Thị trường Nhật đang chuộng thực phẩm Việt Nam

SGTT.VN - Ông Kohei Shimizu, giám đốc công ty AIC cho biết, nhập khẩu thực phẩm của Nhật tăng liên tục vì nhu cầu tăng nhưng trong nước không thể đáp ứng đủ.

Việt Nam xếp thứ 13 trong hơn 30 nước mà Nhật có nhập khẩu thực phẩm, xếp thứ ba trong các nước châu Á tiêu thụ nhiều thực phẩm tại Nhật, sau Trung Quốc và Thái Lan. Việt Nam đã xuất khẩu thực phẩm sang Nhật trên 1 tỉ USD/năm, ba nhóm sản phẩm xuất nhiều nhất là tôm, sản phẩm chế biến từ tôm, càphê, kế đến là rau quả. Cải bó xôi phải chế biến tinh trước khi đông lạnh xuất sang Nhật. Tập đoàn AEON có 7.400 cửa hàng (tiện lợi, chuyên doanh, dược phẩm…), đang xây dựng kế hoạch giao dịch lâu dài với các đối tác nước ngoài có nguồn cung cấp tốt nhất, trong đó có Việt Nam. Họ xem xét vận chuyển hàng đông lạnh, thấy cước phí một container 20 feet gửi từ TP.HCM đến Nhật tốn 1.000 USD, container 20 feet tốn 1.600 USD, thời gian mất 6 – 11 ngày là chấp nhận được. Hiện nay, AEON đang nhập từ Việt Nam tôm đông lạnh, tôm chiên, tôm lột vỏ, mực, râu bạch tuộc tẩm bột, bánh tráng, bánh phở khô, nước mắm, đồ ngọt… AEON đang khảo sát để đặt hàng rau Đà Lạt chế biến đông lạnh, trước tiên là rau bó xôi, ớt chuông. Theo ông Kohei Shimizu, có hai cách lựa chọn để trở thành nhà nhập khẩu vào Nhật. Cách thứ nhất là gia công cho nhãn hiệu riêng của doanh nghiệp Nhật Bản như AEON, có ưu điểm là sử dụng uy tín thương hiệu của doanh nghiệp Nhật, số lượng đặt hàng lớn, được giám sát chất lượng để tạo thành nếp trong quy trình sản xuất, không cần làm công tác quảng bá tiếp thị, nhưng khách hàng ở Nhật không biết đến nhãn hiệu của nhà sản xuất. Cách thứ hai, doanh nghiệp Việt Nam cung cấp hàng sang Nhật bằng thương hiệu của mình, khách hàng Nhật sẽ biết, nhưng phải lượng sức vì chi phí tiếp thị khá lớn. Theo ông nên bắt đầu bằng việc làm gia công cho nhãn hiệu riêng của doanh nghiệp Nhật để hiểu biết luật lệ và thị hiếu người tiêu dùng Nhật, nhưng cũng phải có phương pháp phát triển sản phẩm. AEON mong muốn doanh nghiệp Việt Nam phát triển hàng hóa từ nhu cầu người tiêu dùng Nhật mà AEON cung cấp thông tin, khi sản xuất phải bảo đảm an toàn, đúng chất lượng và định lượng, cung cấp sản phẩm ổn định, có bao bì, cách đóng gói phù hợp. Với một số loại rau quả, thủy sản, phải chế biến tinh trước khi đông lạnh. Các mặt hàng này hiện đang được tiêu thụ mạnh ở Nhật, doanh nghiệp Việt Nam nên chú ý phát triển. Hiện mì ăn liền, càphê hòa tan ở Nhật hầu hết dùng nguyên liệu của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam. AEON đang khảo sát thêm các mặt hàng càphê, trà, mật ong, nước xốt cà chua từ Việt Nam để đóng gói. Trước đây, người Nhật thích ăn mì nhưng hiện nay thích ăn phở hơn vì cho rằng lượng calories thấp, nên phở ăn liền và thực phẩm từ gạo sẽ có nhu cầu cao trong thời gian tới.

Nguồn SGTT: http://sgtt.vn/kinh-te/thi-truong/130099/thi-truong-nhat-dang-chuong-thuc-pham-viet-nam.html