Thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ 'leo cao' cùng tốc độ tăng trưởng kinh tế

Tăng trưởng GDP của Việt Nam dự báo sẽ tăng cao trong giai đoạn 2016-2020. Theo đó, dự báo thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ nằm trong khu vực có thị trường bán lẻ năng động nhất thế giới.

Thị trường sẽ "khởi sắc" mạnh cùng tốc độ tăng trưởng GDP

Trao đổi với bao giới bên lề một sự kiện kinh tế ngày 19.6, TS Lê Huy Khôi thuộc Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công thương) cho biết, dự báo trong 3 năm tới, Việt Nam sẽ có thêm khoảng 250-300 siêu thị mới, tăng 40% so với hiện tại, tập trung chủ yếu tại Hà Nội và TP.HCM. Bên cạnh đó, số cửa hàng tiện lợi sẽ tăng lên khoảng 1.500 cửa hàng, tăng gấp 3 lần so với hiện tại.

Theo TS Khôi, trong giai đoạn 2016-2020, tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ vào hàng cao nhất thế giới với 6,4%, điều kiện kinh tế vĩ mô ổn định dự kiến sẽ "kéo" thị trường bán lẻ Việt Nam nằm trong khu vực có thị trường bán lẻ phát triển năng động nhất thế giới. Trong đó, không chỉ với bán lẻ truyền thống qua cửa hàng mà còn cả thương mại điện tử bán lẻ.

"Từ đó có thể nói, thị trường bán lẻ Việt Nam đang có điều kiện vô cùng thuận lợi để phát triển năng động thời gian tới", TS Khôi nói.

Chỉ ra "bàn đạp" cho sự phát triển của thị trường bán lẻ, dẫn thông tin từ báo cáo của Nielsen, TS Khôi cho biết, tầng lớp trung lưu tại Việt Nam sẽ tăng gấp đôi trong năm 2020, từ 12 triệu người năm 2014 lên 33 triệu người năm 2020, tỷ lệ chi tiêu tăng, cùng với việc người tiêu dùng sẵn sàng chi trả để có chất lượng dịch vụ, sản phẩm cao.

Cơ cấu dân số và gia đình, thói quen mua sắm thay đổi cũng đang tạo điều kiện thuận lợi cho thị trường bán lẻ phát triển. Chính những thay đổi trong thói quen tiêu dùng này cũng sẽ mở ra những cơ hội mới đầy tiềm năng, đặc biệt đối với phân khúc bán lẻ hiện đại hiện mới chỉ chiếm khoảng 25% trong tổng doanh số bán lẻ hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam.

Tiếp tục minh chứng cho điều này, TS Khôi dẫn dự báo củaTập đoàn kiểm toán PricewaterhouseCoopers (PwC) và cơ quan nghiên cứu kinh tế toàn cầu EIU cho biết, tiêu dùng cá nhân của hộ gia đình Việt Nam sẽ tăng bình quân hàng năm khoảng 10,5% giai đoạn 2015-2018 và mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ sẽ đạt khoảng 123 tỉ USD năm 2018. Với mức tăng trưởng bán lẻ cao như vậy, thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ có sức hấp dẫn lớn với các nhà đầu tư nước ngoài.

Cần có chiến lược cụ thể để biến thách thức thành cơ hội

Theo TS Khôi, dù có nhiều cơ hội và lợi thế nhưng nếu không có chiến lược cụ thể và không có chính sách hỗ trợ, DN bán lẻ Việt Nam sẽ đối mặt với nguy cơ thu hẹp thị phần, khi ngày càng có nhiều nhà đầu tư nước ngoài có mặt tại Việt Nam.

Cụ thể, sức ép cạnh tranh của các nhà phân phối nước ngoài đang ngày càng lớn cùng với lộ trình mở cửa lĩnh vực phân phối. Còn các DN thương mại có vốn đầu tư nước ngoài có xu hướng phát triển do tiềm lực tài chính mạnh, thương hiệu nổi tiếng và kinh doanh bài bản đang thực hiện "thôn tính" các DN và thương hiệu Việt Nam bằng cách mua lại, sáp nhập. Vì khi thực hiện các cam kết trong FTA, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ đổi vốn vào thị trường bán lẻ tiềm năng như Việt Nam. Vì vậy, các DN nội cần có chiến lược kinh doanh hợp lý, đào tạo nhân lực, đẩy mạnh liên kết giữa nhà sản xuất - phân phối - bán lẻ để co mức giá hấp dẫn...đồng thời rất cần có cơ chế, chính sách của nhà nước hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN bán lẻ trong nước mở rộng thị phần.

Trong khi đó, thói quen tiêu dùng của người Việt Nam dù thay đổi nhưng vẫn còn khá chậm, người tiêu dùng vẫn còn thích mua sắm ở hàng quán, chợ truyền thống, thích được phục vụ hơn tự chọn lựa hàng hóa. Ngoài ra, chi phí hoạt động tăng cao khiến lợi nhuận giảm, môi trường kinh doanh chưa cải thiện nhiều...

Từ đó, TS Khôi đã khuyến nghị các DN nội cần có chiến lược kinh doanh hợp lý, đào tạo nhân lực, đẩy mạnh liên kết giữa nhà sản xuất - phân phối - bán lẻ để co mức giá hấp dẫn...đồng thời rất cần có cơ chế, chính sách của nhà nước hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN bán lẻ trong nước mở rộng thị phần.

Ngoài ra cũng cần phải tận dụng tối đa khả năng khai thác thị trường mà các DN Việt Nam có lợi thế. Ví dụ như một số yếu tố tác động đến nhu cầu tiêu thụ phân khúc hàng cao cấp như: thuế nhập khẩu, các loại thuế dành riêng cho hàng cao cấp....

Tuyết Nhung

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/kinh-te-c-67/thi-truong-ban-le-viet-nam-se-leo-cao-cung-toc-do-tang-truong-kinh-te-35960.html