Thích nghi để tồn tại

Nhiều năm về trước, mỗi khi du khách đến Hà Nội đều phải sử dụng tấm bản đồ để biết được hướng đi đến các địa điểm trong thành phố. Nhưng hiện nay, thay vì mang theo tấm bản đồ, chỉ cần rút chiếc điện thoại thông minh (smartphone) mở các ứng dụng bản đồ số là đã có thể biết được nơi mình cần đến cách bao xa, mất bao lâu một cách thuận tiện, nhanh chóng.

Với sự phát triển của công nghệ cùng sự phổ biến của những chiếc smartphone, dịch vụ bản đồ số ra đời đã thay đổi cách con người tìm đường trong thời đại mới. Cùng với sự thuận tiện đó, cuộc sống của những người từng hàng chục năm chuyên bán bản đồ giấy bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, đó cũng chính là quy luật của thị trường, bởi những thứ mới ra đời là để thay thế những điều cũ, lạc hậu, cho nên, những thứ cũ phải thay đổi để thích nghi hoặc bị biến mất.

Ðiều này khiến chúng ta liên tưởng đến câu chuyện của hai hãng ta-xi công nghệ là Uber và Grab đang lùm xùm trong thời gian gần đây vì họ đang lấy đi "nồi cơm" của những tài xế ta-xi truyền thống. Uber và Grab gia nhập thị trường Việt Nam từ năm 2014, và nhanh chóng thay đổi thói quen sử dụng ta-xi của người Việt Nam. Chỉ cần có trong tay một chiếc smartphone, người dùng có thể dễ dàng kết nối được với các lái xe ở gần đó và biết trước giá cước phải trả cho chuyến đi. Bên cạnh sự tiện lợi, Uber và Grab cũng thu hút khách hàng nhờ xe đẹp, lái xe thân thiện và thường xuyên tặng kèm các mã (code) khuyến mại bằng tiền cho mỗi chuyến đi. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của ta-xi công nghệ đã khiến nhiều khách hàng bỏ thói quen vẫy ta-xi dọc đường, làm không ít hãng ta-xi truyền thống rơi vào tình trạng thua lỗ, phải cắt giảm nhân viên hoặc bán phương tiện để chuyển đổi ngành nghề. Cao điểm trong những ngày qua, việc một số lái xe của nhiều hãng ta-xi truyền thống tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh dán khẩu hiệu phản đối Uber và Grab nhận được những tranh cãi trái chiều. Bên cạnh một số ý kiến tỏ ra cảm thông với hành động này, phần lớn vẫn cho rằng đây là hành động phản cảm, làm xấu hình ảnh của công ty và giúp quảng cáo cho đối thủ. Tuy nhiên, xét về góc độ tích cực hơn, cách tốt nhất để cạnh tranh là các hãng ta-xi truyền thống phải tự thay đổi để phát triển. Hiện nay, các hãng ta-xi truyền thống đã có những đổi mới, cải tiến nhiều về công nghệ cũng như chất lượng dịch vụ bằng việc đầu tư thêm xe mới, phát triển ứng dụng đặt xe trực tuyến, nhập điểm đi, đến để biết trước giá cước.

Có thể thấy, dù đã có những đổi mới nêu trên, nhưng các hãng ta-xi truyền thống cần thay đổi giá cước mới có thể cạnh tranh được với Uber, Grab. Quan trọng hơn, nếu không thay đổi thái độ phục vụ của lái xe mà vẫn còn hiện tượng "chặt chém" khách, nhất là khách ngoại tỉnh và người nước ngoài thì sớm muộn gì ta-xi truyền thống cũng sẽ bị loại bỏ.

MINH KHÔI

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/thoi_su/item/34454302-thich-nghi-de-ton-tai.html