Thị trường lao động nhiều khởi sắc

Với sự phục hồi tích cực của các doanh nghiệp xuất khẩu đã tạo nên sự sôi động cho thị trường lao động hiện nay. Nhu cầu sử dụng lao động có xu hướng phân hóa theo từng ngành sản xuất, kinh doanh, tùy theo diễn biến của kinh tế trong và ngoài nước. Nhóm ngành có nhu cầu tuyển dụng lớn thuộc về ngành du lịch, dịch vụ…

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đang trên đà phục hồi.

Từng làm công nhân, nhưng nghỉ việc từ giữa năm 2022 do công ty gặp khó khăn, anh Đinh Huy Thành (huyện Nho Quan) chuyển sang đi học nghề. Đầu năm 2023, Thành lập gia đình, vợ lại sắp sinh nên cuộc sống kinh tế có nhiều khó khăn. Để có điều kiện chăm lo cho vợ sắp đến ngày sinh nở, Thành lại nộp đơn đi tìm việc tại phiên giao dịch việc làm được tổ chức vào đầu tháng 9 vừa qua. Ngay khi thấy nhu cầu tuyển dụng của công ty TNHH MC NexVina (KCN Phúc Sơn)- nơi bản thân đã từng gắn bó, Thành không ngần ngại xin cơ hội được phỏng vấn.

"Tôi đã từng làm việc ở bộ phận kiểm hàng, công ty TNHH MC NexVina, nhưng đã phải nghỉ việc vì công ty khó khăn trong tìm kiếm đơn hàng. Thật bất ngờ là chỉ sau một khoảng thời gian không dài, công ty đã có sự phục hồi mạnh mẽ và đã mở ra cơ hội việc làm cho người lao động. Vốn đã quen việc, vì vậy tôi sẽ xin được phỏng vấn để có cơ hội làm việc tại đây. Mọi chế độ đãi ngộ của công ty cũng khá ổn, tôi sẵn sàng gắn bó lâu dài với công ty"- anh Thành nói.

Đại diện công ty TNHH MC NexVina cho biết: Năm 2022 là một năm có nhiều khó khăn của công ty do thị trường quốc tế bị thu hẹp. Thiếu đơn hàng, nhiều lao động thuộc diện bị cắt giảm. Tuy nhiên, tình hình đã có nhiều khởi sắc khi bước vào năm 2023, đặc biệt là từ giữa năm 2023 tới nay, công ty đã phục hồi sản xuất, có nhu cầu tuyển dụng lao động với số lượng khá lớn để bù đắp lượng lao động thiếu hụt, đồng thời đáp ứng nhu cầu cho việc mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Trong phiên giao dịch việc làm do Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức, công ty TNHH MC NexVina đã mang tới đây hàng chục chỉ tiêu tuyển dụng lao động chất lượng cao như: Phiên dịch tiếng Hàn, Lập trình viên, Thiết kế công cụ về máy, Thiết kế mạch… và đặc biệt là 200 chỉ tiêu cho vị trí công nhân sản xuất với những yêu cầu không khắt khe. Tuy nhiên, việc tuyển dụng lao động cũng không hề dễ dàng. Sự phục hồi của nhiều ngành, nghề sản xuất đã tạo nên những khó khăn nhất định cho cuộc cạnh tranh về lao động.

Hiện nay, TNHH May Phoneix (KCN Tam Điệp) có gần 1 nghìn lao động. Mặc dù chưa hẳn đã qua giai đoạn khó khăn, song công ty cũng đã có nhiều nỗ lực nhằm gia tăng đơn hàng, đảm bảo việc làm cho người lao động với mức thu nhập từ 6-7 triệu đồng/tháng.

Chị Lê Thị Thu, Chủ tịch Công đoàn công ty cho biết: Số lượng hàng xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm 2022 khoảng trên 4,2 triệu sản phẩm. Nhưng sang 6 tháng đầu năm 2023, con số này chỉ trên 2,4 triệu sản phẩm, giảm 43,7% so với kỳ năm ngoái. Mặc dù lượng đơn hàng sụt giảm đáng kể, song công ty vẫn cố gắng thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm duy trì việc làm 8 tiếng/ngày cho người lao động.

Theo đó, công ty đã tiếp nhận tất cả các đơn hàng kể cả những đơn hàng không có lợi nhuận; Giảm thiểu tiết chế tất cả những chi phí không liên quan đến sản xuất hoặc lợi ích của người lao động.

Vì vậy, 100% người lao động được đảm bảo việc làm 8 tiếng/ngày. Thậm chí, trong quý 3/2023, công ty lên kế hoạch tuyển dụng thêm lao động để đáp ứng tiến độ cho các đơn hàng mới.

Du lịch, dịch vụ là lĩnh vực có nhu cầu tuyển dụng nhiều lao động hiện nay.

Sau vài tháng tạm dừng sản xuất, cho công nhân nghỉ việc vì không có đơn hàng thì hiện nay công ty TNHH may xuất khẩu Thiên Hà, xã Gia Hòa (huyện Gia Viễn) đã bắt đầu khôi phục sản xuất cho các đơn hàng mới. Tuy nhiên, việc sản xuất vẫn chưa thể thực hiện vì một nghịch lý… khó tìm được lao động.

Bà Phạm Thị Hà, Giám đốc Công ty TNHH may xuất khẩu Thiên Hà cho biết: Công ty đi vào hoạt động từ năm 2019, tạo việc làm cho gần 200 lao động địa phương. Thị trường xuất khẩu của công ty là Mỹ.

Trong những năm qua, mặc dù ảnh hưởng của COVID-19, song tình hình sản xuất, kinh doanh của công ty vẫn ổn định, cao điểm là xuất 250 nghìn sản phẩm/tháng, người lao động đạt mức lương từ 6-8 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, từ cuối năm 2022, việc sản xuất bắt đầu gặp khó khi các đơn hàng giảm mạnh, người lao động phải thực hiện giảm giờ làm.

Bước vào năm 2023, tình hình sản xuất thực sự khó khăn hơn, lượng sản phẩm xuất khẩu giảm tới 60% so với trước. Công ty đã phải cho toàn bộ công nhân tạm nghỉ việc vì không còn đơn hàng. Tuy nhiên, khi khó khăn tạm qua, đơn hàng trở lại thì người lao động đã tìm được việc làm mới hoặc chuyển đổi nghề. Không tuyển được lao động, công ty tiếp tục phải tạm dừng sản xuất.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó Chủ tịch LĐLĐ huyện Gia Viễn cho biết: Qua khảo sát từ đầu năm 2023 đối với những đơn vị, doanh nghiệp do LĐLĐ huyện quản lý, có khoảng 400 công nhân thuộc 3 Công ty may mặc là Công ty TNHH may xuất khẩu Gia Phú, Công ty TNHH may xuất khẩu Thiên Hà và Công ty TNHH may Trung Thành bị mất việc làm do doanh nghiệp không ký được đơn hàng. Trước tình hình đó, LĐLĐ huyện đã tăng cường phối hợp, kết nối, giới thiệu việc làm cho lao động đến những doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng thêm lao động.

Từ đầu năm 2023 tới nay, qua "kênh" của LĐLĐ huyện, đã có gần 300 lao động tìm được việc làm mới, những lao động còn lại có sự chuyển đổi công việc phù hợp. Vì vậy, việc tuyển dụng lao động trở lại của các doanh nghiệp khi phục hồi sản xuất cũng giảm bớt khó khăn hơn.

Hiện nay, toàn tỉnh có trên 6.200 doanh nghiệp đăng ký hoạt động với trên 170 nghìn lao động. Thời gian qua, bằng nhiều biện pháp chủ động thích ứng linh hoạt của doanh nghiệp và các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, của tỉnh, mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, song nhiều doanh nghiệp đang trên đà phục hồi sản xuất, kinh doanh. Thị trường lao động vì thế mà có nhiều khởi sắc.

Nhu cầu sử dụng lao động có xu hướng phân hóa theo từng ngành sản xuất, kinh doanh, tùy theo diễn biến của kinh tế trong và ngoài nước. Nhóm ngành có nhu cầu tuyển dụng lớn thuộc về ngành du lịch, dịch vụ. Nhóm ngành xuất khẩu vốn gặp khó khăn như may mặc, giày da… cũng đang có sự chuyển biến tích cực.

Từ đầu năm 2023 đến nay, toàn tỉnh ước tính giải quyết việc làm cho trên 14 nghìn lao động. Trong đó, hàng trăm lao động mất việc được tư vấn, giới thiệu việc làm mới. Có việc làm và thu nhập ổn định đã nâng cao chất lượng cuộc sống cho người lao động, góp phần quan trọng vào việc đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.

Bài, ảnh: Đào Hằng

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/thi-truong-lao-dong-nhieu-khoi-sac/d20230922102219673.htm