Sáng 10/5, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai đã chủ trì Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2024.

Cuộc họp được kết nối trực tuyến đến 63 tỉnh, thành trong cả nước.

Năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, thiên tai tiếp tục diễn biến phức tạp trên địa bàn cả nước (Ảnh minh họa)

Trong thời gian tới, cảnh báo các loại hình thiên tai nguy hiểm

Theo đánh giá, trong năm 2023, thời tiết và khí hậu nước ta chịu ảnh hưởng của hiện tượng ENSO ở trạng thái El Nino, toàn quốc đã xảy ra 18/22 loại hình thiên tai.

Từ đầu năm đến nay, đã có 8 đợt không khí lạnh, gây ra 3 đợt rét đậm, rét hại diện rộng, 3 đợt mưa diện rộng tập trung chủ yếu ở khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ. Ngoài ra, nắng nóng xuất hiện diện rộng và kéo dài.

Đáng chú ý từ ngày 31/3 đến ngày 4/4, khu vực Tây Bắc Bộ, Bắc và Trung Trung Bộ xuất hiện nắng nóng diện rộng, có nơi nắng nóng gay gắt và đặc biệt gay gắt với nhiệt độ cao nhất ngày phổ biến từ 36 - 390C, có nơi từ 40 - 410C.

Toàn quốc cũng ghi nhận tình trạng thiếu hụt dòng chảy, triều cường, xâm nhập mặn ở nhiều nơi.

Nhận thấy tình hình thiên tai những tháng cuối năm 2023, đầu năm 2024 có khả năng diễn biến phức tạp, Bộ TN-MT đã thông tin dự báo tình hình khí tượng thủy văn trong thời gian tới, cảnh báo các loại hình thiên tai nguy hiểm.

Phòng chống thiên tai của các địa phương sẽ quy về 1 đầu mối

Nhấn mạnh tình hình thiên tai, biến đổi khí hậu đã trở thành vấn đề toàn cầu, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cũng lưu ý, từ ngày 1/7 sắp đến, Luật Phòng thủ dân sự sẽ có hiệu lực.

Công tác tổ chức phòng chống thiên tai (PCTT) của các địa phương sẽ quy về đầu mối là Ban Chỉ đạo phòng thủ dân sự cấp quốc gia, ở các địa phương là ban chỉ huy phòng thủ dân sự địa phương, do quân đội chủ trì.

Để chủ động úng phó, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do thiên tai năm 2024, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nêu những việc cần làm: Đề nghị các cấp bộ ngành, UBND các tỉnh, TP tiếp tục rà soát, kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và phòng thủ dân sự các cấp;

Các bộ ngành phối hợp sớm xây dựng nghị định thi hành Luật Phòng thủ dân sự trên tinh thần cái nào đã rõ thì đưa vào nghị định, còn chưa rõ thì đưa vào thông tư, hướng dẫn.

Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện văn bản pháp luật về phòng, chống thiên tai.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cũng đề nghị cần tăng cường và đa dạng hóa các hình thức truyền thông để nâng cao nhận thức của các cấp bộ ngành và cộng đồng;

Song song, thực hiện thường xuyên công tác kiểm tra, giám sát trước mùa mưa lũ. Rà soát, cập nhật, tính toán phương án phòng chống thiên tai.

Tăng cường chất lượng công tác dự báo bảo đảm kịp thời, chuẩn xác nhất có thể.

“Việt Nam cũng mong muốn các tổ chức quốc tế tiếp tục đồng hành trong chia sẻ thông tin, đào tạo cán bộ, phổ biến các kinh nghiệm ứng phó, khắc phục sự cố, thiên tai; đồng thời xem xét tài trợ về công tác dự báo để chủ động ứng phó, giảm thiệt hại”, Phó Thủ tướng nêu đề nghị đối với các tổ chức quốc tế tham dự.

"Bên cạnh việc đánh giá tình hình thiên tai năm 2023 và những tháng đầu năm, cuộc họp sẽ tập trung phân tích nguy cơ, khó khăn vướng mắc trong công tác phòng chống thiên tai.

Ngoài ra, với cơ cấu tổ chức mới, trên cơ sở sẽ sáp nhập nhiều ban chỉ đạo, ban chỉ huy, cần có những đề xuất từ phía các bộ, ngành và địa phương để hoạt động có hiệu quả nhất, nhịp nhàng và đồng bộ nhất", Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh thêm.

Thanh Nhung

Nguồn Dân Sinh: https://dansinh.dantri.com.vn/dien-dan-dan-sinh/thien-tai-tiep-tuc-dien-bien-phuc-tap-luu-y-nhung-viec-can-lam-de-ung-pho-20240510133633946.htm