Thị trường bất động sản: Vượt qua giai đoạn khó khăn nhất

Ở thời điểm này, phân khúc nhà ở thương mại được nhìn nhận là 'điểm sáng' của thị trường bất động sản (BĐS) bởi nhu cầu ở phân khúc này luôn duy trì ở mức cao trong suốt thời gian qua.

Thị trường với các dự án đáp ứng chủ đầu tư, pháp lý… chắc chắn thu hút được khách hàng. Ảnh: Quang Vinh.

Niềm tin quay trở lại

Ông Bùi Quý Trung - Tổng giám đốc Công ty BĐS Flamingo nhận xét, giai đoạn khó khăn nhất của thị trường BĐS đã đi qua dù tổng quan thị trường hiện nay vẫn còn những rào cản nhất định. Song mức độ khó khăn có xu thế giảm dần theo thời gian, tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau tốt hơn quý trước.

Ông Nguyễn Đình Đức - Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Địa ốc Mai Việt cũng nhận định, ngay từ đầu năm, thị trường BĐS đã đón nhận nhiều tín hiệu tích cực sau khi những cơ chế, chính sách nhằm "giải cứu" thị trường từ năm 2023 đủ thời gian để "thẩm thấu" và hàng hoạt quy định mới trong các dự án luật sửa đổi, bổ sung được Quốc hội thông qua.

Cũng theo ông Đức, sự "hạ nhiệt" của lãi suất cho vay khi con số hiện dao động trong khoảng 8-10%/năm càng thúc đẩy nhà đầu tư quay lại thị trường và những người có nhu cầu mua nhà đất ở thực cũng bắt tay vào kế hoạch hiện thực hóa ước muốn sở hữu nhà ở.

Với góc nhìn của một đơn vị phân phối, chính ông Đức cũng đưa ra số liệu, có một số khu vực, dự án có số lượng giao dịch trước Tết và sau Tết rất tốt, thậm chí giá đất tại một số địa phương đã tăng giá 3-5%. Lực lượng môi giới BĐS có xu hướng quay lại nghề.

Ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam (VNREA) cho rằng, cả thị trường gồm DN, khách hàng, nhà đầu tư… đang lấy lại niềm tin, sẵn sàng vào cuộc, tham gia và có sự quay lại của các nhà môi giới, các sản phẩm hàng hóa.

"Chúng tôi ghi nhận hơn 100 dự án có dấu hiệu chào bán, giới thiệu, kích hoạt quay lại thị trường trong quý I vừa qua. Đặc biệt trên các nền tảng công nghệ, mạng, sự quan tâm của nhà đầu tư, khách hàng đã quay trở lại" - ông Đính chia sẻ.

Thị trường sẽ phát triển “thật” hơn

Nhiều ý kiến cho rằng, vượt qua những khó khăn nhất, thị trường đã thanh lọc được những DN yếu kém để phát triển một cách bền vững hơn. Bởi, nếu DN BĐS không thực sự điều chỉnh về sản phẩm để có những sản phẩm sát với nhu cầu thực tế hay tiềm lực tài chính của các chủ đầu tư không tốt thì rất khó để có thể tham gia vào giai đoạn mới đang phục hồi.

Chu kỳ mới của thị trường BĐS được cho là sẽ diễn ra thực hơn, sát nhu cầu người dân hơn và mọi thành phần tham gia đều có tính toán thực tế sát với nhu cầu, nguồn lực. Giai đoạn này nhà đầu tư sẽ không dễ "lướt sóng", ăn xổi và không có điều kiện để thực hiện những việc đó nữa. Thị trường đang thật hơn và có một chu kỳ ổn định hơn, bền vững hơn.

Nhận định về phân khúc BĐS hấp dẫn trong năm nay, ông Bùi Quý Trung - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần BĐS Flamingo cho rằng, phân khúc nhà ở vẫn là phân khúc dẫn dắt thị trường. Tuy nhiên, đến thời điểm này, một số các khu vực ở trong thành phố thì mức giá cũng đang được đẩy lên tương đối cao.

"Rất nhiều nhà đầu tư nhận thấy rằng phân khúc nhà ở trong nội đô đang ở mức giá cao thì kỳ vọng lợi nhuận của họ cũng sẽ giảm xuống và bắt đầu chuyển dịch ra bên ngoài. BĐS ở thành phố lớn phục hồi đầu tiên rồi mới lan ra các địa phương vùng ven khác" - ông Trung chia sẻ.

Còn theo ông Đính, tất cả dự án hiện nay có sản phẩm phù hợp với nhu cầu sử dụng trên thị trường đều là phân khúc quan tâm. Nhà ở rõ ràng là nhu cầu rất cao của người dân. Khu vực nào mà có dự án nhà ở đặc biệt là các dự án liên quan đến đất sẽ nhận được sự quan tâm nhiều của khách hàng.

Ngoài ra, theo ông Đính, BĐS xung quanh của các đô thị có hiện tượng ấm lên, đặc biệt dành cho các dự án đáp ứng chủ đầu tư, pháp lý… đây là phân khúc chắc chắn thu hút được khách hàng.

Ông Hoàng Hải - Cục trưởng Cục Quản lý nhà ở và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) cho biết, năm 2024 nhiều luật mới có hiệu lực. Khi chúng ta đang nói tới việc thiếu phân khúc về nhà ở phù hợp với người thu nhập thấp thì Luật Nhà ở đã cơ bản giải quyết và tạo ra nguồn cung rất lớn. Cộng với đề án 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội, chúng ta đã tạo ra nguồn cung nhà giá rẻ và giải quyết được vấn đề về giá trên thị trường. Đặc biệt chưa bao giờ sự quyết tâm phát triển nhà ở xã hội từ Trung ương đến địa phương mạnh như bây giờ.

Để thúc đẩy phát triển thị trường BĐS, Bộ Xây dựng thực hiện tập trung 5 giải pháp, bao gồm tập trung vào tháo gỡ chính sách và thúc đẩy thị trường phát triển an toàn, lành mạnh và bền vững; hoàn thiện văn bản luật hướng dẫn các luật vừa được thông qua; tăng cường khả năng tiếp cận vốn cho thị trường thông qua gói tín dụng 120.000 tỷ đồng; tập trung đề án phát triển nhà ở xã hội - Triển khai hiệu quả Nghị quyết 33 của Chính phủ.

Yêu cầu Hà Nội rà soát việc chung cư tăng giá bất thường

Trong thời gian gần đây, dư luận phản ánh việc chung cư tăng giá chóng mặt, sốt giá khiến phân khúc nhà ở trong ngõ cũng leo thang theo tại nhiều khu vực. Tại một số khu vực, dự án, khu chung cư có căn hộ, nhà ở tăng giá nhanh và cao ở mức bất thường. Thậm chí, một số đơn vị tư vấn BĐS ước tính giá bình quân chung cư tại Hà Nội lên tới 56 triệu đồng/m2. Phân khúc nhà ở vừa túi tiền gần như biến mất khỏi thị trường. Các chuyên gia và dư luận xã hội cho rằng, có hiện tượng thổi giá, làm giá, đầu cơ.

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về thị trường BĐS theo quy định tại Điều 78 của Luật Kinh doanh BĐS năm 2014, Bộ Xây dựng đề nghị UBND TP Hà Nội kiểm tra, rà soát hoạt động giao dịch kinh doanh BĐS của các DN, chủ đầu tư, sàn giao dịch BĐS, môi giới BĐS trên địa bàn thành phố. Đặc biệt, Bộ Xây dựng yêu cầu chú trọng kiểm tra tại các dự án, khu chung cư có hiện tượng tăng giá bất thường như dư luận xã hội phản ánh. Từ đó có biện pháp chấn chỉnh, xử lý các hành vi thổi giá, làm giá, đầu cơ và hành vi vi phạm pháp luật kinh doanh BĐS (nếu có).

M.Sang

Hồ Hương

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/thi-truong-bat-dong-san-vuot-qua-giai-doan-kho-khan-nhat-10277872.html