Thị trường đen cung cấp lậu vũ khí cho phe chống chính quyền ở Syria

Trong thời gian qua, những người giấu mặt sống lưu vong ở nước ngoài thường xuyên cung cấp tiền bạc mua vũ khí giúp phe chống đối chính quyền tại Syria, nhưng trong tình hình hiện nay việc tìm mua vũ khí từ thị trường đen Liban đã trở nên khó khăn hơn nhiều.

Đang ngồi uống cà phê trong một khách sạn, Abu Ismail nhận được một cuộc gọi điện thoại di động báo giá một khẩu súng trường tấn công M-16 là 2.000 USD. Abu Ismail đồng ý ngay. Từ nhiều tháng qua, những nhà buôn vũ khí như Abu Ismail tìm mua súng ống trên thị trường đen ở Liban để cung cấp cho phe chống đối chính quyền của Tổng thống Bashar Assad ở Syria.

Vào giữa tháng 3, Hội đồng quốc gia Syria (SNC) - một nhóm đứng về phe đối lập ở Syria - thông báo sẽ giúp vũ trang cho Quân đội Syria tự do (FSA) nhờ vào nguồn tài trợ giấu tên từ nước ngoài. Tuy nhiên, hiện nay nguồn vũ khí từ Liban bắt đầu cạn kiệt và chỉ cung cấp nhỏ giọt. Abu Ismail cho biết: khi cuộc xung đột vũ trang bùng nổ ở Syria, một khẩu RPC giá 300 USD nhưng hiện nay đã tăng lên 800 USD mà thậm chí cũng không có hàng.

Thực tế đó cho thấy thị trường đen ở Liban hoàn toàn cạn nguồn vũ khí, cho dù nguồn tiền trợ giúp từ những người Syria sống lưu vong ở nước ngoài vẫn ào ào đổ về Syria nhằm hỗ trợ cho những người chống chính quyền. Thêm vào đó, việc vận chuyển súng ống và đạn dược vào Syria cũng trở nên khó khăn hơn trước. Thiếu súng ống có nghĩa là phe đối lập ở Syria rơi vào tình trạng mất khả năng chiến đấu trước đối thủ là một quân đội được vũ trang hùng hậu.

Thành viên của Quân đội Syria tự do (FSA) chống chính quyền Bashar Assad trong vùng núi ở Idlib, phía tây bắc Syria.

Một số vũ khí được chở đến Syria từ Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq và Jordan, song phe đối lập cho biết họ dễ dàng tìm được vũ khí từ thị trường đen Liban hơn mặc dù con đường vận chuyển này vô cùng nguy hiểm và nhiều tay buôn lậu đã bị giết chết. Theo phe đối lập, những quốc gia như Arập Xêút và Qatar, đã có những cuộc thương lượng về vấn đề vũ trang cho những người chống chính quyền Syria song kết quả vẫn chưa đi đến đâu do chưa có nguồn tiền tài trợ chính thức từ các quốc gia khác.

Một nhân vật thuộc phe đối lập nhận định: trước đây phe chống đối chính quyền chỉ dựa vào đấu tranh không bạo lực nhưng bây giờ họ chuyển sang đấu tranh vũ trang vì tin rằng chỉ có như vậy mới mau chóng lật đổ được chính quyền của Tổng thống Bashar Assad.

Theo tiết lộ của Abu Fahad - một lãnh đạo phe đối lập vừa mới bay đến Tripoli, tháng 2 vừa qua, giới lãnh đạo phe đối lập nhận được khoản 100.000 USD từ một doanh nhân Syria sống ở Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng Abu Fahad đang bối rối không biết phải tìm mua vũ khí ở đâu. Xung đột đang gia tăng ở Syria không chỉ làm cạn kiệt nguồn vũ khí ở thị trường đen, mà còn khiến cho cộng đồng quốc tế lo sợ sự bất ổn ở một đất nước có tầm quan trọng chiến lược trong khu vực như Syria sẽ lan ra khỏi biên giới nước này.

Một chiếc xe bọc thép của quân đội Syria bị phá hủy trên đường phố Homs, ngày 23/1/2012.

Giống như những con buôn khác, Abu Ismail không có khả năng buôn lậu vũ khí từ các quốc gia khác nên chỉ biết cố gắng tìm kiếm nguồn hàng Liban. Sau khi Syria rút quân khỏi Liban vào năm 2005, họ đã để lại một lượng lớn vũ khí cho Hezbollah - một tổ chức nhận được sự ủng hộ của Syria từ lâu. Hiện nay, số vũ khí này bị chính thành viên của các tổ chức này đánh cắp đem bán cho những người như Abu Ismail để cung cấp cho phe đối lập ở Syria. “Tiền bạc đã đánh gục sự trung thành”, Abu Ismail nói. Tuy nhiên, nhiều lần phe đối lập ở Syria nhận được vũ khí có nhồi nhét TNT để gây nổ giết hại chính họ. Hoặc có những thứ vũ khí không thể sử dụng được. Bởi vì, theo giải thích của Abu Ismail, những người Liban ủng hộ Tổng thống Assad và những người Liban ủng hộ phe chống đối chính quyền Syria đều buôn lậu vũ khí như nhau!

Những người buôn lậu mang theo vũ khí muốn vào được Syria phải vượt qua 20km đường núi hiểm trở và thậm chí đi vào cả ban đêm. Không chỉ có thế, đội quân buôn lậu phải hết sức cẩn thận tránh né những bãi mìn do quân đội Syria chôn dưới đất.

Con đường buôn lậu từ Liban đến Syria xuất hiện từ đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, khi Tổng thống Hafez Assad (cha của Bashar Assad) áp đặt những biện pháp khắc khổ nhằm thắt chặt kiểm soát nền kinh tế đồng thời duy trì chính sách tự cung tự cấp giữa tình hình thế giới đang căng thẳng. Hàng hóa nhập khẩu bị hạn chế một cách gắt gao cho nên những mặt hàng phục vụ cuộc sống hàng ngày bắt đầu được buôn lậu từ nước Liban láng giềng. Dân buôn lậu muốn được thông thoáng đường đi phải đút lót tiền bạc cho nhân viên thuế quan và quan chức lực lượng an ninh để họ làm ngơ.

Abu Adnaan, dân buôn lậu chỉ mới 27 tuổi, thú nhận anh ta vận chuyển những món hàng như thuốc men và dầu diesel từ Liban vào Syria từ lúc 13 tuổi. Khi xung đột bùng phát vào tháng 3/2011, Adnaan làm việc cho một công ty an ninh tư nhân ở ngoài khơi Somalia. Nhưng vào tháng 4/2011, Adnaan chuyển sang Tripoli (thành phố miền Tây Bắc Liban cùng tên với thủ đô của Libya) để mua vũ khí.

Cũng giống như những tay buôn lậu khác, Adnaan cho biết, anh khó tìm mua được những vũ khí hạng nặng trên thị trường đen như là rocket. Và bây giờ ngay đến vũ khí hạng nhẹ cũng trở nên khan hiếm. Thời gian trước, Adnaan dễ dàng mua được khoảng 10.000 viên đạn súng trường chỉ trong vài ngày, nhưng bây giờ tìm được 4.000 viên thôi cũng đã là khó khăn lắm rồi. Trong khi đó, quân đội chính phủ sử dụng cả xe tăng và máy bay trực thăng tấn công các thành phố chống đối như Homs, Hama và Idlib

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/vi-vn/hosomat/2012/4/77770.cand