Thị trường bán lẻ Việt Nam:Chiếc bánh béo bở trong mắt các nhà đầu tư ngoại

Theo báo cáo chỉ số ngành bán lẻ Công ty AT. Kearney năm 2016, Việt Nam là một trong 20 thị trường bán lẻ tiềm năng nhất thế giới. Chính vì vậy, trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài, nhất là các nhà đầu tư châu Á, thị trường bán lẻ Việt Nam là chiếc bánh quá béo bở.

Thị trường bán lẻ Việt Nam - miếng bánh béo bở trong mắt các nhà đầu tư ngoại.

Ngoài việc linh động đổi mới các chính sách và hoàn thiện hệ thống pháp luật, Việt Nam còn tham gia vào nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA - Free Trade Agreement). Chính điều này đã mở cánh cửa làm ăn cho nhiều nhà đầu tư nước ngoài muốn xâm nhập vào thị trường Việt Nam nói chung và thị trường bán lẻ Việt Nam nói riêng.

Cụ thể, vào cuối tháng 4/2016, Tập đoàn Central của Thái Lan đã mua lại hệ thống siêu thị Big C Việt Nam từ Tập đoàn Casino Jacques Fourvela của Pháp với giá 1,14 tỷ USD.

Trước đó, vào ngày 7/1/2016, chuỗi 19 siêu thị và các bất động sản liên quan của Metro Cash & Cary Việt Nam (Metro) thuộc quyền sở hữu của Tập đoàn Metro đến từ Đức cũng đã rơi vào tay tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi - Tập đoàn TCC Holdings với giá 655 triệu EUR.

Đáng chú ý, các thương vụ thâu tóm trên đều diễn ra sau khi Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) được hình thành và có hiệu lực kể từ ngày 31/12/2015. Rõ ràng, các tập đoàn của Thái Lan đã được hưởng lợi rất lớn từ AEC trong 2 thương vụ kể trên.

Các doanh nghiệp Nhật Bản chen chân vào thị trường Việt Nam cũng khá dễ dàng. Aeon - nhà bán lẻ lớn nhất của Nhật Bản, hiện đang khai thác 4 trung tâm Aeon Mall và 54 siêu thị tại Việt Nam thông qua hình thức M&A. Tuy nhiên, đây không phải là nhà đầu tư duy nhất của Nhật muốn thu lợi từ miếng bánh béo bở - thị trường bán lẻ của Việt Nam này.

Vào ngày 30/7 năm nay, Takashimaya - một trong những Trung tâm thương mại có lịch sử hình thành lâu đời nhất tại Nhật Bản đã chính thức khai trương trung tâm thương mại rộng 15.000 m2 tại Lê Lợi, Q.1, TP.HCM.

Còn tại hội nghị đầu tư diễn ra ở Hà Nội do Tập đoàn Mitsubishi UFJ Financial Group Inc. và Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) tổ chức mới đây cũng đã có khoảng 20 công ty tiêu dùng đến từ xứ sở Mặt trời mọc để gặp gỡ các đối tác Việt Nam và cùng nhau trao đổi những vấn đề liên quan.

Tiếp theo không thể không nhắc đến các nhà đầu tư Hàn Quốc. Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Hàn Quốc được ký kết vào tháng 5/2015 và có hiệu lực từ ngày 20/12/2015 đã mở ra cơ hội không thể tốt hơn cho các doanh nghiệp Hàn tiến thẳng vào thị trường bán lẻ Việt Nam, trực tiếp cạnh tranh với các doanh nghiệp ngoại khác, đặc biệt là các doanh nghiệp đến từ Thái Lan và Nhật Bản.

Ngay sau khi Hiệp định trên có hiệu lực, tập đoàn bán lẻ lớn nhất Hàn Quốc hiện nay là Shinsegae đã chính thức cho nổ phát súng lệnh đầu tiên của mình tại Việt Nam với việc rầm rộ tổ chức lễ khai trương đại siêu thị Emart tại Q.Gò Vấp, TP.HCM với tổng vốn đầu tư lên đến 60 triệu USD.

Trước khi Emart xuất hiện, Tập đoàn Lotte đã đặt dấu ấn khá đậm nét tại thị trường bán lẻ Việt Nam với hệ thống gồm 14 trung tâm. Và mới đây tập đoàn này cũng tiết lộ đã đặt ra chỉ tiêu đến năm 2020 sẽ có 60 siêu thị tại Việt Nam.

Ngoài những ông lớn trong ngành bán lẻ đến từ 3 quốc gia kể trên, mới đây vào ngày 10/9 Miniso Việt Nam cũng đã linh đình khai trương 3 cửa hàng Miniso chính hãng đầu tiên tại Hà Nội. Chính thức bắt đầu cuộc đổ bộ của mình vào thị trường Việt Nam. Theo đó, ngoài 3 cửa hàng kể trên, trong năm nay Miniso sẽ cho ra mắt thêm 12 chi nhánh nữa tại các thành phố.

Được biết, Miniso vào Việt Nam dưới danh nghĩa là một “đại gia bán lẻ Nhật”, nhưng thực chất đây là một công ty liên doanh của Nhật Bản với tỷ phú Ye Guo Fu (33 tuổi, người Trung Quốc). Tiền thân của Miniso là thương hiệu Aiyaya được tỷ phú này thành lập tại Trung Quốc vào năm 2004. Tờ Retail News Asia mới đây đã tiết lộ: Đây là công ty liên doanh của Nhật với một đại gia Trung Quốc. Trong khi đó tờ The Straits Times (Singapore) thì nghi vấn rồi khẳng định luôn: Có rất nhiều câu hỏi được đặt ra về việc Miniso chỉ có 4 cửa hàng ở Nhật nhưng lại có đến 1.110 chi nhánh tại Trung Quốc và ông chủ thật sự là người Trung Quốc, ông ấy là Ye Guo Fu.

Còn người Pháp lại không muốn hình ảnh các nhà bán lẻ của mình phai nhạt trong mắt người tiêu dùng Việt. Bởi vậy, sau khi Tập đoàn Casino Jacques Fourvela rút lui, Tập đoàn Auchan lập tức đánh tiếng muốn mở thêm hàng chục siêu thị nữa tại TP.HCM và các tỉnh thành phía bắc bên cạnh 3 siêu thị đang hoạt động dưới thương hiệu Simply Mart tại TP.HCM.

Và với một thị trường đầy sức hút như thế thì Tập đoàn Walmart - nhà bán lẻ số 1 thế giới đâu thể dửng dưng đứng ngoài cuộc chơi được. Được biết, tập đoàn đến từ nước Mỹ hiện đang gấp rút hoàn tất những thủ tục cuối cùng để chuẩn bị cho việc đánh chiếm thị trường bán lẻ đầy tiềm năng này.

Như ông Nagahisa Oyama - người giám sát hoạt động tại Việt Nam của Aeon từng phân tích sơ lược: Việt Nam đang bước vào một giai đoạn phát triển sôi động và người Việt ngày càng chi tiêu nhiều hơn, đặc biệt là giới trẻ (người có độ tuổi từ 35 trở xuống) chiếm 60% dân số.

Như vậy, dân số trẻ có thu nhập ngày càng tăng cùng các chính sách mở cửa, thu hút đầu tư của Nhà nước là yếu tố đã biến thị trường bán lẻ Việt Nam thành chiếc bánh béo bở trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài.

Đặng Lý Ảnh: Lý Lệ

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://www.nguoitieudung.com.vn/thi-truong-ban-le-viet-namchiec-banh-beo-bo-trong-mat-cac-nha-dau-tu-ngoai-d47669.html