Thích ứng biến đổi khí hậu nhờ giữ rừng và phát triển nông lâm kết hợp

ThienNhien.Net – Khoảng một thập kỷ trước, người dân ở lưu vực thủy điện Hố Hô nằm ở huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh và huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình chủ yếu sống dựa vào rừng. Những lao động chính trong các hộ gia đình đều đi rừng xẻ gỗ hoặc kéo gỗ thuê. Chính vì lẽ đó mà rừng ngày càng nghèo kiệt và đến lúc không còn gỗ để khai thác. Về sau, người dân buộc phải trở lại với ruộng nương để duy trì sinh kế. Tuy nhiên, sự trở lại này cũng phải đối mặt với không ít thách thức mới như: đất bạc màu, nước mặt sông cạn về mùa khô và cao về mùa mưa. Đặc biệt, do khai thác rừng quá mức nên khu vực này ngày càng bị tổn thương bởi các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu; thiên tai (lũ quét, hạn hán, sạt lở…) xảy ra ngày một nhiều, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất nông lâm nghiệp tại địa phương.

Nhận thấy không còn dựa được vào rừng để duy trì sinh kế, người dân xã Hương Hóa, huyện Tuyên Hóa quay trở lại phương thức sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, thay vì trồng từng loại hoa màu đơn lẻ (cây tạp, rau, đậu, lạc, khoai, ngô) như trước đây, bà con đã tập trung đầu tư vào mô hình vườn nhà với việc trồng xen các loại cây ăn quả tiềm năng như cam chanh, bưởi Phúc Trạch. Mỗi diện tích vườn từ 1.000 – 3.000 m2.

Nhằm thúc đẩy các mô hình nông lâm kết hợp nêu trên, qua đó giúp bà con vừa giữ vững rừng, vừa đảm bảo ổn định thu nhập, Dự án Phối hợp đầu tư cây trồng thông minh trong thích ứng và giảm thiểu biến đổi khí hậu tại Châu Á (STI) do Quỹ CGIAR tài trợ đã phối hợp với Sở NN&PTNT Hà Tĩnh cùng Phòng NN&PTNT huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình hỗ trợ giống và hướng dẫn kỹ thuật cho bà con. Có tất cả 30 mô hình nông lâm kết hợp cam chanh/bưởi Phúc Trạch xen hoa màu và băng cỏ chăn nuôi được thí điểm tại khu vực thượng nguồn, trung nguồn và hạ nguồn lưu vực thủy điện Hố Hô thuộc các xã Hương Lâm, Hương Liên (huyện Hương Khê) và xã Hương Hóa (huyện Tuyên Hóa), trong đó, có 27 mô hình vườn nhà và 3 mô hình nông lâm kết hợp trên đất dốc.

Chuyên gia nông lâm kết hợp từ Tổ chức Nghiên cứu Nông Lâm Thế giới cùng cán bộ địa phương và người dân thiết kế mô hình nông lâm kết hợp vườn nhà và vườn đồi

Cam xen khoai lang

Tập huấn chăm sóc cây ăn quả có múi

Chia sẻ về các mô hình nông lâm kết hợp, ông Võ Văn Mạnh – Trưởng thôn Tân Đức 1, xã Hương Hóa, huyện Tuyên Hóa tâm sự: Thực ra, cam chanh và bưởi Phúc Trạch đã từng được trồng thành công trên địa bàn xã và quả có vị ngon không thua kém gì bưởi trồng tại xã Phúc Trạch nổi tiếng gần xa. Tuy nhiên, do người dân trước đây tập trung vào việc khai thác rừng mà lãng quên mất nguồn sinh kế này. Ông Mạnh tin rằng nếu người dân chú tâm vào phát triển vườn nhà thì nhất định sẽ thành công bởi các mô hình không chỉ cho thu hoạch cam, bưởi lâu dài mà còn cho thu đậu, lạc, ngô, khoai hàng năm và cỏ cho gia súc.

Doãn Thị Luyến (Tổ chức Nghiên cứu Nông Lâm Thế giới – ICRAF)

Nguồn:

MT&ĐS

Các bài cùng chủ đề:

Phát triển mạng lưới thích ứng với biến đổi khí hậu

Rừng giúp giảm nhẹ biến đổi khí hậu

Nguy cơ bùng phát bọ thông do biến đổi khí hậu

Trồng rừng ngăn chặn biến đổi khí hậu: Cần hiểu cho đúng

Biến đổi khí hậu sẽ làm chậm quá trình xóa đói giảm nghèo

Biến đổi khí hậu đã về đến Tây Nguyên

Người dân bản địa với biến đổi khí hậu

Biến đổi khí hậu ở Bali

Nghiên cứu mới về biến đổi khí hậu

Thanh niên với biến đổi khí hậu

Các nước phụ thuộc vào nghề cá thiệt hại nặng nề do biến đổi khí hậu

Luồng tị nạn biến đổi khí hậu đầu tiên trên thế giới

Nguồn Thiên Nhiên: http://www.thiennhien.net/2016/02/13/thi-ch-u-ng-bie-n-khi-ha-u-nho-giu-rung-va-phat-trien-nong-lam-ket-hop/