Thị trường khoa học công nghệ đang tắc ở đâu?

Ngay tại đô thị lớn nhất là TPHCM, thì cho đến trước năm 2012 thị trường “chính ngạch” trong lĩnh vực khoa học công nghệ vẫn là con số 0. Chỉ đến khi TP hình thành các sàn giao dịch, thì 4 năm qua mới có được khoảng 40 hợp đồng chuyển giao được ký kết với tổng trị giá vỏn vẹn chừng 50 tỷ đồng.

Sáng 23/12, tại Sở Khoa học Công nghệ (KHCN) TP.HCM đã diễn ra buổi tọa đàm về chủ đề “Thị trường KHCN và truyền thông”. Đến dự gồm có ông Nguyễn Khắc Thanh, Phó Giám đốc Sở KHCN; ông Bùi Văn, TBT FBNC; bà Lương Bích Ngọc, TBT Tạp chí Khám phá, cùng đông đảo đại diện các đơn vị trung gian, các nhà khoa học và giới truyền thông báo chí.

Theo nhiều đại biểu, công nghiệp hóa, hiện đại hóa là chủ trương đã có từ rất lâu năm, nhưng các khâu trung gian liên quan đến sản phẩm công nghệ của nước ta lại rất sơ khai và chậm phát triển. Sáng chế, phát kiến tương đối phong phú, hữu ích. Nhu cầu đổi mới sáng tạo trong hoạt động sản xuất kinh doanh cao. Tuy nhiên, “hạ tầng” kết nối giữa cung và cầu thì lại nghèo nàn và chưa định hình rõ ràng.

Ông Lương Tú Sơn, PGĐ Trung tâm Thông tin KHCN (Sở KHCN TP.HCM), đánh giá rằng đó là những kết quả rất nhỏ nhoi so với tiềm năng và nhu cầu thực tế. “Cả một TP lớn như vậy mà mỗi năm giá trị chuyển giao chỉ có 10 tỷ đồng là quá thấp. Ở đây có vấn đề ở khâu truyền thông”.

Ông Nguyễn Khắc Thanh, Phó Giám đốc Sở KHCN TPHCM khẳng định thị trường KHCN của Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng, 3 năm gần đây mới đi vào hoạt động ổn định. Những năm qua, Chính phủ đã có nhiều chính sách để thúc đẩy thị trường KHCN.

Tại TP.HCM, thị trường KHCN là 1 trong 5 thị trường nổi bật của TP, bên cạnh thị trường bất động sản, tiêu dùng... Điều này chứng tỏ rằng, dù là thị trường mới nổi, nhưng KHCN đóng vai trò rất lớn trong sự phát triển kinh tế - xã hội.

“Nếu nói về thị trường thì phải có hàng hóa. Vậy hàng hóa trên thị trường KHCN là gì? Ngoài công nghệ, còn có bên cung, bên cầu và tư vấn trung gian. Muốn phát triển, cần tác động vào tất cả các yếu tố này” - ông Thanh nói.

Để phát triển Thị trường KHCN, UBND TP.HCM đã có quyết định 4181 hỗ trợ DN nhỏ và vừa đổi mới sáng tạo, đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh.

Việc kích thích doanh nghiệp có nhu cầu về công nghệ sẽ thúc đẩy những sáng kiến. Vì chỉ phát triển nhu cầu, thì nguồn cung và các đơn vị trung gian mới biết cần làm gì.

Câu hỏi hôm nay, là làm thế nào để thúc đẩy truyền thống phát triển để thúc đẩy thị trường KHCN.

Nhà nước chỉ ban hành cơ chế chính sách, chứ không thể làm thay việc thúc đẩy thị trường.

Phải đưa được cơ chế chính sách mà nhà nước đã ban hành đến doanh nghiệp. Truyền thông cần giúp doanh nghiệp đưa những cơ chế, chính sách đến tận tay người dân.

“Phải có người yêu cầu, thì mới có người bán. Chúng tôi nghĩ cần phải tiếp cận với doanh nghiệp, biết họ cấn gì thì mới hỗ trợ được. Truyền thông cũng cần tiếp cận đối tượng cầu đó”, ông Thanh nói thêm.

Theo Phó Giám đốc Sở KHCN TPHCM, cần phải đặt ra câu hỏi tại sao tới bây giờ, theo khảo sát của Viện chiến lược đổi mới công nghệ, chỉ có 9,3% doanh nghiệp cần đổi mới công nghệ. Thời gian tới, trong quá trình hội nhập, nếu không đổi mới công nghệ, doanh nghiệp có thể thua ngay trên sân nhà.

Dưới góc nhìn báo chí, theo ông Đặng Vỹ, Thư ký Tòa soạn Tạp chí Nhà Quản Lý, nguyên nhân truyền thông mảng KHCN kém hấp dẫn là do các phóng viên, thường là phóng viê trẻ, rất ngại các mảng có chuyên môn sâu. “Nhiều năm qua, các phóng viên thực tập tại cơ quan tôi đều chọn những mảng không cần đòi hỏi kinh nghiệm. Họ rất sợ viết về vàng, chứng khoán, bóng đá.... KHCN thì lại càng ít. 50 người thì có 40 người xin làm mảng đời sống xã hội. Lý do ở đây, tôi cho rằng, đúng là không có kiến thức thì không viết tốt được. Viết 1 mảng khô khốc, phải hướng đến việc truyền tải thông tin 1 cách mềm mại, cho người đọc hiểu được, giúp họ biết được sản phẩm mang lại lợi ích gì cho cộng đồng.

Các nhà khoa học thì lại ít quan tâm đến truyền thông vì quan niệm rằng người sử dụng của mình ít, không cần truyền thông rộng rãi. Kinh phí nghiên cứu khoa học không lớn, thêm kinh phí truyền thông nữa chắc không ổn. Nhà khoa học chỉ nghiên cứu, cũng không hiểu truyền thông”, ông Đặng Vỹ phân tích.

Kết thúc tọa đàm, Phó Giám đốc Sở KHCN TP.HCM cam kết hỗ trợ để tổ chức thường xuyên các buổi hội thảo, tọa đàm, đối thoại giữa các bên liên quan để giải quyết những điểm còn tắc trong thị trường KHCN.

Quý Lâm

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://www.nguoitieudung.com.vn/thi-truong-khoa-hoc-cong-nghe-dang-tac-o-dau-d52082.html