Thi đua sản xuất, kinh doanh giúp nhau làm giàu

Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, giúp nhau làm giàu chính đáng, tạo điều kiện giúp các hội viên gắn bó ngày càng chặt chẽ hơn. Cả nước kết nạp được hơn 2,4 triệu thành viên mới, đưa số hội viên toàn quốc đến hết năm 2016 lên hơn mười triệu, chiếm khoảng 72% số hộ nông dân. Số hộ có thu nhập hơn một tỷ đồng/năm tăng năm lần so giai đoạn 2007 - 2012.

Nhiều nông dân mạnh dạn nghiên cứu, tìm tòi sáng chế, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Năm năm qua, mặc dù điều kiện kinh tế - xã hội đất nước gặp không ít khó khăn, nhưng các cấp hội đã đổi mới hoạt động, đề ra nhiều biện pháp chỉ đạo, tuyên truyền, tạo chuyển biến về nhận thức của nông dân đối với phát triển nông nghiệp năng suất, chất lượng, hiệu quả, xây dựng nông thôn mới theo hướng bền vững; từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún chuyển sang sản xuất lớn; từ kinh tế hộ đơn lẻ sang liên doanh liên kết, hợp tác trong sản xuất theo chuỗi; từ coi trọng về số lượng sang coi trọng chất lượng, giá trị lợi nhuận cao gắn phát triển bền vững, an toàn thực phẩm.

Phong trào đã tạo động lực để nông dân sáng tạo, hăng hái thi đua sản xuất, vươn lên làm giàu. Nhiều hội viên chủ động chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, mạnh dạn đầu tư, áp dụng kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị hàng hóa.

Bình quân hằng năm, số lượng đăng ký đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh (SX, KD) giỏi các cấp đạt hơn 6,2 triệu lượt hộ, chiếm 41,3% tổng số hội nông dân cả nước. Điển hình như, gia đình ông Nguyễn Lợi Đức, ở xã Lương An Trà, huyện Tri Tôn (An Giang), với mô hình sản xuất lúa giống trên diện tích 120 ha, kết hợp xây dựng trang trại nuôi bò sinh sản áp dụng công nghệ cao. Tổng doanh thu năm 2016 của gia đình ông đạt 25 tỷ đồng, thu nhập hơn 15 tỷ đồng/năm, giải quyết việc làm cho hơn 27 lao động, với mức thu nhập từ 3,6 đến 4,6 triệu đồng/người/tháng.

Gia đình ông Nguyễn Hữu Trí, ở xã Xuân Thọ, TP Đà Lạt (Lâm Đồng) đầu tư trồng hoa ly trên 4 ha, áp dụng biện pháp kỹ thuật cao trong khâu chăm bón, xây dựng hệ thống tưới tự động. Tổng doanh thu hằng năm đạt 37,5 tỷ đồng, thu nhập 13,8 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho 35 lao động ở địa phương, với mức thu nhập 5,5 triệu đồng/người/tháng.

Các hộ nông dân sản xuất giỏi là hạt nhân nòng cốt tổ chức lại sản xuất, thành lập mới hợp tác xã, tổ hợp tác và liên kết các doanh nghiệp theo chuỗi giá trị, dưới sự hỗ trợ, hướng dẫn của các cấp hội. Các hộ nông dân SX, KD giỏi đã thành lập các loại hình doanh nghiệp nhỏ và vừa ở nông thôn, hoặc làm sáng lập viên thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã, nhằm liên kết, mở rộng quy mô, tăng hiệu quả SX, KD. 5 năm qua, các hội đã hướng dẫn tổ chức thành lập được 14.682 mô hình kinh tế tập thể, trong đó có hơn một nghìn hợp tác xã kiểu mới. Đến nay, cả nước có hơn 110 nghìn mô hình kinh tế tập thể do Hội Nông dân hướng dẫn thành lập. Ngoài ra, còn thành lập và duy trì hoạt động hơn 80 nghìn tổ vay vốn đầu tư SX, KD và 5.146 doanh nghiệp trong nông nghiệp.

Phong trào nông dân thi đua SX, KD giỏi đã góp phần hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, các cánh đồng mẫu lớn, cánh đồng liên kết, thực hiện đồng bộ từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ theo chuỗi. Nhiều hộ nông dân SX, KD giỏi đã đại diện cho người sản xuất cùng sản phẩm trao đổi, ký hợp đồng kinh tế với doanh nghiệp để tạo vùng sản xuất lớn, phát huy thế mạnh của mỗi vùng, miền, từng bước xây dựng thương hiệu nông sản hàng hóa đặc trưng.

Các hộ nông dân SX, KD giỏi đang tạo việc làm tại chỗ cho hơn 11 triệu lao động, trong đó có hơn 3,5 triệu lao động có việc làm thường xuyên, hơn bảy triệu lao động có việc làm theo mùa vụ. Đồng thời, giúp đỡ vốn, giống cây, con và kinh nghiệm sản xuất cho hơn 8,2 triệu lượt hộ, qua đó giúp hơn 200 nghìn hộ nông dân thoát nghèo, đã và đang vươn lên làm ăn khá giả, có hộ trở nên giàu có; đóng góp xây dựng hàng nghìn căn nhà tình thương, nhà tình nghĩa giúp hơn một triệu hộ nghèo có nguồn lực để phát triển sản xuất, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng nông thôn mới.

Ngoài ra, phong trào đã khuyến khích, động viên nông dân phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, giúp nhau xây dựng nếp sống văn hóa ở nông thôn; tích cực tham gia thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới. Mỗi hộ nông dân SX, KD giỏi cũng là hộ gương mẫu được công nhận là gia đình văn hóa. Nhiều nông dân SX, KD giỏi trở thành hạt nhân đoàn kết và nhân tố hòa giải có uy tín trong cộng đồng, tích cực tham gia công tác xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lại Xuân Môn, cho biết: Phong trào nông dân thi đua SX, KD giỏi, giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững, do Hội Nông dân Việt Nam phát động từ năm 1989 đến nay, trải qua năm lần tổ chức, phong trào thật sự có ý nghĩa chính trị, kinh tế - xã hội sâu sắc và sức lan tỏa rộng lớn, thu hút hàng triệu hộ nông dân tham gia, trở thành động lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội nông thôn.

TRỊNH SƠN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/34391502-thi-dua-san-xuat-kinh-doanh-giup-nhau-lam-giau.html