Thị trường tài chính 24h: Chứng khoán nửa cuối năm khó kiếm lời lớn như nửa đầu năm

VN-Index điều chỉnh nhẹ; Kích cầu tín dụng; Thị trường trái phiếu doanh nghiệp hồi phục chậm, nhưng đi vào chất; Nhận diện cơ hội sóng ngành nửa cuối năm; Ma trận đường đi dòng tiền trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ - Bài 2; Giá quặng sắt có thể suy yếu trở lại khi kỳ vọng về các gói kích thích lớn giảm dần…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC tại Hà Nội sau khi mở cửa sáng nay 27/7 không đổi so với cuối ngày hôm qua, thì vào cuối ngày hôm nay đã tăng 150.000 đồng/lượng và hiện đứng ở mức 66,75 – 67,37 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ tăng 7,2 USD lên 1.971,7 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng tiếp tục tăng và vượt 1.980 USD trước khi hạ nhiệt về gần 1.975 USD/ounce vào cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 100,58 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 27/7 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.736 đồng/USD, giảm 10 đồng so với hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 23.500 – 23.840 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua nhích nhẹ lên trên 29.400 USD, thì sang phiên hôm nay đã tiếp tục tăng và lên trên 29.600 USD/BTC vào cuối ngày.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,91 USD (+1,16%), lên 79,69 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 0,75 USD (+0,93%), lên 83,67 USD/thùng.

VN-Index điều chỉnh nhẹ

Sau phiên sáng giảm điểm nhẹ, thị trường bước vào phiên chiều nối tiếp nhịp đi xuống và chỉ khi về gần 1.190 điểm, lực cầu đã trở lại mạnh mẽ với nhóm bất động sản, xây dựng.

Trong khi đó, các bluechip thu hẹp đà giảm đã giúp VN-Index trồi dần lên và chạm gần ngưỡng 1.200 điểm trước phiên ATC và chỉ giảm thêm đôi chút khi đóng cửa.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã đã mua ròng 0,32 triệu đơn vị, với tổng giá trị mua ròng 274,08 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 27/7: VN-Index giảm 3,51 điểm (-0,29%), xuống 1.197,33 điểm; HNX-Index giảm 0,56 điểm (-0,24%), xuống 235,64 điểm; UpCoM-Index tăng 0,04 điểm (+0,05%), lên 88,64 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Phố Wall vẫn nhích lên trong phiên thứ Tư (26/7), ngay cả khi đón nhận việc Fed nâng lãi suất, với Dow Jones ghi nhận chuỗi tăng dài nhất trong hơn 35 năm.

Fed đã nâng lãi suất thêm 0,25% và đưa lãi suất lên mức cao nhất trong 22 năm sau. Tuy nhiên, lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ lại giảm, sau khi Chủ tịch Fed Jerome Powell gợi ý ngân hàng trung ương có thể tạm dừng việc tăng lãi suất trong cuộc họp tiếp theo.

Nhưng sau cuộc họp báo của Fed, ông Powell cũng lưu ý rằng việc cắt giảm lãi suất là rất khó có xảy ra trong năm nay.

Kết thúc phiên 26/7: Chỉ số Dow Jones tăng 82,05 điểm (+0,23%), lên 35.520,12 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,71 điểm (-0,01%), xuống 4.566,75 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 17,27 điểm (-0,12%), xuống 14.127,28 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản tăng, khi sự phục hồi trên nhiều thị trường châu giúp nâng cao tâm lý, nhưng sự không chắc chắn xung quanh cuộc họp chính sách của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) đã hạn chế đà tăng của thị trường.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,68% lên 32.891,16 điểm. Chỉ số tăng 0,53% lên 2.295,14 điểm.

Chỉ số MSCI châu Á - Thái Bình Dương bên ngoài Nhật Bản tăng 0,62% và có lúc chạm mức cao nhất hơn 5 tháng, trong bối cảnh nhà đầu tư lạc quan rằng chu kỳ thắt chặt tiền tệ của Mỹ có thể đã kết thúc.

Tại Nhật Bản, các nhà đầu tư và các nhà phân tích đã chia rẽ về khả năng điều chỉnh chính sách kiểm soát đường cong lợi suất (YCC) của BOJ vào cuối cuộc họp kéo dài hai ngày vào thứ Sáu.

Đó là khi mùa báo cáo thu nhập trong nước cũng tăng tốc, với hơn 200 công ty báo cáo kết quả kinh doanh vào ngày mai, so với khoảng 90 công ty vào hôm nay, Đỉnh điểm là vào ngày 10/8, khi 857 công ty công bố kết quả.

Chứng khoán Trung Quốc giảm nhẹ, sau khi lợi nhuận công nghiệp tiếp tục kéo dài chuỗi giảm tốc sang tháng thứ 6.

Đóng cửa, Shanghai Composite giảm 0,20% xuống 3.216,67 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 0,12% xuống 3.902,35 điểm.

Lợi nhuận công nghiệp của Trung Quốc tiếp tục giảm 16,8% từ đầu năm đến nay theo sau mức giảm lợi nhuận 18,8% trong tháng 1 đến tháng 5. Chỉ riêng trong tháng 6, lợi nhuận công nghiệp đã giảm 8,3% so với một năm trước đó, theo dữ liệu từ Cục Thống kê Quốc gia (NBS) hôm thứ Năm.

Chứng khoán Hồng Kông tăng, dẫn đầu là cổ phiếu công nghệ, sau khi chính quyền địa phương tăng lãi suất cơ bản theo chân Fed.

Đóng cửa, Hang Seng-Index tăng 1,41% lên 19.639,11 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 1,86% lên 6.670,68 điểm.

Cơ quan Tiền tệ Hong Kong (HKMA) đã tăng lãi suất cơ bản thêm 0,25% lên 5,75%, mức cao nhất trong 16 năm, vài giờ sau khi Fed đưa ra mức tăng lãi suất tương tự.

Chỉ số công nghệ tăng 2,5% với Alibaba Group tăng 0,9%, Meituan tăng 0,7% và JD.com tăng 0,5%, NetEase tăng 0,7% và Trip.com tăng 1,1%.

Đáng chú ý khác là cổ phiếu Xpeng đã tăng hơn 33%, đạt mức cao nhất trong 11 tháng, sau thông báo rằng nhà sản xuất xe điện Trung Quốc và Volkswagen sẽ tham gia hợp tác chiến lược.

Chứng khoán Hàn Quốc nhích lên, khi các nhà sản xuất chip nặng ký tăng điểm sau quyết định gia hạn cắt giảm sản lượng của Samsung Electronics.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI tăng 11,45 điểm, tương đương 0,44% lên 2.603,81 điểm.

Samsung Electronics tăng 2,72%, sau khi công ty cho biết điều tồi tệ nhất đã qua đối với thị trường chip nhớ toàn cầu, mặc dù báo cáo hoạt động kinh doanh chip thua lỗ.

Trong số các cổ phiếu lớn khác, Naver Search và Kakao messenger tăng lần lượt 6,98% và 5,86%, trong khi Samsung Biologics tăng 8,8% nhờ lợi nhuận quý II tăng gần 50%.

Kết thúc phiên 27/7: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 222,82 điểm (+0,68%), lên 32.891,16 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 6,36 điểm (-0,20%), xuống 3.216,67 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 273,97 điểm (+1,41%), lên 19.639,11 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc tăng 11,45 điểm (+0,45%), lên 2.603,81 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Kích cầu tín dụng

Mặt bằng lãi suất huy động giảm sâu, hạn mức tăng trưởng (room) tín dụng vừa được nới, lãi suất điều hành có thể giảm thêm trong quý III/2023 là các yếu tố kỳ vọng giúp ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất cho vay, khơi dòng chảy vốn..>> Chi tiết

- Thị trường trái phiếu doanh nghiệp hồi phục chậm, nhưng đi vào chất

Tuần qua, hệ thống giao dịch trái phiếu riêng lẻ chính thức vận hành mang đến nhiều hy vọng cho nhà đầu tư, nhưng giá trị và khối lượng giao dịch 3 phiên đầu tiên khá thấp..>> Chi tiết

- Nhận diện cơ hội sóng ngành nửa cuối năm

Đà tăng của thị trường chứng khoán vừa qua nhờ dòng tiền dẫn dắt nhiều hơn là phản ánh kết quả kinh doanh của doanh nghiệp, khiến nhiều cổ phiếu đang ở mức định giá khá đắt. Thị trường nửa cuối năm khó kiếm lời lớn như nửa đầu năm, nhưng vẫn có những nhóm ngành dẫn sóng tăng..>> Chi tiết

- Ma trận đường đi dòng tiền trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ - Bài 2: Tiền tỷ trái phiếu Bông Sen, Quang Thuận đang ở đâu?

Hàng ngàn trái chủ trái phiếu Tân Thành Long An, Vạn Trường Phát, Quang Thuận, Bông Sen… đang khắc khoải lo đồng tiền xương máu tích cóp mất đi. Hàng chục ngàn tỷ đồng trái phiếu của các khổ chủ có lộ trình ra sao, đang ở đâu và được sử dụng thế nào?..>> Chi tiết

- Giá quặng sắt có thể suy yếu trở lại khi kỳ vọng về các gói kích thích lớn giảm dần

Đà phục hồi của quặng sắt trong vài tháng qua đang có xu hướng ngày càng suy yếu khi kỳ vọng các gói kích thích lớn về cơ sở hạ tầng mà Trung Quốc từng triển khai đang mờ dần..>> Chi tiết

Thạch Bắc tổng hợp

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/thi-truong-tai-chinh-24h-chung-khoan-nua-cuoi-nam-kho-kiem-loi-lon-nhu-nua-dau-nam-post326653.html