Để Điện Biên cất cánh

Mục tiêu của tỉnh Điện Biên đến năm 2030 trở thành địa phương phát triển khá của vùng Trung du và miền núi phía Bắc, là một trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa và du lịch cấp tiểu vùng

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Lê Thành Đô, trong quý I/2024, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tăng 6,07%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 5.813 tỉ đồng, tăng 15,63%; tổng thu từ hoạt động du lịch ước đạt 777 tỉ đồng, tăng 1,48 lần so với kế hoạch; tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều còn 25,68%, giảm 4,67% so với cùng kỳ năm trước.

Cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp

Ông Trần Văn Thượng, Phó Giám đốc phụ trách Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Điện Biên, cho biết thực hiện cơ cấu lại, cơ cấu kinh tế ngành có sự chuyển dịch rõ nét theo hướng hiệu quả hơn. Ngoài vai trò cung cấp lương thực, thực phẩm đáp ứng nhu cầu dân sinh, sản xuất nông nghiệp đã chú trọng nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng, phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa.

Năm 2023, sản lượng lương thực toàn tỉnh đạt 285.519 tấn (vượt chỉ tiêu nghị quyết của tỉnh đến năm 2025 đạt 280.000 tấn). Diện tích lúa nước đạt gần 31.000 ha, trong đó trên 11.000 ha lúa chất lượng cao như: Séng cù, Bắc thơm số 7, J02, Hana 102, nếp… tại các huyện Điện Biên, Tuần Giáo, Mường Ảng và TP Điện Biên Phủ.

Là địa phương có trên 4.100 ha lúa chất lượng cao, trong đó giống Bắc thơm số 7 được cấp chỉ dẫn địa lý "Điện Biên" và mã truy xuất nguồn gốc, ông Ngô Xuân Chinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Điện Biên, cho hay huyện sẽ tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng nhiều công nghệ, khoa học kỹ thuật mới trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là đối với các giống lúa chất lượng cao. Cùng với đó, tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, chú trọng nâng cao giá trị và thương hiệu sản phẩm. "Đến năm 2025, huyện Điện Biên phấn đấu cơ giới hóa 100% diện tích lúa chất lượng cao" - ông Chinh nói.

Sản phẩm nông nghiệp của tỉnh Điện Biên từng bước được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến, tìm hiểu và sử dụng. Từ năm 2019 đến nay, tỉnh quan tâm xây dựng các sản phẩm nông nghiệp đạt chuẩn OCOP. Hết năm 2023, toàn tỉnh đã có 72 sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh; 40 sản phẩm được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, trong đó 30 sản phẩm chế biến từ nông nghiệp như: Chè, cà phê, mắc ca, gạo.

Thời gian qua, tỉnh Điện Biên đã triển khai nhiều giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, từ đó thu hút các tập đoàn, doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư các dự án về nông nghiệp. Giai đoạn 2021-2023, tỉnh đã chấp thuận chủ trương 14 dự án đầu tư vào lĩnh vực phát triển nông - lâm nghiệp, với tổng mức đầu tư 11.981 tỉ đồng.

Việc hoàn thành đầu tư xây dựng mở rộng sân bay Điện Biên vào cuối năm 2023 đã mở ra cơ hội phát triển cho tỉnh Điện Biên

Đột phá về hạ tầng

Ngày 29-11-2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Điện Biên đã ban hành Nghị quyết 16-NQ/TU về phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng. Trong đó, trọng tâm là công tác đầu tư các công trình giao thông trọng điểm như: Dự án đầu tư xây dựng mở rộng sân bay Điện Biên; dự án đường giao thông kết nối các khu vực kinh tế trọng điểm thuộc vùng kinh tế động lực dọc trục Quốc lộ 279 và Quốc lộ 12; thực hiện chuẩn bị đầu tư dự án cao tốc Sơn La - Điện Biên - Cửa khẩu Tây Trang (giai đoạn 1)...

Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Lê Thành Đô cho biết sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết 16, hạ tầng giao thông tỉnh đạt nhiều kết quả quan trọng. Cùng với quá trình đầu tư trước đó, đến nay, toàn tỉnh có hơn 9.212 km đường giao thông các loại, tăng 874 km so với năm 2020; trong đó toàn tỉnh có 6 tuyến quốc lộ với chiều dài 745 km.

Nhiều dự án phát triển giao thông quan trọng trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành như: Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 279B đoạn Nà Tấu - Mường Phăng; cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 12 đoạn Mường Lay - Mường Chà; đường Si Pa Phìn - Mường Nhé. "Đặc biệt, việc hoàn thành và đưa vào khai thác trở lại sân bay Điện Biên vào cuối năm 2023 mang lại ý nghĩa quan trọng, thúc đẩy phát triển kinh tế Điện Biên nói riêng và vùng Tây Bắc nói chung" - ông Đô nói.

Cùng với dự án đầu tư xây dựng mở rộng sân bay Điện Biên, dự án cao tốc Sơn La - Điện Biên - Cửa khẩu Tây Trang (thuộc tuyến cao tốc Hà Nội - Hòa Bình - Sơn La - Điện Biên) được kỳ vọng thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Sau khi được Chính phủ đồng ý giao UBND tỉnh là cơ quan có thẩm quyền thực hiện dự án giai đoạn 1 (TP Điện Biên Phủ - nút giao Km15 + 800, Quốc lộ 279 thuộc xã Búng Lao, huyện Mường Ảng) với tổng chiều dài tuyến khoảng 44 km, hiện nay tỉnh đang tập trung triển khai các thủ tục đầu tư.

Có thể thấy, trong khoảng 1 năm trở lại đây, tỉnh Điện Biên có nhiều đổi thay rõ nét, một số dự án được đầu tư, hoàn thành đưa vào sử dụng đã tạo động lực phát triển mới như: Dự án đường 7-5, trục đường đẹp và hiện đại nhất Điện Biên; dự án cầu Thanh Bình - đáp ứng yêu cầu phát triển và đồng bộ hạ tầng giao thông, đồng thời là điểm nhấn về cảnh quan của thành phố. Đặc biệt, dự án đầu tư xây dựng Cảng Hàng không Điện Biên hoàn thành và đưa vào khai thác trở lại mở ra cơ hội lớn trong thu hút đầu tư, du lịch, mở rộng liên kết với các vùng kinh tế lớn trong cả nước...

Sớm thoát khỏi tình trạng tỉnh nghèo

Theo ông Trần Quốc Cường - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên - 70 năm qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, sự ủng hộ, giúp đỡ của các ban, bộ, ngành, địa phương… Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên tiếp tục phát huy truyền thống Điện Biên Phủ anh hùng, đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, thực hiện quyết liệt những nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội. Qua đó, đưa Điện Biên sớm thoát khỏi tình trạng tỉnh nghèo đặc biệt khó khăn, trở thành tỉnh phát triển trung bình trong vùng Trung du và miền núi phía Bắc.

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 2-5

Bài và ảnh: VĂN DUẨN

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/de-dien-bien-cat-canh-196240506213142042.htm