Thị trấn Tân Thạnh quyết tâm không để người nghèo bị bỏ lại phía sau

Nhằm thực hiện tốt Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, thời gian qua, thị trấn Tân Thạnh, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An huy động tốt các nguồn lực chăm lo cho người nghèo với phương châm 'không để người nghèo bị bỏ lại phía sau'.

Bà Nguyễn Thị Dĩnh có thu nhập từ 3 - 4 triệu đồng/tháng từ nghề mộc

Bí thư Đảng ủy thị trấn Tân Thạnh, huyện Tân Thạnh - Trần Kim Oanh cho biết: “Hàng năm, thị trấn đều rà soát, bình chọn công khai các đối tượng hộ nghèo, cận nghèo. Qua đó, địa phương phân công các đoàn thể phụ trách từng đối tượng để có biện pháp hỗ trợ kịp thời. Cụ thể, đối với những hộ nghèo, cận nghèo còn khả năng lao động sẽ hỗ trợ vay vốn từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện. Những hộ không còn khả năng lao động, thuộc diện khó thoát nghèo như neo đơn, bệnh tật sẽ vận động các nhà hảo tâm nhận đỡ đầu, thường xuyên hỗ trợ như tặng gạo, nhu yếu phẩm”.

Năm 2023, gia đình bà Hồ Thị Thúy (khu phố 5, thị trấn Tân Thạnh, huyện Tân Thạnh) được hỗ trợ 50 triệu đồng xây dựng căn nhà tình thương với diện tích trên 50m2. Ngày tổ chức bàn giao nhà, địa phương, mạnh thường quân tặng nhiều phần quà như nồi cơm điện, máy quạt, bếp gas,...

Bà Thúy bộc bạch: “Cảm ơn sự quan tâm của chính quyền địa phương và nhà hảo tâm đã tạo điều kiện cho gia đình tôi có căn nhà mới. Gia đình tôi sẽ nỗ lực vượt qua khó khăn, chăm chỉ lao động, vươn lên ổn định cuộc sống”.

Năm 2023, thị trấn Tân Thạnh vận động các nhà hảo tâm xây tặng 3 căn nhà tình thương, mỗi căn trị giá 50 triệu đồng; xây tặng 2 căn nhà tình nghĩa, mỗi căn trị giá 60 triệu đồng cho các đối tượng gặp khó khăn về nhà ở. Dự kiến, năm 2024, thị trấn vận động các nhà hảo tâm xây tặng 4 căn nhà tình thương.

Gia đình bà Nguyễn Thị Dĩnh (73 tuổi, ngụ thị trấn Tân Thạnh, huyện Tân Thạnh) thuộc diện hộ cận nghèo của địa phương. Dù tuổi cao, sức khỏe yếu nhưng bà vẫn gắn bó với nghề mộc. Bình quân hàng tháng, vợ chồng bà có thu nhập từ 3-4 triệu đồng. Số tiền này tuy không lớn nhưng là sự cố gắng của gia đình thuộc diện hộ nghèo như bà Dĩnh. Điều này càng khẳng định, người nghèo dần bỏ tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Đảng và Nhà nước.

Bà Dĩnh nói: “Trước đây khi còn trẻ, vợ chồng tôi sống bằng nghề làm thuê. Còn bây giờ lớn tuổi, không ai thuê nên chuyển sang làm nghề mộc. Công việc tuy vất vả nhưng cũng có “đồng ra, đồng vào”, không phải thường xuyên chịu cảnh “thiếu trước, hụt sau”.

Hàng ngày, sau khi lo cơm nước và đưa con đi học, chị Cao Kim Sang (thị trấn Tân Thạnh, huyện Tân Thạnh) đến cơ sở sản xuất nhang của ông Dương Hoàng Anh (thị trấn Tân Thạnh) để bó nhang. Trung bình mỗi ngày, chị có thu nhập trên 100.000 đồng.

Chị Sang chia sẻ: “Lúc trước, tôi đi bán vé số nhưng thời gian gần đây buôn bán ế ẩm nên chuyển sang bó nhang. Công việc phù hợp với sức khỏe, hoàn cảnh gia đình, có thu nhập ổn định”.

Chị Cao Kim Sang chuyển sang bó nhang vì phù hợp với hoàn cảnh gia đình và có thu nhập ổn định

Hiện nay, thị trấn Tân Thạnh có 3 tổ hợp tác xe nhang, góp phần giải quyết việc làm thường xuyên cho trên 20 lao động nhàn rỗi ở địa phương với thu nhập trung bình trên 3 triệu đồng/tháng.

Bà Trần Kim Oanh cho biết thêm: “Bằng sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, nhất là sự chủ động vươn lên của người nghèo, năm 2023, thị trấn Tân Thạnh giảm 11 hộ nghèo (chỉ tiêu giảm 6 hộ nghèo), 6 hộ thoát cận nghèo. Kết quả đến nay, thị trấn còn 29 hộ nghèo/6.414 hộ; 52 hộ cận nghèo/6.414 hộ. Thời gian tới, thị trấn tập trung vận động xã hội hóa chăm lo cho người nghèo như tặng quà, nhu yếu phẩm,... với quyết tâm không để người nghèo bị bỏ lại phía sau”./.

Lê Ngọc

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/thi-tran-tan-thanh-quyet-tam-khong-de-nguoi-ngheo-bi-bo-lai-phia-sau-a166115.html