Thị xã Quảng Trị chú trọng phát huy lợi thế về du lịch, thương mại và dịch vụ

Thị xã Quảng Trị là địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch, thương mại và dịch vụ. Để đánh thức tiềm năng, lợi thế này, cần có chiến lược và các giải pháp thích ứng, hiệu quả nhằm từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đưa thị xã Quảng Trị trở thành một địa chỉ nổi tiếng về du lịch, thương mại và dịch vụ của địa phương và cả nước. Phóng viên Báo Quảng Trị đã có cuộc phỏng vấn Chủ tịch UBND thị xã Quảng Trị NGUYỄN THỊ MAI ANH để làm rõ thêm xung quanh vấn đề này.

Thưa bà! Đề nghị bà khái quát những tiềm năng, lợi thế của thị xã Quảng Trị trong phát triển du lịch, thương mại, dịch vụ?

Thưa bà! Đề nghị bà khái quát những tiềm năng, lợi thế của thị xã Quảng Trị trong phát triển du lịch, thương mại, dịch vụ?

-Gần 214 năm lỵ sở Quảng Trị, đã qua nhiều giai đoạn thăng trầm của lịch sử, thị xã Quảng Trị là một vùng đất ẩn chứa nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, cũng như hệ thống di tích lịch sử cách mạng. Đây cũng là một trong những “địa chỉ đỏ” nổi tiếng trong nước cũng như quốc tế, trong đó nổi bật là Di tích quốc gia đặc biệt Thành Cổ Quảng Trị gắn với cuộc chiến đấu anh dũng của quân và dân ta trong 81 ngày đêm bảo vệ Thành Cổ năm 1972, Nhà tưởng niệm và Bến thả hoa ở hai bờ sông Thạch Hãn, chứng tích Trường Bồ Đề, Nghĩa Trũng Đàn, Nhà thờ Trí Bưu...

Cùng với những cảnh quan thiên nhiên đẹp như đập tràn Hải Lệ, dòng sông Thạch Hãn... và cơ sở dịch vụ thương mại phát triển, thị xã Quảng Trị có tiềm năng trong việc xây dựng cơ sở lưu trú du lịch và khai thác các loại hình dịch vụ du lịch về thăm chiến trường xưa và đồng đội, du lịch tâm linh, du lịch dã ngoại, sông nước, nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái, du lịch trang trại, du lịch cộng đồng kết hợp với du lịch mua sắm các sản vật đặc trưng của địa phương.

Đồng thời, thị xã Quảng Trị cũng là tâm điểm kết nối các di tích, danh lam thắng cảnh nổi tiếng của các địa phương lân cận như Nhà thờ La Vang, Tổ đình Sắc Tứ Tịnh Quang, biển Cửa Việt, biển Triệu Lăng... Đây là nguồn tài nguyên phong phú và đa dạng để thị xã phát triển du lịch.

- Bà cho biết những lợi thế đó đã được khai thác, phát triển như thế nào trong thời gian qua để mang lại một bức tranh mới cho ngành du lịch, thương mại, dịch vụ của thị xã?

-Với vị trí trung tâm KT - XH phía Nam của tỉnh, do đó các ngành nghề thương mại - dịch vụ khá phát triển, chiếm tỉ trọng lớn trong tổng thể KT - XH của thị xã.

Số cơ sở hoạt động trong ngành thương mại, dịch vụ hiện có 2.756 cơ sở và 3.970 lao động hoạt động trong ngành thương mại, dịch vụ. Số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ là 97 doanh nghiệp và 597 lao động, chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ.

Hoạt động kinh doanh thương mại, dịch vụ trên các tuyến phố chính phát triển. Chợ thị xã đóng vai trò là trung tâm giao thương hàng hóa chính của thị xã và khu vực lân cận.

Các hoạt động kinh doanh, thương mại và dịch vụ đang được mở rộng ra thị trường trong và ngoài nước. Quy mô, chất lượng của nhiều dịch vụ được nâng lên.

Di tích Thành Cổ Quảng Trị về đêm -Ảnh: L.M

Di tích Thành Cổ Quảng Trị về đêm -Ảnh: L.M

Về du lịch, đã khai thác lợi thế về cụm Di tích quốc gia đặc biệt Thành Cổ Quảng Trị, truyền thống văn hóa, lịch sử cách mạng và dòng sông Thạch Hãn; các hoạt động thương mại, dịch vụ kết hợp với tuyến phố đi bộ; Lễ hội Đêm hoa đăng trên sông Thạch Hãn là những sản phẩm du lịch đem lại hiệu quả cao.

Thị xã cũng từng bước định hình các nội dung, hạng mục công trình cần thiết phải đầu tư để hỗ trợ phát triển du lịch. Quan tâm tìm tạo nguồn lực để tiếp tục hoàn thiện một số di tích, các hạng mục phụ trợ như tôn tạo di tích Nghĩa Trũng Đàn; chỉnh trang mở rộng khu vực Nhà hành lễ bờ Nam sông Thạch Hãn. Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để đầu tư phát triển, xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị đồng bộ theo tiêu chí đô thị loại III...

Hoạt động bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, các thiết chế văn hóa tâm linh trên địa bàn được quan tâm. Công tác đổi mới và nâng cao chất lượng thông tin, tuyên truyền, phục vụ kịp thời nhiệm vụ chính trị của địa phương được đẩy mạnh. Qua đó, hằng năm địa phương đã đón hàng ngàn lượt du khách và kinh tế du lịch, thương mại, dịch vụ đang phát triển đúng hướng, đóng góp tỉ trọng lớn cho nền kinh tế.

- Kịch bản về phát triển du lịch, thương mại, dịch vụ của thị xã trong thời gian tới là gì, thưa bà?

-Với mục tiêu xây dựng thị xã Quảng Trị trở thành đô thị Vì Hòa bình, địa phương đang kêu gọi đầu tư vào địa bàn các dự án theo danh mục kêu gọi đầu tư giai đoạn 2021-2025 với mục đích thúc đẩy thương mại, dịch vụ phát triển.

Đồng thời rà soát, nghiên cứu để hiện thực hóa các nội dung đề án phát triển du lịch thị xã đến năm 2025, định hướng đến năm 2023, trong đó tập trung duy trì chương trình tuyến phố đi bộ Ngô Quyền với các nội dung phong phú, đa dạng như văn hóa ẩm thực, chợ đêm, các hoạt động văn hóa - thể thao, trò chơi dân gian..., đồng thời đổi mới hình thức, cách thức và xã hội hóa tổ chức chương trình Lễ hội Đêm hoa đăng tri ân các anh hùng liệt sĩ theo hướng phải tổ chức các hoạt động tạo nét mới, hấp dẫn, thu hút được du khách trong và ngoài địa bàn, tiến đến xã hội hóa và chuyên nghiệp hóa trong việc tổ chức hoạt động lễ hội, góp phần hình thành sản phẩm du lịch mang đặc trưng của thị xã.

Bên cạnh đó, xây dựng lộ trình và tổ chức các tour du lịch kết nối các điểm di tích trên địa bàn thị xã và vùng phụ cận: Thành Cổ Quảng Trị - Tháp chuông - Nhà hành lễ - Nghĩa Trũng Đàn - Nhà lưu niệm Tổng Bí thư Lê Duẩn, Trường Bồ đề - Tượng đài Mai Quốc Ca. Đồng thời tổ chức tuyến phố đêm, kết hợp tổ chức các tour du lịch tâm linh, hướng du khách tổ chức các hoạt động tham quan, tri ân về đêm.

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TU của Thị ủy về phát triển thương mại, dịch vụ và du lịch, hằng năm UBND thị xã cụ thể hóa nội dung để tập trung chỉ đạo phát triển mạnh thương mại, dịch vụ và tạo bước đột phá trong phát triển du lịch. Trong đó, đã quy hoạch tạo quỹ đất để kêu gọi đầu tư phát triển thương mại, dịch vụ. Thực hiện tốt việc chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh các chợ trên địa bàn.

Xây dựng thị xã trở thành địa điểm tổ chức trang trọng, chu đáo, có thương hiệu các sự kiện chính trị, lịch sử, văn hóa, xã hội, hướng tới xây dựng thị xã trở thành đô thị Vì Hòa bình. Triển khai thực hiện kế hoạch phát triển các sản phẩm du lịch thị xã. Vận động, khuyến khích các thành phần kinh tế, người dân tham gia phát triển dịch vụ du lịch.

Tập trung phát triển các ngành dịch vụ chất lượng cao. Phối hợp triển khai phát triển “kinh tế đêm” trên địa bàn thị xã. Phấn đấu xây dựng thị xã “Nghĩa tình, hòa bình và phát triển”, xứng đáng với mảnh đất Thành Cổ anh hùng.

-Xin cảm ơn bà!

Lê Minh(thực hiện)

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/kinh-te/thi-xa-quang-tri-chu-trong-phat-huy-loi-the-ve-du-lich-thuong-mai-va-dich-vu/180180.htm