Thích ứng biến đổi khí hậu để tạo điều kiện tăng trưởng bền vững

Ngày 29/6, tọa đàm khởi động chương trình nghiên cứu Tăng trưởng thích ứng với khí hậu (CCG) Việt Nam tổ chức tại Đại học Kinh tế Quốc dân với sự góp mặt của nhiều chuyên gia và doanh nghiệp.

Mạng lưới CCG Việt Nam là tổ chức phi lợi nhuận, được thành lập với mục tiêu tạo ra một diễn đàn nơi các chuyên gia, học giả và các doanh nghiệp, các nhà chính trị có thể cùng nhau nghiên cứu và thảo luận về các vấn đề liên quan đến tăng trưởng kinh tế và khí hậu. Từ đó tạo ra giải pháp hiệu quả cho việc tăng cường khả năng thích nghi với biến đổi khí hậu.

Toàn cảnh buổi "Tọa đàm khởi động Mạng lưới CCG Việt Nam".

TS Nguyễn Hoàng Nam, Điều phối viên quốc gia Mạng lưới CCG Việt Nam cho biết, sự kiện này là cơ hội để các thành viên và các khách mời đầu tư vào mạng lưới CCG cùng đưa ra các kế hoạch, chiến lược trong tương lai nhằm đạt được những mục tiêu đề ra.

Hoạt động chính của Mạng lưới CCG bao gồm: Tổ chức các cuộc hội thảo, các diễn đàn và nghiên cứu độc lập. Đây là các hoạt động nhằm thúc đẩy sự đóng góp của doanh nghiệp vào quá trình chuyển đổi năng lượng và kinh tế tuần hoàn.

Về mục tiêu tăng trưởng tương thích với khí hậu, CCG lựa chọn các mục tiêu nghiên cứu mang tính hợp tác để các bên đối tác có các công cụ hỗ trợ đầu tư dài hạn vào các dự án cơ sở hạ tầng phát thải thấp.

CCG cũng đã hình thành mạng lưới các nhóm nghiên cứu đặc biệt (Special Interest Groups - SIGs), dự án được thực hiện từ tháng 3/2023 và dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 3/2025.

“Dự án này sẽ hỗ trợ kết nối giữa các nhóm và giữa các dự án; hỗ trợ ứng dụng các công cụ, sản phẩm, hoạt động của CCG; hỗ trợ các nghiên cứu được phát triển Việt Nam. Sau khi kết thúc dự án, mạng lưới vẫn sẽ tiếp tục hoạt động và tăng trưởng tương thích với khí hậu.”, TS Nguyễn Hoàng Nam khẳng định.

Thông qua buổi tọa đàm đã xác định được các lĩnh vực, tiềm năng mà Mạng lưới CCG Việt Nam cần quan tâm trong thời gian tới, từ đó hình thành nên các nhóm SIGs phù hợp; Xác định các chủ đề nghiên cứu cần được tài trợ; Xây dựng chi tiết kế hoạch sắp tới cho mạng lưới CCG Việt Nam.

PGS. TS Đinh Đức Trường, Điều phối viên cao cấp của Mạng lưới CCG Việt Nam cho biết, sắp tới ông sẽ có những kế hoạch cụ thể nhằm thúc đẩy quá trình phát triển của toàn bộ hệ thống Mạng lưới CCG không chỉ ở Việt Nam mà còn mở rộng toàn cầu.

Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia đã trình bày nghiên cứu và kết quả nghiên cứu mới nhất về tăng trưởng kinh tế và khí hậu, đồng thời đưa ra những khuyến nghị và giải pháp để tạo ra môi trường kinh doanh bền vững, thích ứng với khí hậu. Các diễn giả đã có những đóng góp đáng chú ý về tầm quan trọng của việc tích hợp khí hậu vào quy hoạch phát triển kinh tế, cũng như cách thức tiếp cận thích ứng với biến đổi khí hậu trong các lĩnh vực khác nhau.

Nghiên cứu mới nhất về tăng trưởng kinh tế và khí hậu đã chứng minh mối quan hệ mật thiết giữa hai yếu tố này. Một nghiên cứu đăng trên tạp chí Nature Climate Change đã chỉ ra rằng biến đổi khí hậu có tác động tiêu cực lên tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Theo nghiên cứu này, biến đổi khí hậu như tăng nhiệt đới, tăng mực nước biển và sự gia tăng tần suất và cường độ của các thiên tai đã làm giảm tăng trưởng GDP của các quốc gia trên thế giới. Nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng tác động của biến đổi khí hậu không đồng đều đối với các khu vực và quốc gia khác nhau.

PGS.TS Đinh Đức Trường, Điều phối viên cao cấp của Mạng lưới CCG Việt Nam.

Để tạo ra môi trường kinh doanh bền vững và thích ứng với khí hậu, PGS.TS Đinh Đức Trường đã có một số khuyến nghị và giải pháp quan trọng. Đầu tiên, do tần suất và cường độ của các thiên tai ngày càng gia tăng, các doanh nghiệp cần đầu tư vào cơ sở hạ tầng chống ngập, xây dựng các hệ thống cảnh báo sớm và ứng phó khẩn cấp.

Hai là, Chính phủ và các doanh nghiệp cần cung cấp các chính sách khuyến khích và hỗ trợ tài chính để thúc đẩy chuyển đổi sang năng lượng tái tạo, sử dụng năng lượng tái tạo như điện mặt trời và gió giúp giảm lượng khí thải carbon và làm giảm ảnh hưởng đến khí hậu.

Ba là, xây dựng hệ thống giao thông công cộng và hạn chế ô tô cá nhân. Bởi giao thông đô thị gây ra lượng khí thải carbon lớn, để giảm tác động của nó, cần xây dựng hệ thống giao thông công cộng hiệu quả và hạn chế sử dụng ô tô cá nhân.

Bốn là, tăng cường tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân. Để tạo ra một môi trường kinh doanh bền vững, cần phải đảm bảo rằng tăng trưởng kinh tế đi đôi với sự tăng cường tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân.

Năm là, cần có sự hợp tác giữa các quốc gia và địa phương nhằm đối phó với tác động của biến đổi khí hậu và xây dựng môi trường kinh doanh bền vững.

Tuy nhiên, để đạt được những mục tiêu này, cần có sự hợp tác và cam kết từ tất cả các bên liên quan, bao gồm Chính phủ, doanh nghiệp và cộng đồng quốc tế.

Phương Linh

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/thich-ung-bien-doi-khi-hau-de-tao-dieu-kien-tang-truong-ben-vung-d193001.html