Thị trường Tết Quý Tỵ 2013: Hỗ trợ người lao động nghèo mua sắm Tết

(VOH) - Thị trường TPHCM bắt đầu sôi động khi chỉ còn hơn 1 tháng nữa là đến đến Tết Quý Tỵ 2013. Diễn biến thị trường trong tháng giáp Tết luôn được lãnh đạo TP.HCM quan tâm, theo dõi, kiểm tra thực tế và chỉ đạo kịp thời.

Phóng viên Đài có phỏng vấn với bà Nguyễn Thị Hồng - Phó chủ tịch Ủy ban NhândDân TP.HCM:

Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Chủ tịch UBND TP. HCM. Ảnh: Chinhphu.vn

* Thưa bà, việc triển khai kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng đảm bảo cung cầu hàng hóa thiết yếu dịp Tết Quý Tỵ 2013 được UBND thành phố chuẩn bị phục vụ cho người dân thành phố như thế nào?

- Bà Nguyễn Thị Hồng: Năm 2012, tình hình kinh tế thế giới và trong nước gặp nhiều khó khăn, sức mua thị trường tăng chậm. Do đó, ngay từ đầu tháng 4-2012, thành phố đã chỉ đạo Sở Công thương và các sở, ngành liên quan thực hiện xây dựng và triển khai kế hoạch sản xuất hàng hóa và cung ứng Tết. Đến nay, các doanh nghiệp tham gia Chương trình bình ổn thị trường thành phố đã thực hiện nghiêm túc và đạt hơn 80% kế hoạch với lượng hàng tăng 20%-30% so kết quả thực hiện. Tết năm 2012 và tăng hơn 60% so kế hoạch của chương trình bình ổn thị trường. Nhiều mặt hàng thiết yếu như thịt, trứng gia cầm, đường, dầu ăn có lượng chuẩn bị vượt hơn 50% nhu cầu thị trường. Lượng hàng 3 chợ đầu mối vào thời điểm cận Tết sẽ tăng khoảng 50%-70% so ngày thường. Riêng hệ thống các siêu thị đã chuẩn bị lượng hàng hóa Tết tăng 2-3 lần so tháng thường.

Thành phố đã chỉ đạo tạo mọi điều kiện thông thoáng để hàng hóa các địa phương đưa về thành phố được nhanh chóng, thuận lợi nhất, góp phần bổ sung, tăng cường nguồn hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân. Theo tôi, sức mua trong dịp tết có thể tăng trên 20% so cùng kỳ. Đối với doanh nghiệp trong chương trình bình ổn được giao trách nhiệm chuẩn bị lượng hàng hóa đầy đủ, dồi dào. Hiện Vissan, Tổng Công ty Nông nghiệp và các siêu thị Sài Gòn Co.op, Vinatex đã tổ chức liên kết chăn nuôi và ký hợp đồng thu mua, chuẩn bị lượng thịt gia súc lên đến 15.000 tấn. Công ty Vissan luôn có lượng thịt dự trữ tại kho trên 2.000 tấn để sẵn sàng đưa ra thị trường nếu có dấu hiệu biến động. Các đơn vị khác như Công ty Phạm Tôn San Hà chuẩn bị lượng thịt gia cầm đạt 14.500 tấn. Trứng gia cầm của 3 đơn vị Ba Huân, Vĩnh Thành Đạt và Andeco cũng lên đến 140 triệu quả. Rau củ quả, các doanh nghiệp có thể cung ứng đạt 14.150 tấn các loại. Do đó, người tiêu dùng có thể hoàn toàn yên tâm, không phải lo lắng cho việc thiếu hàng, tăng giá.

Thành phố dự kiến thực hiện khoảng 700 chuyến bán hàng lưu động nhằm đưa hàng hóa Việt Nam có chất lượng, uy tín về phục vụ người dân vùng nông thôn, các khu dân cư, KCX-KCN... trong tháng giáp Tết cổ truyền 2013. Để phục vụ người thu nhập thấp, theo kế hoạch, trong các ngày cận Tết là thời điểm người tiêu dùng thu nhập thấp tập trung mua sắm Tết, các doanh nghiệp bình ổn sẽ thực hiện các chương trình giảm giá, khuyến mãi sâu để hỗ trợ người lao động nghèo mua sắm tết trễ.

* Cuối năm cũng là dịp cần kiểm tra, kiểm soát về thị trường, giá cả, phòng chống hàng gian, hàng giả; thì việc triển khai của thành phố về công tác này như thế nào?

- Bà Nguyễn Thị Hồng: UBNDTP đã giao cho Sở Tài chính phối hợp với các sở ngành chức năng kiểm tra việc hạch toán vào giá thành các chi phí không hợp lý, hợp lễ; xử lý nghiêm theo quy định của Pháp lệnh giá và các quy định của pháp luật có liên quan đối với hành vi vi phạm như liên kết ghìm hàng, nâng giá, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người dân. TPHCM đã chỉ đạo cho các ngành chức năng như quản lý thị trường tăng cường quản lý, kiểm tra, kiểm soát thị trường để ổn định giá cả, vệc sinh an toàn thực phẩm, chất lượng hàng hóa; chủ động xây dựng kế hoạch kiểm tra, quản lý trên địa bàn quận huyện; theo dõi, chỉ đạo đôn đốc thường xuyên không để thiếu hàng, làm giá cả tăng cao hoặc xuất hiện hàng gian, hàng giả; góp phần cùng thành phố thực hiện bình ổn thị trường; ngăn chặn các hoạt động sản xuất kinh doanh gian đối, trái pháp luật, gây thiệt hại và ảnh hưởng đến người tiêu dùng, các nhà sản xuất, kinh doanh chân chính; đảm bảo hàng hóa lưu thông phân phối nhanh chóng, thuận tiện. Thành phố giao nhiệm vụ cho Chủ tịch UBND quận, huyện, chịu trách nhiệm chỉ đạo chặt chẽ việc quản lý hàng hóa, giá cả tại các chợ truyền thống: không để hàng gian, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng vào chợ; xác định rõ trách nhiệm ban quản lý chợ trong việc quản lý, điều hành, hướng dẫn, kiểm tra, phối hợp với Hội liên hiệp phụ nữ tuyên truyền tiểu thương chấp hành nghiêm chỉ đạo của Nhà nước để phục vụ tốt cho người tiêu dùng.

* Xin cám ơn bà!

Nguồn VOH: http://voh.com.vn/news/newsdetail.aspx?id=54694