Thị trường việc làm: Cuộc 'đào thải' sòng phẳng

Theo Bản tin cập nhật thị trường lao động quý II.2017 do Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ LĐTBXH) công bố, nhóm trình độ 'đại học trở lên' và nhóm thanh niên có 183,1 nghìn người thất nghiệp, tăng 44,2 nghìn so với quý I.2017. Chuyện lao động 'có trình độ' thất nghiệp cho thấy cuộc 'đào thải' sòng phẳng của thị trường việc làm

Phiên giao dịch việc làm.Ảnh PV

Quý I.2017, tỷ lệ thất nghiệp của nhóm có trình độ “đại học trở lên” là 2,79%, quý II.2017 tăng lên 3,63%. Trong khi đó, nhóm trình độ “cao đẳng” có 82,6 nghìn người thất nghiệp, dù giảm 21,6 nghìn người so với quý I.2017 nhưng với tỷ lệ thất nghiệp 4,96% - nhóm này được đánh giá có tỷ lệ thất nghiệp ở mức cao. Ngoài thất nghiệp theo trình độ, Viện Khoa học Lao động và Xã hội còn công bố tỷ lệ thất nghiệp tính theo 8 vùng kinh tế: Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất (lần lượt là 2,95% và 2,65%); Trung du miền núi phía Bắc và Tây Nguyên có tỷ lệ thấp nhất (0,95% và 1,05%).

Tình trạng thất nghiệp mức cao và có xu hướng tăng ở nhóm lao động có trình độ, trong khi nhóm lao động có kỹ năng thực hành nghề nghiệp lại thường "đắt như tôm tươi". Chuyện doanh nghiệp săn đón và tuyển dụng người làm tại các buổi tốt nghiệp của một số trường cao đẳng nghề đã trở nên phổ biến thời gian gần đây.

Ông Đồng Văn Ngọc – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội cho biết, vài năm nay, ở một số ngành, lễ tốt nghiệp của sinh viên trở thành lễ nhận người của doanh nghiệp. “Những em có lực học tốt, kỹ năng nghề nghiệp thể hiện xuất sắc trong quá trình thực tập tại doanh nghiệp có thể nhận mức lương hơn chục triệu đồng/tháng ngay sau khi được nhận vào làm”, ông Ngọc nói.

Ngoài ra, việc “đắt hàng” của nhóm lao động có trình độ tay nghề còn được thể hiện ở cam kết rất “mạo hiểm” của nhà trường: hoàn trả học phí nếu sinh viên không xin được việc làm.

Ông Cao Văn Sâm – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho rằng, thị trường việc làm đang đào thải rất khắt khe nhưng công bằng và đúng hướng. Theo ông Sâm, sau nhiều năm học sinh đổ xô học đại học và mọi gia đình đều xác định học đại học là con đường tốt nhất vào đời, “khủng hoảng thừa” bắt đầu thể hiện. “Nhiều cử nhân tốt nghiệp đại học sau hàng năm trời không xin được việc làm có người sẵn sàng làm xe ôm; có nhóm cất bằng đại học quay lại học nghề để tìm được việc làm mà thị trường đang có nhu cầu”, ông Sâm nói.

Chuyện cử nhân, thạc sỹ thường xuyên dẫn đầu nhóm thất nghiệp cho thấy đã đến lúc người học, gia đình và cả xã hội phải nhìn nhận lại định hướng nghề nghiệp. Một bài học muôn thuở được ông Cao Văn Sâm nói đến vẫn là “học cái thị trường cần chứ không phải học cái mình muốn”. Tuy nhiên, việc “nắn” lại đầu vào các nhóm ngành và cân đối cung – cầu lại là câu chuyện liên quan đến nhiều cơ quan quản lý nhà nước.

Quang Hiếu

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/viec-lam/thi-truong-viec-lam-cuoc-dao-thai-song-phang-567778.ldo