Thị Lộ chính danh: Chiêu tuyết cho một con người

Đứng dưới góc độ của khoa học biện chứng ẩn trong thể loại tiểu thuyết lịch sử, cố nhà văn Võ Khắc Nghiêm đã đưa ánh sáng vào cuộc oan án, từ đó mang đến những lời bào chữa cho một nhân vật đã bị chìm khuất theo dòng lịch sử.

Nguyễn Thị Lộ là vợ hai của danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi, và cũng là nữ quan lớn của triều Lê Sơ. Tên tuổi của bà gắn liền với chồng, thế nhưng ít người biết bà cũng là một kẻ sĩ vô cùng tài hoa. Vào năm 1442 bà chịu oan án Lệ Chi Viên nhưng từ đó đến nay thì mưu đồ, động cơ và những gì thực sự xảy ra vẫn còn là bí ẩn lớn.

Đứng dưới góc độ của khoa học biện chứng ẩn trong thể loại tiểu thuyết lịch sử, cố nhà văn Võ Khắc Nghiêm đã đưa ánh sáng vào cuộc oan án, từ đó mang đến những lời bào chữa cho một nhân vật đã bị chìm khuất theo dòng lịch sử. Có thể nói, cuốn tiểu thuyết này hội đủ yếu tố quan trọng của một tác phẩm hay: cốt truyện hoàn chỉnh, nhân vật sống động và có thêm nhiều những kiến giải mới.

Những mâu thuẫn lớn

Như nhiều nhà viết tiểu thuyết lịch sử chia sẻ, đối với những góc khuất lịch sử thì hiện tại chính là thời điểm thích hợp nhất để chiêu tuyết (rửa sạch oan ức) và lật ngược sử liệu mang nhiều thiên kiến cũng như tư lợi mà người chép sử đã từng để lại. Đối với Nguyễn Thị Lộ, chính bà cũng được ghi chép với nhiều “phiên bản” khác nhau, ít nhiều cho thấy quyền lực có thể o bế cả những sử liệu.

Theo đó trong Đại Việt sử ký toàn thư, Ngô Sĩ Liên viết: “Trước đây, Nguyễn Thị Lộ ra vào cung cấm, Thái Tông trông thấy rất ưa, liền cợt nhả với thị […] Lời bàn: Nữ sắc làm hại người ta quá lắm. Thị Lộ chỉ là một người đàn bà thôi, Thái Tông yêu nó làm thân phải chết, Nguyễn Trãi lấy nó mà cả họ bị diệt, không đề phòng mà được ư?”.

Dễ thấy đây là kết luận có phần phiến diện, khi Nguyễn Thị Lộ đã làm đến chức Nữ nghi học sĩ dù không thông qua thi cử (chủ yếu do các hạn chế của thời điểm đó dành cho phụ nữ chứ không phải về khía cạnh tài năng). Bà cũng phụng sự hai đời Thái Tổ, Thái Tông, góp phần đưa nước Đại Việt ngày càng phát triển...

Điều này ít nhiều có những mâu thuẫn với Vũ Quỳnh trong Đại Việt thông giám thông khảo khi cho rằng “Thị Lộ đã cảm hóa được Lê Thái Tông, thuyết phục vua chăm chỉ đèn sách, lại giúp vua nhiều ý kiến để sửa trị nước”. Nói về những khác biệt này, một trong “tứ trụ” của nền sử Việt là GS. Đinh Xuân Lâm cũng đã bày tỏ: “Đối với Nguyễn Thị Lộ thì thái độ của người chép sử ra sao? Rõ ràng đây là một thái độ không khách quan, thiên vị, có dụng ý...”

Nắm bắt được tinh thần này, cố nhà văn Võ Khắc Nghiêm đã xây dựng một Thị Lộ tài hoa, mạnh mẽ và cũng hết lòng tận hiến cho nước nhà. Dưới triều Thái Tổ, bà cùng chồng không ngại đến nơi “rừng thiêng nước độc” để cùng nghĩa quân Tây Sơn giành các chiến thắng Chốt Động, ải Chi Lăng... Vào thời Thái Tông, bà cũng mạnh mẽ chống lại tham quan, nịnh thần và có công lớn trong việc giúp vua từ một đứa trẻ ham chơi trở thành minh quân với 9 năm trị vì thịnh vượng.

Nói về việc viết một nhân vật lớn như là Nguyễn Thị Lộ, cố nhà văn Võ Khắc Nghiêm cũng chia sẻ rằng ban đầu mình định dựng lại “hình tượng ông bà hoành tráng” trên sân khấu kịch nước nhà. Thế nhưng khi nhà văn Nguyễn Đình Thi cho ra mắt vở kịch Nguyễn Trãi ở Đông Quan, ông cũng đã có ý định dừng lại do trùng đề tài và nhiều tác giả đã khai thác rồi.

Thế nhưng như nhà văn Phùng Quán chỉ ra, nếu Nguyễn Đình Thi viết về một người nghệ sĩ muốn dưỡng hồn mình ở nơi Côn Sơn, tránh xa thế sự và những tranh chấp, thì bi kịch Nguyễn Thị Lộ - Nguyễn Trãi càng cần hơn nữa một tác phẩm lớn. Từ đó dẫn đến vở kịch Mầm loạn và tiểu thuyết Thị Lộ chính danh ra đời.

Tiểu thuyết Thị Lộ Chính Danh. Ảnh: San Hô Books

Sự chính danh cho Thị Lộ

Với bối cảnh trải dài hơn 40 năm đầu thế kỷ XV, Thị Lộ chính danh cho thấy buổi đầu vô cùng hỗn loạn của nước Đại Việt. Trong khi Hồ Quý Ly thâm độc, tàn ác chiếm lấy ngôi vua, nhà nước Đại Ngu nhanh chóng sụp đổ dẫn đến tình cảnh Bắc thuộc lần 4. Vào thời điểm đó, Minh Quốc cũng dần thực hiện chính sách đồng hóa, mị dân, dẫn đến nghĩa quân Tây Sơn nổi dậy, làm nên triều đại Lê Sơ vô cùng thịnh vượng.

Với cách phác họa một bối cảnh chung, cố nhà văn Võ Khắc Nghiêm đã cho thấy được một xã hội rối loạn với các thế lực thay nhau chiếm giữ. Bằng việc tập hợp, chọn lọc, làm việc trung thực với các sử liệu… Thị Lộ chính danh mang đến một cái nhìn chung, phổ quát, đầy đủ mà không dông dài hay mang quá nhiều tính sử.

Các tuyến nhân vật sống động cũng là một đóng góp lớn cho cuốn sách này. Những tưởng tượng, hư cấu về việc Thị Lộ bán chiếu cói, chiếu gon của Làng Hới và gặp Nguyễn Trãi, những cơn báo mộng cho thấy một mối tình chung hay là tương lai tươi sáng… được thuật lại vô cùng mới mẻ mà cũng quen thuộc với các truyện cổ phương Đông.

Ngoài nhân vật chính, tiểu thuyết còn cho thấy một Lê Lợi anh dũng nhưng có đôi khi cũng thiếu sáng suốt khi nắm quyền nhiếp chính. Một Lê Sát, Lê Ngân hiếu sát, bản năng hay Nguyễn Thị Anh mưu lược… Ẩn sâu giữa những tà khí, bùn nhơ của buổi bấy giờ lại làm sáng lên một Thị Lộ rực rỡ, tài hoa.

Nổi tiếng với vốn kiến thức sâu rộng về y học, văn học, thơ ca… bà đã giúp cho vị vua trẻ Nguyên Long định hình tính cách, từ đó tăng cường trị dân bằng đạo lý, đạo pháp, duy trì bình dân… tạo nên đất nước thịnh vượng như đời tiên đế trước.

Bà cũng là người đã tập hợp lại những tác phẩm của Ức Trai, để ngày nay những áng văn này vẫn còn hiện diện cho đến mai sau...

Nguyễn Thị Lộ trong trang văn của cố nhà văn Võ Khắc Nghiêm cũng là người đánh giá thời cơ vô cùng chính xác. Chính nhờ bà mà hoàng hậu Bạch Ngọc và công chúa Huy Chân sót lại từ những tàn dư của vương triều Trần vẫn được xem trọng và đối đãi tốt. Ngoài ra, bà cũng rất sớm nhận ra phẩm hạnh từ thời thiếu nữ của Ngọc Dao, từ đó giáo dưỡng cũng như bảo vệ để rồi sau này Hoàng đế Lê Thánh Tông vĩ đại ghi danh sử sách…

Trong tác phẩm này nhà văn Võ Khắc Nghiêm cũng rất toàn diện trong việc mô tả cá tính, con người cũng như nhân cách giữa các nhân vật. Với một tiểu thuyết lịch sử mà nhân vật chính đã được “đóng đinh” cố định bởi lịch sử, ông đã thổi vào một làn gió mới để cho thấy những khát khao, những nhu cầu vô cùng cơ bản của người phụ nữ. Điều này có thể gây ra rất nhiều tranh cãi, thế nhưng không thể phủ định nhờ nó mà Nguyễn Thị Lộ đã được miêu tả trọn vẹn hơn, hoàn thiện hơn.

Không chỉ miêu tả lại bối cảnh lớn của lịch sử, mà Thị Lộ chính danh cũng chứa trong mình những câu chuyện riêng, là việc tiếm quyền của bọn tham quan, nịnh thần, những trận cung đấu… cũng như quyền lực luôn luôn mỏng manh và nép đằng sau động cơ chính trị. Tuy thời Lê Sơ thịnh vượng, phát triển ở những buổi đầu, thế nhưng ẩn sâu trong lớp hào hoa, vượng khí… là những mưu mô và sự tranh đấu vô cùng khắc nghiệt, mà chính Thị Lộ cũng như Nguyễn Trãi đã là nạn nhân của câu chuyện ấy.

Với Thị Lộ chính danh, nhà văn Võ Khắc Nghiêm đã viết về một “nữ hoàng không ngai” để biểu dương cốt cách của phụ nữ Việt, mà quyền lực, lịch sử và những tham vọng của con người riêng đã làm mờ đi.

Cuốn tiểu thuyết này cũng đã đoạt giải Văn học ASEAN vào năm 2020, góp phần đưa những giả thiết soi chiếu lịch sử càng được củng cố, có thêm sức mạnh.

Minh Anh

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/thi-lo-chinh-danh-chieu-tuyet-cho-mot-con-nguoi-38385.html