Thị trường thép 'ấm' lên

Ngành thép Việt Nam trải qua gần một năm khó khăn, thị trường ảm đạm. Tuy nhiên, thời điểm cuối năm này ngành thép đang có những tín hiệu tích cực, thị trường khởi sắc hơn.

Thép xây dựng - sản phẩm chủ lực của nhiều doanh nghiệp sản xuất thép. (Nguồn ảnh: VNSTEEL)

Nhiều tín hiệu lạc quan

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), từ đầu năm đến nay, thị trường thép chứng kiến cảnh khá đìu hiu. Giá thép từ đầu năm đến nay đã điều chỉnh giảm 19 lần, giá trị giảm khoảng 14%. Hiện giá thép dao động trong khoảng từ 13.000 - 14.000 đồng/kg, mức thấp nhất trong vòng 3 năm qua. Dù giá thép giảm, nhưng sản lượng bán ra vẫn yếu. 9 tháng năm 2023, bán hàng thép thành phẩm của các DN thành viên VSA đạt gần 19 triệu tấn, giảm 10,8%. Trước đó, cả năm 2022, tiêu thụ thép thành phẩm đạt 27,3 triệu tấn, giảm 7,2% so năm 2021.

Theo ông Nghiêm Xuân Đa, Chủ tịch VSA, nguyên nhân chính do thị trường bất động sản đóng băng, các dự án xây dựng giảm. Ngoài ra, thị trường thép còn bị tác động bởi các yếu tố thị trường thép thế giới, nhất là thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, thị trường thép hiện đang có những dấu hiệu tích cực, “ấm” lên.

Chủ tịch VSA Nghiêm Xuân Đa chia sẻ, trong các công trình xây dựng, giá thép chiếm khoảng 30% trong cơ cấu chi phí vật liệu xây dựng cơ sở hạ tầng. Những tháng cuối năm các dự án đầu tư công thường “chạy” tiến độ giải ngân, nhất là các dự án lớn như cao tốc Bắc - Nam phía Đông, dự án xây dựng sân bay Long Thành và nhiều dự án xây dựng khác. Do đó, ngành thép cũng được hưởng lợi khi sản lượng bán ra sẽ tăng lên.

Ngoài ra, theo Chủ tịch VSA, những chính sách mới của Nhà nước cũng đang có tác động tích cực lên ngành thép. Trong đó, các chính sách tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế được Chính phủ và các Bộ, ngành ban hành sẽ dần tháo gỡ khó khăn thị trường bất động sản, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công lĩnh vực xây dựng...

Theo Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNSTEEL), thời gian qua, nhờ những nỗ lực trong quản trị và thị trường thép “ấm” lên, đơn vị này có kết quả kinh doanh khả quan hơn. Cụ thể, trong tháng 10/2023, toàn hệ thống VNSTEEL đạt sản lượng bán hàng trên 212.000 tấn, tiêu thụ tăng 17% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, thép xây dựng đóng góp trên 145.000 tấn, dù giảm 29% so với tháng 9/2023 nhưng tăng 10% so với cùng kỳ năm 2022. Thép dẹt đạt sản lượng trên 67.000 tấn, tăng 5% so với tháng 9/2023 và tăng 37% so với cùng kỳ năm 2022.

Lũy kế 10 tháng năm 2023, tiêu thụ thép thành phẩm của VNSTEEL đạt trên 2,28 triệu tấn các loại; trong đó thép xây dựng đạt trên 1,67 triệu tấn, bằng 74% cùng kỳ năm 2022, thép dẹt đạt trên 0,61 triệu tấn, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2022.

Nhu cầu thấp ở các kênh tiêu thụ

Dù có những kết quả kinh doanh khá khởi sắc, nhưng VNSTEEL đánh giá, đối với lĩnh vực sản xuất kinh doanh (SXKD) thép, sức mua trên thị trường thép vẫn yếu do nhu cầu thấp ở tất các các kênh tiêu thụ; các dự án đầu tư công mặc dù đã khởi động nhưng nhiều dự án đang triển khai ở giai đoạn đầu, còn các dự án đường cao tốc có nhu cầu sử dụng thép là không nhiều. “Hai tháng cuối năm ngành thép vẫn còn đối diện với nhiều khó khăn trong SXKD khi các mặt hàng nguyên liệu tiềm ẩn nhiều nguy cơ tăng giá, rủi ro về tỷ giá tạo sức ép lên chi phí nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu, giá điện tăng…”, đại diện VNSTEEL đánh giá.

Từ những rủi ro, thách thức nêu trên, VNSTEEL cho biết sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình biến động cung - cầu, giá cả hàng hóa trên thị trường thép thế giới và trong nước để sẵn sàng các phương án, giải pháp ứng phó kịp thời nhằm phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất kế hoạch được giao; đồng thời chủ động chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tranh thủ cơ hội khi thị trường phục hồi.

Đại diện Tập đoàn Hòa Phát (đơn vị sản xuất thép xây dựng lớn nhất Việt Nam) cho biết, tình hình SXKD mặt hàng thép của đơn vị này thời gian qua không mấy khả quan. Lũy kế 10 tháng, đơn vị này sản xuất hơn 5,4 triệu tấn thép thô, giảm 18% so với cùng kỳ 2022. Bán hàng các sản phẩm HRC, thép xây dựng, thép chất lượng cao, phôi thép đạt 5,25 triệu tấn, giảm 15% so với cùng kỳ. “Qua 10 tháng, thép cuộn cán nóng cung cấp cho thị trường 2,25 triệu tấn, giảm 2% so với cùng kỳ năm trước. Sản phẩm ống thép đạt gần 543.000 tấn, giảm 13%. Tôn mạ các loại của Hòa Phát giảm 3% với mức sản lượng 266.000 tấn”, đại diện Hòa Phát thông tin.

Còn theo Chủ tịch VSA Nghiêm Xuân Đa, đến thời điểm hiện tại, các DN ngành thép chưa nên quá lạc quan do nhu cầu thị trường với các mặt hàng thép trong nước nói chung vẫn yếu, chưa được cải thiện nhiều.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 10 tháng đầu năm 2023, sản lượng xuất khẩu sắt thép các loại đạt trên 9,1 triệu tấn, tăng trưởng 30,7% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 6,95 tỷ USD. 10 thị trường xuất khẩu thép lớn nhất của Việt Nam trong năm 2023 tính tới hết tháng 10 lần lượt là Ý, Campuchia, Hoa Kỳ, Ấn Độ, Malaysia, Indonesia, Bỉ, Tây Ban Nha, Đài Loan (Trung Quốc) và Thái Lan.

Hữu Minh

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/thi-truong-thep-am-len-post495704.html