Thị trường ô tô nhìn từ một kỳ triển lãm

Nhìn từ một cuộc triển lãm Vietnam Motor Show (VMS) 2017, được cho là lớn nhất trong năm, sẽ thấy khá rõ về một thị trường ô tô Việt Nam đang có nhiều bấp bênh khi lượng xe giảm do tâm lý mua xe đang bị tác động mạnh; chính sách đối với sản xuất, lắp ráp và kinh doanh ô tô chưa đi đến hồi “chốt”; và quan trọng hơn là thuế NK ô tô trong khu vực xuống 0% chỉ trong một thời gian ngắn nữa.

Toyota Việt Nam chính thức tham gia phân khúc xe cỡ nhỏ được dự báo là sẽ sôi động trong thời gian tới. Ảnh: Nguyễn hà.

Bất ngờ những mẫu xe “lạ”, dòng xe cỡ nhỏ

Sau nhiều năm tổ chức, VMS 2017 có lẽ là kỳ triển lãm có nhiều điểm “đặc biệt” nhất tại thị trường ô tô Việt Nam. Thay vì tổ chức vào tháng 10 như thông lệ hàng năm, VMS 2017 được “đẩy” sớm lên 2 tháng. Ngoài lý do tránh thời điểm trùng lặp với triển lãm ô tô của các nhà NK, thì việc đẩy thời gian sớm hơn của đơn vị tổ chức (Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam-VAMA) được cho là nhằm kích cầu thị trường khi hầu hết hãng xe đều đang tiêu thụ sản phẩm chậm, thậm chí có hãng báo lỗ.

Đây cũng là kỳ triển lãm mà các hãng không quá chú trọng đến “bày” và “khoe” sản phẩm. Các mẫu xe mang đến VMS 2017 thể hiện rõ định hướng sản phẩm của các hãng cũng như xu thế tiêu dùng của thị trường.

Honda Việt Nam “tung” ra mẫu xe khá lạ với thị trường Việt Nam, mẫu hatchback có tên gọi Jazz. Toyota Việt Nam cũng mang về thị trường Việt Nam chiếc hatchback có tên gọi Wigo. Một hãng xe đến từ Nhật Bản khác, Suzuki Việt Nam, cũng lần đầu tiên giới thiệu xe nhỏ Celerio sử dụng động cơ 3 xi-lanh, dung tích chỉ 1.0 lít.

Đây đều là các mẫu xe nhỏ, được NK nguyên chiếc, nằm cùng phân khúc với Kia Morning, Hyundai Grand i10 hay Chevrolet Spark...

Lần đầu tiên cả Toyota và Honda cùng rủ nhau đặt chân vào phân khúc compact hạng A tại thị trường Việt Nam. Thực tế, các dòng xe cỡ nhỏ không phải là mới, đây vốn đang là “mỏ vàng” để nhiều hãng xe phổ thông khai thác, đặc biệt là 2 thương hiệu đến từ Hàn Quốc là Kia và Hyundai. Theo các chuyên gia, phân khúc compact hạng A sẽ tăng trưởng vượt bậc khi thuế nhập khẩu từ ASEAN về 0%, bởi lợi thế về giá và đón đúng nhu cầu sở hữu chiếc ô tô đầu tiên của các khách hàng trẻ tại Việt Nam.

Không chỉ giá hợp lý, nhỏ gọn dễ di chuyển trong nội đô, Toyota Wigo, Honda Jazz và Suzuki Celerio sẽ tạo nên một cuộc cạnh tranh khốc liệt ở phân khúc xe cỡ nhỏ khi các mẫu xe này đều được trang bị nhiều công nghệ mới, đi đúng dòng sản phẩm mà Chính phủ khuyến khích sử dụng.

Ở phân khúc cao hơn một chút là sự xuất hiện của Toytoa Avanza. Mẫu xe MPV này có 7 chỗ ngồi nhưng kích thước nhỏ hơn Innova và động cơ cũng chỉ có dung tích 1.5 lít. Đây chính là một đại diện cho dòng xe chiến lược mà các chuyên gia đã đề cập trước đây khi đạt 2 tiêu chí là chở được nhiều hành khách và dung tích động cơ nhỏ.

Một xu thế tiêu dùng nữa cũng dễ nhìn thấy từ triển lãm này đó là các mẫu xe được trang bị công nghệ tiên tiến, tiết kiệm nhiên liệu, xe “xanh”. Và đặc biệt đây cũng đều là những mẫu xe sẽ được NK nguyên chiếc từ khu vực, với lợi thế thuế NK giảm như Chevrolet Việt Nam giới thiệu mẫu SUV tầm trung Trailblazer và mẫu xe điện thời thượng Bolt EV. Toyota Việt Nam mang đến mẫu MPV cỡ lớn Alphard. Isuzu Việt Nam với mẫu MotorHome và gian hàng Mitsubishi có sự hiện diện của mẫu xe điện XM concept. Điển hình cho xu thế xe được trang bị các công nghệ tiên tiến, động cơ xanh thân thiện với môi trường là dòng xe cao cấp trang bị động cơ hybrid LS500h của Lexus Việt Nam.

Phấp phỏng chờ chính sách

Tâm lý chờ đợi có thể thấy không chỉ từ khách hàng, mà còn đến từ các hãng sản xuất kinh doanh ô tô. Tâm lý này cũng được thể hiện rõ từ cuộc triển lãm năm nay.

Được gọi là triển lãm ô tô lớn nhất trong năm, nhưng năm nay, VMS chỉ có 12 hãng xe tham dự, đầu tư của các hãng cũng kém hoành tráng, nếu không muốn nói khá sơ sài, không nhiều mẫu xe mới. Toàn bộ khu triển lãm chỉ có 70 mẫu xe, trong đó phần lớn là xe cũ, chỉ xuất hiện chưa tới 10 mẫu xe hoàn toàn mới.

7 tháng đầu năm, có thể nói hầu hết các nhà sản xuất, kinh doanh ô tô tại Việt Nam đều đang rơi vào cảnh tiêu thụ sản phẩm khó khăn, lợi nhuận giảm mạnh. Không chỉ vậy 7 tháng qua, các nhà sản xuất, kinh doanh cũng đều đang ở thế phấp phỏng “chờ đợi” những quyết sách cuối cùng của chính sách ô tô nhằm đón đầu mốc quan trọng 2018 - thuế NK ô tô trong khu vực về 0%.

Quan trọng nhất phải kể đến chính sách liên quan đến điều kiện sản xuất, lắp ráp và kinh doanh ô tô nhập khẩu. Nghị định này lẽ ra phải được ban hành và có hiệu lực từ ngày 1/7/2017, nhưng đến nay, sắp nửa tháng 8 vẫn chưa được “chốt”.

Điều này khiến các doanh nghiệp gặp không ít khó khăn trong việc lên kế hoạch sản xuất, kinh doanh, bởi thực tế trong lĩnh vực này các doanh nghiệp phải đặt hàng trước 6 tháng. Có thể đây là lý do khiến tại VMS 2017, hầu hết các hãng đều tập trung giới thiệu sản phẩm nguyên chiếc được nhập khẩu từ các nước trong khu vực ASEAN mà không đề cập gì đến sản phẩm cũng như kế hoạch sản xuất trong nước.

Như đã nói, các mẫu xe phân khúc nhỏ được giới thiệu tại VMS 2017 đều là sản phẩm NK nguyên chiếc, cạnh tranh trực tiếp đếnvới các mẫu xe đang được lắp ráp tại Việt Nam như Hyundai Grand i10, Kia Morning… Trong khi ô tô sản xuất tại Việt Nam vẫn chưa khắc phục được điểm yếu là giá bán đắt, sản lượng thấp và chưa có chính sách hỗ trợ rõ ràng cho thị trường ô tô trong nước. Các yếu tố này báo hiệu trước một cuộc cạnh tranh khốc liệt đến từ phân khúc xe cỡ nhỏ giữa xe NK và xe sản xuất trong nước.

Giá ô tô năm 2018 - không ai dám chắc

Cơn lốc giảm giá ô tô tại Việt Nam vẫn chưa dừng, tâm lý chờ đợi của người tiêu dùng vẫn chưa được giải tỏa khi không ai dám chắc giá ô tô tại thời điểm 2018 sẽ thế nào.

Thuế nhập khẩu từ ASEAN về 0% là cơ sở để giảm giá xe (từ 30% thuế NK giảm xuống 0%, ước tính giá xe giảm khoảng 23%), nhưng bên cạnh đó, nhiều chính sách quan trọng tác động tới giá xe như thuế TTĐB, lệ phí trước bạ đang dự kiến sẽ có thay đổi.

Đơn cử như Bộ Công Thương đang có đề xuất miễn thuế TTĐB với phần giá trị tạo ra trong nước của mỗi mẫu xe. Đề xuất này, nếu được thông qua sẽ làm giá xe lắp ráp trong nước giảm, giá xe NK tăng. Hàm lượng nội địa càng cao, thuế nộp càng ít, giá xe càng giảm.

VAMA lại có đề xuất giảm thuế linh kiện, hỗ trợ các nhà đầu từ sản xuất trong giai đoạn hội nhập. Và Bộ Tài chính cũng đã có không ít cuộc họp bàn về vấn đề này. Mặc dù đến thời điểm hiện nay Bộ này vẫn chưa hé lộ quyết định cuối cùng nhưng theo một chuyên gia trong ngành thì “sẽ giảm” chỉ là mức giảm bao nhiêu cho hài hòa, hợp lý mà thôi. Dù là mức giảm bao nhiêu thì việc giảm thuế linh kiện chắc chắn cũng sẽ tác động đến giá bán xe, tạo sự chênh lệch giữa xe NK và sản xuất trong nước.

Ngoài thuế, lệ phí trước bạ tuy không ảnh hưởng đến giá công bố của các hãng, nhưng cũng tác động tới tổng số chi phí mà khách hàng phải bỏ ra khi sở hữu xe. Theo Nghị định 140/2016 về phí trước bạ áp dụng từ 1/1/2017 thì từ năm 2018, các địa phương có thể tăng mức phí trước bạ từ 10%-12% như hiện nay lên mức 15%. Các thành phố lớn, vốn đang “khổ” vì nạn tắc đường, sẽ tính tới giải pháp này để hạn chế xe tham gia lưu thông.

Chính sách đối với dòng xe bán tải, dòng xe “thời thượng” hiện nay, vốn đang được hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu (5%), TTĐB (15%-25%), trước bạ (2%), dự kiến cũng sẽ thay đổi khi cơ quan quản lý đang đề xuất tăng thuế NK (30%), thuế TTĐB (40%) và lệ phí trước bạ (10%). Nếu đề xuất được chấp thuận, giá dòng xe này chắc chắn sẽ tăng mạnh.

Chưa nói Chính phủ còn có thể sử dụng nhiều loại phí khác để đạt được mục tiêu quản lý của mình nhằm hỗ trợ sản xuất trong nước, hạn chế NK, giảm nhập siêu, hạn chế phương tiện tham gia giao thông ở các thành phố lớn… Tất cả, nếu được áp dụng, đều sẽ tác động tới chi phí sở hữu và sử dụng ô tô tại Việt Nam.

Chính vì vậy, mua ô tô vào thời điểm giá giảm sâu như hiện nay hay chờ đến 2018 vẫn là câu hỏi khó trả lời!

Nguyễn Hà

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/thi-truong-o-to-nhin-tu-mot-ky-trien-lam.aspx