Thị trường lao động phía Nam: Doanh nghiệp lại “khát” lao động

Nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai... lại tiếp tục rầm rộ rao tuyển lao động để hoàn thành đơn hàng cuối năm theo hợp đồng với những hỗ trợ hấp dẫn nhưng người lao động vẫn thờ ơ.

Nhiều DN rao tuyển dụng lao động Ảnh: S. XANH Hạ chuẩn tuyển dụng, tăng hỗ trợ về đời sống... TP.Hồ Chí Minh hiện có 13 khu công nghiệp- khu chế xuất (KCN-KCX) với hơn 1.000 DN hoạt động đa dạng ở nhiều ngành nghề, cùng lượng lao động khổng lồ trên 250.000 người, trong đó có đến 70% là lao động nhập cư. Nếu như trước đây, nhiều DN tuyển công nhân với những điều kiện khá “cứng” như: có tay nghề, trình độ lớp 9 trở lên, tuổi từ 18-25 tuy nhiên đến thời điểm này mà cứ giữ mức chuẩn trên thì e rằng xí nghiệp sẽ vắng bóng công nhân vì vậy các DN thi nhau hạ “điểm chuẩn”. Điển hình, thông báo tuyển dụng của Công ty Freetrend (KCX Linh Trung 1- Thủ Đức), cần tuyển gấp 2.000 lao động phổ thông với điều kiện tuyển dụng rất “mềm”: trình độ văn hóa biết đọc biết viết, tuổi từ 18 – 36 tuổi, nộp hồ sơ phỏng vấn ngay nếu hồ sơ chưa đầy đủ chấp nhận cho bổ sung vào ngày nhận việc và có hỗ trợ giới thiệu tìm nhà trọ. Chị Thanh Thảo, nhân viên tuyển dụng của Công ty Freetrend cho biết, do Công ty có nhiều đơn hàng phải giao dịp cuối năm nên cần tuyển công nhân với số lượng lớn. Trong mấy ngày qua, chúng tôi tuyển dụng khắp nơi cũng chỉ tuyển được hơn 20 bộ hồ sơ. Thậm chí, Công ty Niseei electric Việt Nam còn chấp nhận kí hợp đồng dài hạn, thêm 12 ngày nghỉ có hưởng lương, trả cả lương tháng 13 và lo phòng trọ, cho đi du lịch... Ông Nguyễn Tấn Định, Phó Trưởng Ban Quản lý các KCN-KCX TP. Hồ Chí Minh (Hepza) cho biết, nhu cầu lao động của các DN hiện rất lớn. Qua khảo sát nhu cầu lao động năm 2010, Hepza đã nhận được thông tin từ hơn 300 DN đang thiếu trầm trọng lao động. Hiện, các DN thuộc các KCN-KCX TP. Hồ Chí Minh vẫn còn thiếu khoảng 37.000 lao động từ nay đến cuối năm, chủ yếu thuộc 3 lĩnh vực: may mặc, da giày và chế biến gỗ. ... nhưng không dễ tuyển Cũng trong tình trạng thiếu hụt lao động như các tỉnh lân cận hiện Đồng Nai đang thiếu khoảng 30 ngàn lao động phổ thông. Ông Đào Ngọc Hoàng, Trưởng phòng Lao động, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai cho biết, do nhiều công ty, xí nghiệp mọc lên vì vậy lao động địa phương không thể đáp ứng nổi. Để có thể đáp ứng nguồn lao động, tỉnh đã hỗ trợ DN bằng cách ký kết hợp tác tìm nguồn lao động với hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận. Theo đó, chính quyền sở tại sẽ thông tin về tận huyện, xã hỗ trợ tìm lao động cho DN. Khi có lao động, DN trực tiếp đến đón, hỗ trợ nơi ở để họ yên tâm làm việc. Ngoài ra, sở còn tổ chức nhiều đoàn DN về các tỉnh miền Tây Nam Bộ tìm lao động. Vừa qua, Ban Quản lý các KCX- KCN TP. Hồ Chí Minh đã tiến hành thanh tra về lao động, kết quả cho thấy các DN không vi phạm quy định về lương tối thiểu nhưng mức lương này lạc hậu so với thực tế quá nhiều. Mức lương trong khối doanh nghiệp FDI theo quy định của Chính phủ là 1.340.000 đồng/tháng trong khi đó các doanh nghiệp cố gắng nhích lên 1,4 - 1,5 triệu đồng cộng phụ cấp: xăng xe, nuôi con nhỏ, nhà ở... Vậy mà người lao động nhập cư vẫn chuyển dịch công việc. Tình trạng thiếu lao động diễn ra trên diện rộng, chủ yếu do người lao động thấy mức tiền lương danh nghĩa vẫn chưa bù đắp được mức tăng giá sinh hoạt. Mặt khác cho thấy, tác động của lạm phát lên đời sống của họ là khá cao nhất là đối với lao động nhập cư vì vậy khó khăn về lao động sẽ tiếp tục tái diễn. Theo ông Đặng Văn Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH dệt may Thắng Lợi (Thủ Đức), lao động nhập cư đa phần làm nghề nông không phải là công nhân công nghiệp theo đúng nghĩa nên ý thức kỷ luật lao động chưa cao, vì thế, họ thường “nhảy việc”. Sau khi được đào tạo, làm việc được vài tháng lại nghỉ việc. Vì vậy, để bù đắp cho việc thiếu lao động, hiện công ty phải đầu tư rất nhiều tiền để đầu tư máy móc, công nghệ hiện đại nhằm giảm lượng công nhân và tăng năng suất lao động. Muốn giải được bài toán thiếu hụt lao động phổ thông đa số DN phải tự thân cải thiện đời sống của người lao động. Thời gian qua, nhiều DN đã giữ chân lao động hiệu quả bằng một số biện pháp như phòng ăn có máy lạnh, nâng giá trị bữa ăn lên 15.000-17.000 đồng/bữa. Một số DN tự xây nhà lưu trú cho công nhân như Công ty Nissei (KCX-KCN Linh Trung- Thủ Đức)... THANH GIANG

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=17970&menu=1364&style=1