Thi tuyển chức danh hiệu trưởng: Không còn 'sống lâu lên lão'

Việc đổi mới cách thức tuyển chọn chức danh hiệu trưởng của Sở GDĐT Hà Nội được đánh giá góp phần xóa bỏ tư duy 'sống lâu lên lão làng', 'bổ nhiệm người nhà', tạo động lực và nhiệt huyết cho công chức khác tiếp tục cống hiến.

Tuy nhiên, làm sao để các kỳ thi được thực chất, khách quan, tránh tình trạng hình thức là câu hỏi được đặt ra.

Chuyển biến tích cực

Sở GDĐT Hà Nội vừa thông báo về việc thí điểm thi tuyển chức danh Hiệu trưởng 2 trường học gồm: THPT Bất Bạt và PTCS Nguyễn Đình Chiểu trong năm 2022.

Đây là lần đầu tiên, Sở GDĐT Hà Nội tổ chức thí điểm thi tuyển chức danh hiệu trưởng trường công lập.

Theo quy định, đối tượng đăng ký tham gia dự tuyển bắt buộc gồm: Viên chức được cấp có thẩm quyền phê duyệt là nguồn quy hoạch của chức danh Hiệu trưởng trường THCS Bất Bạt và Hiệu trưởng trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu phải tham gia đăng ký dự tuyển tại trường.

Đối tượng đăng ký tham gia dự tuyển tự nguyện gồm: Công chức, viên chức đang công tác tại Sở GDĐT Hà Nội và đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở; cán bộ, công chức, viên chức không công tác tại Sở GDĐT Hà Nội và đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở - nếu có đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo yêu cầu chức danh thi tuyển và nằm trong quy hoạch chức danh tương đương với chức danh thi tuyển thì được quyền đăng ký dự tuyển nếu được cấp có thẩm quyển quản lý nơi đang công tác đồng ý cho phép tham gia dự tuyển.

Trường THPT Bất Bạt là một trong hai đơn vị được thí điểm thi tuyển chức danh hiệu trưởng.

Trường THPT Bất Bạt là một trong hai đơn vị được thí điểm thi tuyển chức danh hiệu trưởng.

Trường hợp qua theo dõi phát hiện nhân tố mới hoặc do không bảo đảm nguyên tắc có số dư (khi thu nhận hoặc thi thẩm định hồ sơ), tập thể lãnh đạo Sở GDĐT Hà Nội quyết định đề cử nhân sự.

Nhân sự được đề cử tham gia dự tuyển phải được cấp có thẩm quyền quản lý nơi đang công tác đồng ý cho phép tham gia dự tuyển nếu không thuộc thẩm quyển quản lý của Sở GDĐT Hà Nội. Nhân sự được đề cử chỉ được dự tuyển đối với chức danh cao hơn liền kề 1 bậc.

Việc đổi mới cách thức tuyển chọn chức danh hiệu trưởng của Sở GDĐT Hà Nội được đánh giá góp phần xóa bỏ tư duy “sống lâu lên lão làng”, tạo động lực và nhiệt huyết cho công chức khác tiếp tục cống hiến.

Nguyên Hiệu trưởng một trường tiểu học tại Hà Nội cho hay, thực tế, nhiều công chức, viên chức có năng lực, đủ điều kiện làm lãnh đạo, quản lý nhưng lại thiếu cơ hội để phát triển, dẫn đến tình trạng mất hứng thú trong công việc.

Trong khi đó, hiệu trưởng giữ vai trò rất quan trọng, quyết định tất cả chất lượng hoạt động trong nhà trường.

Vì vậy, vị nguyên Hiệu trưởng này cho rằng: “Việc thí điểm đổi mới cách tuyển chọn chức danh hiệu trưởng là chuyển biến tích cực. Thông qua thi tuyển sẽ góp phần tuyển chọn được người có năng lực quản lý thực sự, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ”.

Những chuyển động tích cực từ việc thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý đã khẳng định sự phù hợp thực tiễn so với tư duy vẫn tồn tại bấy lâu trong không ít cơ quan, đơn vị thuộc hệ thống chính trị là “sống lâu lên lão làng”.

Tránh tình trạng “đi đêm”

Nhiều năm làm công tác quản lý, ông Hồ Tuấn Anh, Hiệu trưởng Trường THCS Quỳnh Phương (thị xã Hoàng Mai, Nghệ An) cho rằng, việc lựa chọn người có phẩm chất đạo đức, chính trị, tài năng vào các vị trí lãnh đạo là rất cần thiết, là mong mỏi của nhân dân.

Thời gian qua, Đảng, Nhà nước cũng luôn trăn trở và đưa ra nhiều giải pháp để thực hiện. Nhưng trên thực tế vì nhiều lý do nên vẫn chưa đạt được hiệu quả. Thậm chí, việc bổ nhiệm người nhà, nâng đỡ không trong sáng có lúc, có nơi còn trầm trọng hơn, thách thức dư luận gây bất bình trong nhân dân.

Ngược lại, cũng có nơi khuyết vị trí lãnh đạo nhưng vẫn không bổ nhiệm kịp thời làm cản trở công việc, ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động.

Ông Hồ Tuấn Anh, Hiệu trưởng Trường THCS Quỳnh Phương.

Ông Hồ Tuấn Anh, Hiệu trưởng Trường THCS Quỳnh Phương.

Theo ông Tuấn Anh, việc thi tuyển các vị trí lãnh đạo, trong đó có chức danh hiệu trưởng của Hà Nội không phải là mới. Từ nhiều năm trước, Đà Nẵng đã thực hiện việc này. Tuy nhiên, đến nay chưa thấy phản ánh hiệu quả làm việc của các vị trí trúng tuyển thời gian qua như thế nào.

Ông Tuấn Anh cũng khẳng định, việc thi tuyển hoặc có cơ chế cạnh tranh khách quan để chọn được người có đức, có tài vào các vị trí lãnh đạo là rất cần thiết, khẳng định sự phù hợp thực tiễn so với tư duy vẫn tồn tại bấy lâu trong không ít cơ quan, đơn vị là “sống lâu lên lão làng”.

Tuy nhiên, ông Tuấn Anh cho rằng, nếu quy trình, cách làm không khoa học thì việc thi tuyển sẽ biến tướng dẫn tới kết quả đã được dàn xếp trước, đến khi thi chỉ là hình thức.

Theo ông Tuấn Anh, để thi tuyển khách quan, hằng năm cơ quan tổ chức phải định kỳ công khai các vị trí, các tiêu chí cho từng vị trí dự kiến thi tuyển.

Khi tổ chức thi tuyển thì phải giải quyết được các vấn đề: Không để xảy ra tình trạng “đi đêm” giữa người ứng tuyển với người trong hội đồng thi; hình thức thi phải minh bạch, nên sử dụng tối đa công nghệ trong việc xác định kết quả thi.

Ông Tuấn Anh cũng cho rằng, việc tổ chức thi tuyển nên hạn chế cho lãnh đạo và những người không có chuyên môn tham gia làm thi. Việc phỏng vấn hay trình bày đề án nên phát trực tiếp trên phương tiện truyền thông. Kết quả phải được công bố ngay lập tức. Đồng thời, có chế tài thật nghiêm khắc để xử lý những hành vi không trong sáng của bất kỳ ai vi phạm.

Nguyễn Hoài

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/thi-tuyen-chuc-danh-hieu-truong-khong-con-song-lau-len-lao-5682349.html