Thi hành Luật Cư trú: Mỗi người dân được cấp một mã số định danh

Luật Cư trú 2020 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2021. Với các quy định mới của Luật, nhiều giấy tờ, thủ tục hành chính (TTHC) liên quan đến việc lưu trú, cư trú của người dân được bãi bỏ. Cùng đó, Nhà nước quản lý dân cư bằng công nghệ số thay vì hồ sơ giấy như trước.

Nhiều thuận lợi cho người dân

Nhiều năm trực tiếp làm công tác quản lý cư trú, Thiếu tá Nguyễn Thị Trang Nhung, Phó Trưởng Công an phường Trần Phú (TP Bắc Giang) khẳng định: Luật Cư trú mới mang lại rất nhiều thuận lợi cho người dân, bảo đảm cho công dân được hưởng tối đa những quyền lợi liên quan.

Đơn cử như trước đây, quản lý cư trú do công an phường thực hiện, nhưng đăng ký cư trú lại là công an thành phố. Vì vậy công dân phải đi hai nơi mới xong một thủ tục, rất mất thời gian. Luật Cư trú mới quy định công an phường, xã, thị trấn là cơ quan đăng ký cư trú cũng chính là cơ quan quản lý cư trú tạo thuận tiện cho người dân.

 Công an phường Trần Phú (TP Bắc Giang) hướng dẫn người dân làm thủ tục theo Luật Cư trú mới.

Công an phường Trần Phú (TP Bắc Giang) hướng dẫn người dân làm thủ tục theo Luật Cư trú mới.

Đồng quan điểm, Trung tá Lê Huy Hoàng, Trưởng Công an xã Tăng Tiến (Việt Yên) cho biết: Trước đây, người dân muốn đăng ký quản lý cư trú chỉ có cách duy nhất là phải trực tiếp đến trụ sở cơ quan công an, trong giờ hành chính. Nay, bên cạnh cách này còn có một hình thức nữa là đăng ký trực tuyến qua Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an, Cổng dịch vụ công quản lý cư trú vào bất cứ thời gian nào. Đối với xã Tăng Tiến - nơi có nhiều công nhân tỉnh xa đến thuê ở trọ (khoảng 2.900 người), giờ hành chính hầu hết phải đi làm thì quy định mới này tạo điều kiện rất thuận lợi cho cả người dân và công an xã.

Cùng đó, người dân khi đăng ký cư trú tại nơi ở mới không phải quay lại nơi ở cũ để lấy giấy xác nhận, mà cơ quan chức năng sẽ có trách nhiệm liên hệ với nơi ở cũ để hoàn thiện các thủ tục. Chẳng hạn như công dân Nguyễn Văn A, quê ở xã Nội Hoàng (Yên Dũng) làm công nhân ở TP Hồ Chí Minh đã nhiều năm. Nay trở về quê hương muốn đăng ký cư trú thì chỉ cần ra Công an xã làm thủ tục, không phải quay lại TP Hồ Chí Minh để xin giấy xác nhận cư trú như quy định cũ.

Luật Cư trú 2020 cũng bổ sung trường hợp “bị xóa đăng ký thường trú”. Quy định như vậy nhằm hướng tới mục tiêu đơn giản hóa TTHC; bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người có liên quan, chế độ phúc lợi xã hội; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về an ninh trật tự. Hạn chế việc người dân tự do đi-về địa phương mà không khai báo. Ví như tại phường Trần Phú, trên sổ sách có khoảng 11 nghìn nhân khẩu nhưng thực tế chỉ có hơn 9 nghìn người, số còn lại là treo (trong đó có nhiều trường hợp ảo) gây khó khăn trong việc quản lý.

Bởi khi cơ quan chức năng nắm đúng thực tế số dân, số hộ, số người thường trú trên địa bàn sẽ phục vụ đắc lực cho công tác hoạch định, thực hiện chính sách an sinh xã hội (người nghèo, cận nghèo, đối tượng chính sách, trẻ em…). Luật cũng bổ sung trường hợp loại trừ không cần xóa đăng ký thường trú đối với người đang chấp hành án phạt tù, chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc, trường giáo dưỡng. Quy định này tạo thuận lợi cho việc tái hòa nhập và công tác quản lý nhà nước đối với người lầm lỡ. Trường hợp công dân đi lao động, học tập ở nước ngoài không phải để định cư cũng không bị xóa đăng ký thường trú…

Quản lý dân cư bằng mã số định danh cá nhân

Thực hiện Luật Cư trú, từ ngày 1/7, việc quản lý công dân sẽ được tiến hành bởi Mã số định danh cá nhân. Điều này đồng nghĩa với việc bỏ toàn bộ các quy định về thủ tục cấp đổi, cấp lại sổ hộ khẩu, cấp giấy chuyển hộ khẩu. Công an xã (phường, thị trấn) có trách nhiệm tiếp nhận các thủ tục về cư trú và thu hồi lại sổ hộ khẩu, đồng thời cập nhật thông tin về cư trú của người dân vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (CSDLQGVDC), cơ sở dữ liệu về cư trú.

Quản lý dân cư theo Luật Cư trú mới, công dân không cần mang theo các loại giấy tờ, không phải sao y chứng thực khi thực hiện TTHC hoặc tham gia giao dịch dân sự. Công dân chỉ cần mang thẻ Căn cước công dân hoặc cung cấp mã số định danh cá nhân cho cơ quan chức năng.

Về quy định thu lại sổ hộ khẩu giấy, chị Đỗ Thị Diệp Quế ở phường Ngô Quyền (TP Bắc Giang) băn khoăn: Gia đình tôi có 4 người ghi trong sổ hộ khẩu gia đình, tôi muốn thay đổi một số thông tin. Thế nhưng, tháng 8 tới con gái tôi bước vào lớp 1, việc công an thu lại sổ hộ khẩu giấy có ảnh hưởng gì đến việc xin học đúng tuyến cho cháu; các quyền lợi về bảo hiểm y tế, chế độ chính sách, phúc lợi xã hội cho các thành viên trong gia đình có bị ảnh hưởng? Những thành viên có trong sổ hộ khẩu khi cần thực hiện các giao dịch, TTHC có gặp khó khăn?

Cùng băn khoăn như chị Quế, một số người dân lo ngại khi không còn sổ hộ khẩu giấy rất dễ nảy sinh nhiều vấn đề liên quan việc chứng minh nhân thân để giải quyết các nhu cầu trong cuộc sống, nhất là nhiều người dân chưa nhận được thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử để giao dịch.

Trả lời thắc mắc này, đại diện Công an tỉnh cho biết: Việc bãi bỏ, thu hồi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú bằng giấy sẽ được thay thế bằng Mã số định danh cá nhân. Từ 1/7, mỗi người dân từ khi sinh ra cho tới lúc mất đi đều có một mã số định danh, không lặp lại ở người khác và có giá trị sử dụng trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Mã số này đã được Bộ Công an cập nhật trên CSDLQGVDC thay thế cho các giấy tờ tùy thân khác.

Khi thu hồi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú sẽ đồng thời thực hiện điều chỉnh, cập nhật thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú theo quy định. Do vậy, đối với các bộ, ban, ngành đã kết nối với CSDLQGVDC thì sử dụng thông tin trong Cơ sở này để giải quyết các TTHC, không yêu cầu công dân phải xuất trình sổ hộ khẩu để chứng minh nơi thường trú của mình.

Trường hợp chưa kết nối thì công dân sử dụng giấy xác nhận thông tin về cư trú. Người dân hoàn toàn có thể yên tâm khi nộp lại sổ hộ khẩu giấy cho cơ quan công an. Tuy nhiên, những sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã cấp nếu không thay đổi gì vẫn được sử dụng đến hết năm 2022.

Đối với trường hợp cần chứng minh nơi cư trú để thực hiện giao dịch, làm các thủ tục, công dân có thể đến công an xã, phường, thị trấn (không phụ thuộc vào nơi cư trú của mình) hoặc gửi yêu cầu xác nhận thông tin về cư trú qua Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an, Cổng dịch vụ công quản lý cư trú để yêu cầu xác nhận thông tin cư trú của mình.

Bài, ảnh: Thu Phong

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/phap-luat/364302/thi-hanh-luat-cu-tru-moi-nguoi-dan-duoc-cap-mot-ma-so-dinh-danh.html