Thị xã Nghĩa Lộ tăng cường phòng, chống dịch bệnh trong trường học

Thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi thất thường là nguyên nhân chính khiến trẻ em, học sinh- những người sức đề kháng kém, hệ miễn dịch chưa hoàn thiện, sinh hoạt tập thể tại trường học dễ bị lây các bệnh về đường hô hấp, mắt, chân, tay, miệng. Triển khai nhiều hoạt động vệ sinh phòng bệnh tại các cơ sở giáo dục là việc ngành giáo dục và đào tạo thị xã Nghĩa Lộ đã chú trọng thời gian qua.

Trường Mầm non Hoa Huệ, thị xã Nghĩa Lộ tăng cường kiểm tra sức khỏe định kỳ cho các cháu trong thời điểm giao mùa.

>> Giáo dục trải nghiệm trong trường học cho học sinh

Là cơ sở giáo dục đầu tiên phát hiện ổ dịch đau mắt đỏ do vi rút ADENO gây ra trên địa bàn, Trường THCS Tô Hiệu đã phối hợp với Trạm Y tế địa phương triển khai các biện pháp phòng chống dịch như: điều tra, giám sát tình hình dịch bệnh tại trường, yêu cầu số học sinh mắc bệnh nghỉ học cách ly tại nhà tính từ ngày khởi phát cho đến khi khỏi bệnh; đồng thời, hướng dẫn vệ sinh môi trường, phòng học bằng Cloramin B nồng độ 0,5%; tuyên truyền cách phòng chống dịch bệnh cho học sinh, giáo viên, nhân viên trong nhà trường.

Cô Nguyễn Thị Lâm - Hiệu trưởng Trường THCS Tô Hiệu cho biết: Nhà trường có tổng số 12 lớp học với 518 em học sinh. Từ trường hợp mắc bệnh đau mắt đỏ do vi rút ADENO đầu tiên ở trường vào ngày 4/10 đến ngày 11/10, toàn trường có tổng số 13 trường hợp mắc bệnh đau mắt đỏ để đảm bảo dịch bệnh không lây lan, tất cả các trường hợp mắc bệnh đều được cách ly, điều trị tại nhà đến khi hết triệu chứng và khỏi bệnh.

"Chúng tôi biết rằng, nguyên nhân xảy ra dịch bệnh được xác định do trường là nơi tập trung đông người, kèm theo thời tiết chuyển mùa, sức đề kháng của học sinh còn yếu làm gia tăng bệnh truyền nhiễm. Vì vậy, thời gian tới nhà trường tiếp tục triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh trong thời điểm giao mùa như hiện nay, đảm bảo không có dịch bệnh xảy ra” - bà Lâm nói.

Trường Mầm non Hoa Hồng năm học này có 348 trẻ, 12 nhóm lớp; 100% trẻ em ăn bán trú. Để chủ động phòng bệnh cho trẻ trong thời điểm giao mùa, nhà trường đã đặc biệt quan tâm công tác vệ sinh môi trường, đảm bảo thoáng mát và an toàn; đồng thời, tăng cường nước uống ấm, nước sát khuẩn; chú trọngthực đơn giàu dinh dưỡng cho trẻ. Giáo viên tích cực hướng dẫn trẻ giữ vệ sinh cá nhân và các hoạt động ngoài giờ.

Bà Dương Thị Hồng Thu - Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Hồng cho biết: "Vào thời điểm giao mùa, các cơ sở giáo dục mầm non như chúng tôi rất dễ bùng phát các dịch bệnh ở trẻ. Do đó, công tác phòng chống dịch bệnh giao mùa cho trẻ luôn được nhà trường nghiêm túc thực hiện. Ngoài việc tổ chức kiểm tra sức khỏe định kỳ cho trẻ, hướng dẫn các bé vệ sinh cá nhân, nhà trường cũng đẩy mạnh tuyên truyền thông qua các góc tuyên truyền ở 13 nhóm lớp, nhóm zalo; bổ sung rau xanh, thức ăn giàu chất đạm để các bé tăng sức đề kháng… Nhờ đó, tỷ lệ trẻ đến lớp luôn đạt cao”.

Năm học 2023 - 2024, thị xã Nghĩa Lộ có tổng số 33 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập và ngoài công lập, 503 nhóm/lớp với 16.092 học sinh.

Để chủ động công tác phòng chống dịch bệnh trong thời điểm giao mùa, ngành giáo dục và đào tạo thị xã đã chỉ đạo các đơn vị trường học trên địa bàn chủ động xây dựng phương án phòng ngừa và sẵn sàng ứng phó linh hoạt, hiệu quả đối với các tình huống có thể xảy ra; bảo đảm tổ chức dạy và học an toàn, chất lượng; chủ động nắm chắc tình hình, dự báo dịch bệnh để xây dựng kế hoạch, phương án phối hợp đảm bảo an toàn sức khỏe cho học sinh, cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên.

>> Ngày hội "Thầy thuốc trẻ làm theo lời Bác, tình nguyện vì sức khỏe cộng đồng"

Theo bà Lò Thị Tuyết Dung - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Nghĩa Lộ, trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh, nhất là ở thời điểm giao mùa, ngành đã phối hợp với ngành y tế quản lý sức khỏe học sinh, cán bộ, giáo viên, nhân viên, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh; thông báo ngay cho cơ quan y tế để được khám, điều trị kịp thời và có các biện pháp xử lý phù hợp; kiên quyết không để dịch lây lan trong trường học; đồng thời, triển khai tiêm phòng vắc xin cho học sinh, cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên theo kế hoạch của ngành y tế.

Bên cạnh đó, Phòng cũng chỉ đạo các trường làm tốt công tác vệ sinh môi trường trong và ngoài lớp học; khu vực bếp ăn, đảm bảo các quy định về vệ sinh, an toàn thực phẩm, phòng chống các bệnh lây nhiễm qua đường thực phẩm, chế biến thực phẩm; rà soát, bổ sung các điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị, thuốc theo danh mục quy định để phục vụ cho công tác y tế trường học; phòng, chống dịch bệnh; đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông phòng, chống dịch bệnh bằng các hình thức phù hợp để nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của học sinh, cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong việc bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng...

"Nhờ triển khai đồng loạt các giải pháp, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của các đơn vị nhà trường, đến nay, 100% trường học trên địa bàn thị xã đảm bảo môi trường học đường sáng - xanh - sạch - đẹp và đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh cho các em học sinh” - bà Lò Thị Tuyết Dung cho biết thêm.

Hùng Cường

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/45/303223/thi-xa-nghia-lo-tang-cuong-phong-chong-dich-benh-tr111ng-truong-hoc.aspx