Thị trường M&A 2024: Thách thức đan xen cơ hội

Năm 2024, thị trường M&A được dự báo gặp nhiều thách thức trước bối cảnh nền kinh tế chung còn nhiều bất ổn, tuy nhiên vẫn sẽ có những cơ hội lớn đến từ tiêu dùng, tài chính và bất động sản.

M&A 2024 đối diện thách thức

Trong Talkshow Đối thoại với chủ đề "Tâm điểm của thị trường M&A Việt Nam" ngày 15/11 do Báo Đầu tư thực hiện, bà Bình Lê Vandekerckove, Tổng giám đốc, Trưởng Bộ phận M&A Công ty Tư vấn thương vụ Asart chia sẻ, năm 2024, thị trường M&A Việt Nam vẫn sẽ chịu áp lực và ảnh hưởng từ tình hình vĩ mô kinh tế chung, cũng như tình hình M&A chung của thế giới.

Thứ nhất, để giảm khả năng lạm phát, Mỹ đang cố gắng đẩy lãi suất lên mức cao, từ 0% lên gần chạm mốc 5,5%. Với lãi suất 0% trước đây, nhà đầu tư có sự lựa chọn khác là đến Việt Nam với lãi suất luôn ở mức 6 – 8%. Nhưng hiện nay, Mỹ đã nâng lãi suất đã lên đến 5,5%, trong khi Việt Nam đang bị áp lực ở nhiều khía cạnh như lãi suất, lợi nhuận đầu tư, làm cho nhà đầu tư bị chậm lại khi quyết định: tiếp tục đầu tư vào Việt Nam hay chờ đợi? Sang đến năm 2024, Việt Nam vẫn sẽ phải chịu áp lực này.

Thứ hai, tuy Covid-19 đã qua, nhưng các hoạt động chung cho một số doanh nghiệp phần nào còn bị ảnh hưởng tồn đọng đến bây giờ. Trong Covid-19, có một số doanh nghiệp phát triển doanh thu, lợi nhuận tốt do hoạt động trong những lĩnh vực đáp ứng nhu cầu bức thiết tại thời điểm đó, nhưng có những doanh nghiệp ngược lại do sự ngăn cách giữa các quốc gia với nhau, như các hoạt động du lịch, văn hóa bị cản trở khiến kết quả kinh doanh giảm sút mạnh.

“Dù mong muốn được đầu tư của các doanh nghiệp nhìn về dài hạn vẫn còn, nhưng ở thời điểm hiện tại, để hai bên có thể ngồi với nhau cùng đưa ra quan điểm định giá và thống nhất một mức giá phù hợp thì đây là thời điểm rất nhạy cảm”, bà Bình Lê cho biết.

Thứ ba là tình hình địa chính trị đang tương đối bất ổn trên toàn cầu. Chúng ta không thể biết hoạt động kết nối về kinh tế, cũng như chính trị giữa các quốc gia sẽ ra sao. Bà Bình cho rằng trong một thị trường có nhiều bất ổn thì tâm lý chung sẽ là không làm gì cả và mọi người sẽ chờ đợi một thời điểm có thể tốt hơn.

Dưới góc độ của chủ đầu tư, Khanh Nguyễn, Giám đốc Bộ phận phát triển kinh doanh Công ty cổ phần Gamuda Land Việt Nam đã nói đến tiến độ phê duyệt dự án và thách thức trong việc phát triển quỹ đất của Tập đoàn.

Trong vài năm qua, đặc biệt là năm 2023, một số dự án đã được phê duyệt mang tính chất trọng yếu để tham gia vào thị trường trong 1 - 2 năm tới. Gamuda Land kỳ vọng, tới đây, nhà nước sẽ tiếp tục tháo gỡ vướng mắc để các doanh nghiệp, chủ đầu tư Việt Nam có dự án hoàn thiện về pháp lý để tham gia thị trường và tránh xảy ra tình trạng thiếu nguồn cung vào năm 2024 - 2025, khiến người mua nhà ở thực không thể tiếp cận với chủ đầu tư họ mong muốn. Bên cạnh đó, để phát triển quỹ đất thông qua M&A thì Tập đoàn cũng có thể nhận được quỹ đất đầy đủ pháp lý đúng theo tiến độ ban đầu bên bán đưa ra.

Về phía bên bán, thách thức sẽ đến từ các nhà đầu tư ngoại, có thể là nhà đầu tư đã mua quỹ đất từ 5 - 10 năm trước nhưng không có kế hoạch phát triển, hoặc những quỹ đầu tư chiến lược mua từ 5 - 7 năm trước và sắp đến thời điểm thoái vốn. Đối với các chủ đầu tư khối nội, bà Khanh mong rằng thách thức về khoảng cách giá sẽ dần thu hẹp để giao dịch được thành công.

Đan xen những cơ hội

Bên cạnh những thách thức hiện hữu, bà Bình Lê vẫn đánh giá Việt Nam đang là điểm sáng trong khu vực khi sự dịch chuyển từ các hoạt động sản xuất, thương mại, kinh tế từ Trung Quốc dần chuyển sang Việt Nam 3 năm trở lại đây. Thậm chí, các tập đoàn lớn còn có những những chiến lược dài từ 10 – 20 năm trước, trước khi thị trường chung nhận ra được điều đó.

Việt Nam là điểm đến ổn định trong một bức tranh chung khá bất ổn nên chúng ta đang thu hút nhiều nhà đầu tư từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, châu Âu... Đồng thời, các hoạt động kinh tế của Việt Nam, cũng như hoạt động mua bán sáp nhập đang được đẩy lên một tầm cao mới. Ở góc độ nhà đầu tư, Việt Nam ổn định hơn và các mối quan hệ với các quốc gia khác cũng sâu rộng hơn.

“Đây là những điểm sáng đã, đang và sẽ tiếp tục thu hút nhà đầu tư đến Việt Nam. Quan trọng là chúng ta có những chính sách, có những cuộc đối thoại, trao đổi cởi mở chia sẻ để các nhà đầu tư ngoại cũng như nhà đầu tư trong nước hiểu các chính sách của chúng ta là để phục vụ, hỗ trợ họ và để cùng nhau phát triển”, đại diện Asart chia sẻ.

Trong khi đó, bà Khanh Nguyễn cho rằng những tiền đề về vĩ mô, phân tích cơ bản là công cụ rất mạnh để thu hút thị trường của Việt Nam và Gamuda Land sẽ tiếp tục quan tâm đến đầu tư hạ tầng nước ta.

Trong năm 2023, Nhà nước đã có những chính sách, chương trình đẩy mạnh đầu tư công. Gamuda Land kỳ vọng, tuyến Metro số 1 TP.HCM sẽ đi vào hoạt động sau 2 - 3 năm điều chỉnh kế hoạch; tương tự, tuyến đường vành đai 3 cũng là tuyến đường trọng yếu để kết nối TP.HCM với các tỉnh, thành phố vệ tinh. Gamuda Land sẽ nhìn vào hành động của Nhà nước và đi theo việc phát triển bất động sản nhà ở tại các khu vực mà đầu tư hạ tầng đang là trọng yếu cùng với dân số tăng nhanh, do đó, các quỹ đất tại TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai sẽ tiếp tục được đẩy mạnh.

Ngoài ra, vấn đề lãi suất cũng đang được Nhà nước điều tiết thành công. Cách đây 6 tháng, lãi suất tiền gửi khá cao và tâm lý người dân là để tiền trong ngân hàng, nên với 4 lần giảm lãi suất trong năm 2023, lãi suất tiền gửi hiện tại đang về mức 5,5 – 6,5% và không còn đạt được mức sinh lời kỳ vọng của những người chuyên dùng dòng vốn để đầu tư, nên nhà đầu tư đang tìm kiếm cơ hội đầu tư từ bất động sản hay chứng khoán.

Dưới góc độ chủ đầu tư, Gamuda Land muốn tìm những người mua cho mục đích để ở hoặc đầu tư nên Tập đoàn nhận thấy năm 2024 là cơ hội tốt để nhà đầu tư cá nhân đầu tư vào bất động sản và một trong những yếu tố rất thuận lợi là chính sách hỗ trợ của các chủ đầu tư.

Thực tế, để “đóng gói” được sản phẩm và đưa đến tay người mua đòi hòi cần công cụ tài chính để hỗ trợ như ân hạn về lãi suất, hỗ trợ không thu gốc… Hiện tại, Gamuda Land đã nắm bắt được nhu cầu của người mua nhà, nên với chính sách thanh toán, Tập đoàn đã thiết kế thời gian dài hơn.

Gamuda Land lạc quan đánh giá bất động sản sẽ là ngành có những tiềm năng về hoạt động M&A năm 2024. Ngành tài chính ngân hàng cũng là một điểm sáng khi năm 2023 đã có một số thương vụ lớn của các tập đoàn tài chính ngân hàng. Ngoài ra, hiện tại có xu hướng các tập đoàn tài chính vào Việt Nam để tìm những bất động sản mang tính chất đầu tư ngắn hạn hoặc dài hạn và kỳ vọng vào tỷ suất sinh lợi.

Còn Asart nhận định top 5 ngành tiếp tục hấp dẫn và thu hút nhà đầu tư: tiêu dùng, tài chính (ngân hàng, bảo hiểm), bất động sản, logistics và dịch vụ y tế.

M&A Việt Nam 2023

Diễn đàn M&A Việt Nam lần thứ 15 - năm 2023 do Báo Đầu tư tổ chức dưới sự chỉ đạo và bảo trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ diễn ra tại Trung tâm Hội nghị GEM (TP.HCM) vào thứ Ba (ngày 28/11/2023).

Với chủ đề “Chung tay cùng thịnh vượng”, Diễn đàn dự kiến thu hút hơn 500 khách tham dự và cùng nhau thảo luận chuyên sâu các cơ hội M&A tại Việt Nam, cũng như chia sẻ kinh nghiệm từ các doanh nghiệp có chiến lược M&A tiêu biểu.

Ngoài Hội thảo chính với các diễn giả hàng đầu Việt Nam và quốc tế, để đánh dấu cột mốc 15 năm ra đời, Diễn đàn năm nay sẽ vinh danh các doanh nghiệp và nhà tư vấn M&A tiêu biểu và công bố Báo cáo chuyên sâu về thị trường M&A tại Việt Nam giai đoạn 2009 - 2023.

Một điểm nhấn khác là tham dự Diễn đàn năm nay sẽ có cơ hội gặp gỡ và trao đổi với các doanh nghiệp đến từ Singapore thông qua chương trình VBEX Connect Business Matching.

Để đăng ký tham dự Diễn đàn, vui lòng liên hệ: Ms. Hoàng Anh - 0373 50 74 55

Kiều Trang

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/thi-truong-ma-2024-thach-thuc-dan-xen-co-hoi-post334001.html