Thị trường cobalt dư thừa kỷ lục

Mức dư thừa nguồn cung của cobalt, kim loại giúp ổn định và giảm rủi ro cháy ở pin lithium-ion của xe điện và điện thoại thông minh, tăng lên mức cao kỷ lục hồi năm ngoái. Tình trạng dư thừa này khiến giá trung bình của cobalt trong năm 2023 rẻ chỉ bằng một nửa so với năm 2022.

Cobalt là kim loại giúp ổn định và giảm rủi ro cháy ở pin lithium-ion của xe điện. Ảnh: Bloomberg

Thị trường cobalt đang chịu áp lực lớn do tình trạng dư thừa nguồn cung kỷ lục khi các công ty khai mỏ Trung Quốc tăng sản lượng, theo báo cáo đánh giá thị trường mới đây của Darton Commodities, nhà kinh doanh cobalt ở Anh.

Báo cáo cho biết, sản lượng kim loại có màu trắng bạc này trong năm 2023 tăng 17%. Điều đó khiến nguồn cung cobalt tràn ngập thị trường giữa lúc tăng trưởng nhu cầu toàn cầu đối với xe điện giảm tốc mạnh.

Darton Commodities dự báo, thị trường cobalt toàn cầu sẽ dư cung cho đến năm 2028 sau khi CMOC, nhà sản xuất cobalt của Trung Quốc tăng sản lượng khai thác từ Cộng hòa Dân chủ Congo.

Sản lượng tăng đột biến dự kiến củng cố sự chi phối của Trung Quốc đối với hoạt động sản xuất và giá cả của cobalt, kim loại được sử dụng phổ biến trong thiết bị điện tử, xe điện và hàng không.

“Nguồn cung cobalt tăng thêm từ các dự án ở Congo và Indonesia, kết hợp với nhu cầu xe điện tăng trưởng chậm lại, dẫn đến tình trạng dư thừa kỷ lục vào năm 2023”, Andries Gerbens, chuyên gia thị trường Darton Commodities, nói và lưu ý trong năm ngoái, nhu cầu cobalt chỉ tăng 12%.

Cobalt, giúp ổn định và giảm rủi ro cháy ở pin lithium-ion nhưng sự gia tăng nhanh chóng của thị phần pin xe điện không chứa cobalt và nickel ở Trung Quốc đã làm giảm nhu cầu dự báo đối với kim loại này.

Nguồn cung tăng lên từ các mỏ cobalt của CMOC ở Congo khiến giá trung bình hàng năm của kim loại này xuống còn 15,1 đô la Mỹ/ pound (0,453 kg) trong năm 2023, chỉ bằng một nửa so với năm 2022. Đây cũng là mức giá trung bình hàng năm thấp nhất của cobalt kể từ năm 2016. Congo là nơi có có các trữ lượng cobalt lớn nhất thế giới. Nước này chiếm 3/4 sản lượng cobalt toàn cầu.

Báo cáo của Darton Commoditie cho biết thêm, CMOC tăng sản lượng tại hai mỏ cobalt ở Congo lên 172% vào năm ngoái, giúp công ty vượt qua Glencore (Thụy Sĩ) để trở thành nhà sản xuất cobalt lớn nhất thế giới.

Darton Commodities dự báo, Trung Quốc sẽ sở hữu hoặc vận hành tới 60% nguồn cung cobalt của thế giới vào năm 2025, tăng từ mức 54% hiện nay.

Indonesia cũng đang tăng nguồn cung cobalt, một sản phẩm phụ từ quá trình khai thác quặng nickel, tại các mỏ thuộc sở hữu của các công ty Trung Quốc. Năm ngoái, sản lượng cobalt của Indonesia tăng gấp đôi, lên 18.200 tấn, tương đương 8% nguồn cung toàn cầu.

Giá trung bình của cobalt trong năm 2023 giảm xuống còn 15,1 đô la Mỹ/ pound (0,453 kg), chỉ bằng một nửa so với năm 2022 do nguồn cung tăng giữa lúc nhu cầu xe điện tăng trưởng chậm lại. Ảnh: Financial Times

Giá cobalt giảm sẽ giúp kéo giảm chi phí vật liệu đầu vào của xe điện và điện thoại di động, có lợi cho cho người tiêu dùng. Nhưng cơn suy thoái của thị trường đang gây khó khăn cho các nhà sản xuất cobalt khác trên thế giới như Glencore.

Hãng kinh doanh hàng hóa và khai khoáng của Thụy Sĩ dự kiến sản xuất 35.000-40.000 tấn cobalt trong năm nay, giảm so với 41.300 tấn hồi năm ngoái. Mới đây, Glencore cũng bút toán giảm giá trị sổ sách 1 tỉ đô la đối với mỏ Mutanda, sản xuất cobalt và đồng ở Congo.

Tuy nhiên, CEO Gary Nagle của Glencore không quá bi quan về triển vọng thị trường cobalt. “Đây không phải vấn đề của phía nguồn cung, chứ không phải nhu cầu. Chúng ta sẽ chứng kiến nguồn cung cobalt thiếu hụt trở lại trong thời gian tới”, ông nói.

Cơn bất ổn của thị trường cobalt cũng tương tự như tình hình tồi tệ đối với hai kim loại pin quan trọng khác là lithium và nickel. Các công ty khai mỏ Trung Quốc đã nâng sản lượng với với cả ba kim loại này với tốc độ nhanh hơn nhiều so với dự kiến, khiến các đối thủ phương Tây phải đóng cửa một số mỏ, cắt giảm sản lượng cũng như thu hẹp kế hoạch mở rộng.

Giá nickel giảm khoảng 45% trong năm ngoái và lao dốc xuống dưới 16.000 đô la/tấn vào đầu tháng 2, do nhu cầu chững lại và nguồn cung từ Indonesia tăng lên hơn 50% tổng sản lượng toàn cầu. Gần một nửa số hoạt động khai thác nickel trên toàn thế giới không có lãi với mức giá gần đây. Vì vậy, một số công ty khai khoáng ở Úc và New Caledonia (lãnh thổ hải ngoại của Pháp ở nam Thái Bình Dương), đang cân nhắc đóng cửa vĩnh viễn các mỏ nickel.

Trong khi đó, Bắc Kinh hỗ trợ giá cobalt bằng cách mua nguồn cung dư thừa để đưa vào kho dự trữ chiến lược khi giá xuống quá thấp. Báo cáo của Darton Commodities cho biết, Trung Quốc tiêu thụ khoảng 21% nguồn cung cobalt toàn cầu hàng năm.

Theo Financial Times, Bloomberg

Khánh Lan

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/thi-truong-cobalt-du-thua-ky-luc/