Thị trường bán lẻ: Cạnh tranh không khoan nhường

Trong bối cảnh bị các tập đoàn bán lẻ nước ngoài lấn sân và liên tục mở rộng quy mô, để tồn tại các nhà bán lẻ Việt Nam bên cạnh việc phải ứng dụng khoa học công nghệ mới, đầu tư trang thiết bị hiện đại... thì việc đẩy mạnh liên kết nâng cao sức cạnh tranh với các doanh nghiệp (DN) nước ngoài là rất cần thiết.

Tuy nhiên, để tránh vết xe đổ như trước đây, nhiều ý kiến cho rằng, Nhà nước cần tháo gỡ những vướng mắc cơ chế, chính sách và điều quan trọng là bản thân các DN bán lẻ nội cũng phải tìm được tiếng nói chung.

Hàng Việt khó chen chân

Hiện Việt Nam được đánh giá là một trong 30 thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới, vì vậy đã thu hút nhiều DN bán lẻ nước ngoài như: Aeon (Nhật Bản), Lotte (Hàn Quốc), Central Group (Thái Lan)... đầu tư khai thác. Được biết, hiện ở Việt Nam Aeon đang có 3 siêu thị lớn tại TP Hồ Chí Minh, Bình Dương và Hà Nội, 59 siêu thị liên kết với hệ thống siêu thị Citimart, Fivimart và 75 cửa hàng mini shop.

Gần đây nhất, hệ thống cửa hàng tiện lợi 7-Eleven đã chính thức có mặt tại Việt Nam, dự kiến trong 3 năm tới, tập đoàn này sẽ nâng số cửa hàng tại Việt Nam lên 100 và 10 năm tới là 1.000 cửa hàng. Ngoài ra, một số tập đoàn lớn khác như Central Group, Lotte, Robinson... cũng đang có tham vọng mở rộng nhằm chiếm lĩnh thị phần tiêu thụ tại Việt Nam.

Có thể thấy, mặc dù các DN bán lẻ nước ngoài khi đầu tư vào thị trường Việt Nam đều tuyên bố tạo điều kiện cho DN đưa hàng Việt vào siêu thị của họ để tiêu thụ, nhưng thực tế lại hoàn toàn ngược lại. Theo một số DN Việt Nam, để vào được hệ thống phân phối ngoại là rất khó, bởi họ thường thắt chặt đầu vào bằng những quy định gắt gao về quản lý, chất lượng, mẫu mã bao bì...

Ngoài ra, DN nước ngoài thường thanh toán chậm từ 1 tháng đến 1,5 tháng sau khi nhận hàng, điều này gây ra không ít khó khăn cho DN Việt Nam, nhất là những DN nghiệp nhỏ và vừa trong việc đảm bảo quay vòng nguồn vốn. Bên cạnh đó, mức chiết khấu của các siêu thị ngoại cũng cao hơn nhiều so với siêu thị trong nước. Ngoài ra, các DN nội còn phải trả hàng loạt chi phí khác như: Phí kê khai sản phẩm mới và chi phí thuê mướn quầy kệ... cũng không hề thấp khiến nhiều DN trong nước không thể tiếp tục cung ứng hàng hóa cho các siêu thị ngoại.

Rất cần cái bắt tay của các DN nội

Trong bối cảnh các tập đoàn bán lẻ nước ngoài ồ ạt vào Việt Nam, mới đây Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam (AVR) đã đề xuất Chính phủ thành lập một tập đoàn bán lẻ trên cơ sở “bắt tay” của 4 “đại gia” hàng đầu (với doanh thu đến 4 - 5 tỷ USD/năm) trong ngành bán lẻ của Việt Nam hiện nay. Đó là Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Sài Gòn (Saigon Co.op), Tập đoàn Phú Thái (Phu Thai Group), Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) và Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro).

Đây không phải là lần đầu tiên mô hình này được khởi động. Bởi cách đây 10 năm (2007), 4 DN này đã liên kết thành lập Công ty CP Đầu tư Phát triển hệ thống phân phối Việt Nam (VDA). Tuy nhiên, VDA thất bại khi cơ chế, chính sách không đồng bộ như: Chính sách đất đai, một số địa phương sẵn sàng ủng hộ mặt bằng, một số địa phương thì không. Mặt khác, khi VDA vừa hình thành thì Nhà nước có chủ trương không cho đầu tư ngoài ngành. Do đó Satra và Hapro phải thoái vốn. Khi 2 DN lớn thoái vốn, 2 DN thành viên còn lại không đủ tiềm lực phát triển nên đã phải giải thể.

Được biết, hiện 4 DN này lại đang tiếp tục kêu gọi thành lập một tập đoàn bán lẻ theo hướng mọi thành phần đều có thể tham gia, ai bỏ vốn nhiều sẽ điều hành tập đoàn. Bên cạnh đó, thành lập hệ thống siêu thị nông nghiệp, nông dân khi vào siêu thị này sẽ mua được tất cả từ con giống, phân bón đến thức ăn, máy móc... Tuy nhiên, để tránh đi phải vết xe đổ như trước đây, nhiều chuyên gia cho rằng, Nhà nước cần tháo gỡ những vướng mắc cơ chế, chính sách và bản thân các “đại gia” bán lẻ cũng cần phải tìm được tiếng nói chung để có thể đủ mạnh đối chọi với các DN nước ngoài.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, năm 2016 doanh thu bán lẻ hàng hóa cả nước tương đương khoảng 118 tỉ USD, tăng 10,2% so với năm trước. Trong khi đó, theo dự báo của Viện Nghiên cứu thương mại thuộc Bộ Công Thương, giai đoạn 2016 - 2020, tốc độ tăng trưởng thương mại bán lẻ của Việt Nam sẽ đạt 11,9%/năm với quy mô thị trường khoảng 179 tỉ USD vào năm 2020.

Xuân Huy

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/thoi-su/thi-truong-ban-le-canh-tranh-khong-khoan-nhuong-3903437-b.html