Thị trường trái phiếu doanh nghiệp sắp tới sẽ ra sao?

Thị trường trái phiếu đã có thời kỳ rất nóng khi không ít người bỏ hàng chục, hàng trăm tỷ mua trái phiếu. Sau đó, hàng loạt vấn đề xảy ra đẩy trái phiếu thành kênh đầu tư đầy khó khăn.

Thông tin tại Hội thảo “Cập nhật các biến động trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam và hoạt động xếp hạng tín nhiệm” vừa diễn ra cho thấy, sự “bùng nổ” của kênh đầu tư trái phiếu doanh nghiệp bắt đầu từ năm 2017.

Xa dần giai đoạn tăng nóng

Trong suốt 4 năm sau đó, hàng loạt doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp bất động sản và ngân hàng “thi nhau” phát hành trái phiếu để gọi vốn. Các doanh nghiệp thích phát hành trái phiếu vì phí huy động từ phát hành trái phiếu không đắt hơn so với vay ngân hàng trong khi không cần tài sản đảm bảo, không phải chịu sự giám sát khoản vay.

Trong thời gian 4 năm “đỉnh cao” của trái phiếu này, các doanh nghiệp SPE (doanh nghiệp vỏ, được tạo ra với mục đích huy động vốn và không có dòng tiền thật hoạt động để trả nợ) có thể “phình to” gấp vài lần. Quy mô của nhóm doanh nghiệp này tăng đột biến từ mức 36 nghìn tỷ đồng năm 2018 lên 137 nghìn tỷ đồng năm 2021. Trong đó, hơn một nửa số SPE đã có vấn đề và có thể gây hệ lụy cho thị trường ở giai đoạn sau bởi đặc trưng của các SPE là phải dùng dòng tiền khác để trả cho các khoản vay trái phiếu chứ không hề tạo ra tiền thật.

Giai đoạn từ năm 2021 đến nay, thị trường bước vào giai đoạn điều chỉnh khi giá trị trái phiếu cận trả gốc/lãi tăng vọt. Loạt doanh nghiệp SPE có vấn đề đã để lại hậu quả chưa thể khắc phục trên thị trường trái phiếu. Hậu quả đầu tiên là không đáp ứng được nghĩa vụ nợ đối với cả gốc lẫn lãi. Theo thống kê của CTCP Xếp hạng Tín nhiệm Đầu tư Việt Nam (VIS Rating), trái phiếu chậm trả lãi gốc/lãi nhiều nhất là nhóm trái phiếu bất động sản, xây dựng và tiện ích chiếm tỷ trọng cao nhất, lần lượt là 23,5%; 24,8% và 21,9%. Đây đều là những nhóm ngành từng dẫn đầu thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong thời kỳ bùng nổ.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã lên đỉnh và xuống dốc trong những năm vừa qua.

Kể từ tháng 10/2022, thị trường có phần chững lại. Nhiều vụ việc doanh nghiệp không trả nổi lãi trái phiếu cho nhà đầu tư được đưa tin trên khắp các phương tiện truyền thông và gây ra cả loạt khủng hoảng lớn nhỏ. Những tin tức như vậy cũng khiến các nhà đầu tư tiềm năng “nhụt chí”, chuyển sang tìm kiếm kênh đầu tư khác.

Bước vào chu kỳ mới

Ông Trần Lê Minh, Tổng giám đốc VIS Rating nhận định, thị trường trái phiếu hiện đã bước sang chu kỳ mới phát triển theo hướng bền vững hơn. Theo thống kê, số lượng trái phiếu chậm trả gốc và lãi tháng 10/2023 lần đầu giảm. Dòng vốn đã quay trở lại thị trường trái phiếu doanh nghiệp từ tháng 7/2023 với nhiều tín hiệu tích cực.

VIS Rating ước tính, giá trị trái phiếu có rủi ro cao sẽ giảm dần trong vòng 12 - 18 tháng tới, từ mức 19.000 tỷ đồng trong quý 4/2023 xuống 8.000 tỷ đồng trong quý 1/2024, 13.000 tỷ đồng quý 2/2024; 13.000 tỷ đồng quý 3/2024 và 9.000 tỷ đồng trong quý 4/2024.

Trong 10 tháng đầu năm 2023, đã có hơn 76.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp bất động sản được phát hành, tăng trưởng hơn 10% so với cùng kỳ năm ngoái.

Sau khi Nghị định 08 của Chính phủ có hiệu lực từ hồi đầu năm, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang chứng kiến những sự ấm lên rõ rệt, nhất là vào nửa cuối năm. Nghị định 08 đã tạo hành lang pháp lý cho việc khắc phục chậm trả trái phiếu khi cho phép doanh nghiệp phát hành đàm phán với trái chủ và gia hạn nợ lên đến 2 năm. Tính từ tháng 7 đến nay, khối lượng phát hành trái phiếu riêng lẻ đạt 127.200 tỷ đồng, cao gấp 2,2 lần so với nửa đầu năm. Con số ấn tượng nhất là tỷ lệ đàm phán gia hạn trái phiếu thành công từ mức thấp chỉ 16% đầu năm hiện đã lên tới 63%.

Bên cạnh đó, khối lượng trái phiếu doanh nghiệp mua lại trước hạn 10 tháng đầu năm đạt hơn 193.000 tỷ đồng (tăng 30% so với năm ngoái). Để giải quyết nợ trái phiếu, nhiều doanh nghiệp đã tích cực thực hiện tái cấu trúc mạnh mẽ, thậm chí thanh lý, bán tài sản để đảm bảo thanh toán cho nhà đầu tư.

"Từ hai nguồn phát hành riêng lẻ với việc thu hồi nợ thì trong tháng 12 này, công ty chúng tôi sẽ hoàn toàn tất toán được toàn bộ trái phiếu", ông Bùi Quang Anh Vũ - Tổng giám đốc CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt thông tin.

Chờ đợi những điểm sáng

Theo các chuyên gia, toàn bộ quy định trong Nghị định 65 (về phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ…) sẽ có hiệu lực thi hành từ đầu năm 2024. Nghị định này được kỳ vọng sẽ thiết lập kỷ luật chặt chẽ hơn đối với các bên liên quan trong thị trường trái phiếu. Cụ thể, nhà phát hành sẽ phải công bố thông tin minh bạch hơn, giúp nhà đầu tư hiểu rõ hơn về doanh nghiệp và tiềm năng của họ. Đối tượng chủ thể được tham gia thị trường bị siết chặt hơn và các quy định về xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp bắt buộc cũng đi vào hiệu lực, giúp bảo vệ nhà đầu tư tốt hơn và nâng đỡ thị trường phát triển hơn.

"Đầu tư trái phiếu có được trả đúng hạn, an toàn hay không phần lớn vẫn phải đến từ việc hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp có hiệu quả hay không. Có nhiều tín hiệu đáng mừng để đặt kỳ vọng vào các doanh nghiệp trong năm 2024. Hiện tại, tỷ lệ trái phiếu chậm trả phát sinh mới giảm dần một phần đến từ mức lãi suất thấp khi Ngân hàng Nhà nước đã cắt giảm 4 lần lãi suất điều hành trong năm 2023. Nhờ thế mà doanh nghiệp huy động vốn làm ăn dễ dàng hơn", một chuyên gia đánh giá.

Song song với đó, các chính sách hỗ trợ kinh doanh của Chính phủ và kích cầu kinh tế sẽ phát huy hiệu quả hơn trong năm 2024, giúp doanh nghiệp kinh doanh tốt hơn, cải thiện dòng tiền. Vì vậy, sau thời kỳ giảm tốc và suy thoái, thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm 2024 được dự đoán sẽ có nhiều thay đổi tích cực, bước sang một chu kỳ ổn định mới.

Kim Chi

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//goc-nhin/thi-truong-trai-phieu-doanh-nghiep-sap-toi-se-ra-sao-1096870.html