Thí điểm mô hình chính quyền đô thị ở TP Đà Nẵng: Tạo đà cho cơ chế đặc thù

Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội (gọi tắt Nghị quyết 119), TP Đà Nẵng tổ chức sơ kết và chỉ ra mô hình chính quyền đô thị đã phát huy được tính ưu việt, từng bước nâng cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền các cấp, phát huy quyền dân chủ ở cơ sở.

Tinh gọn, thông suốt

Tại hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết 119, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP Đà Nẵng Trần Trung Sơn cho rằng, khảo sát cho thấy, 73,1% cán bộ công chức viên chức, 81,5% người dân đồng thuận với mô hình chính quyền đô thị. Đối với kết quả phân cấp, ước tổng thời gian giảm của 89 nội dung phân cấp, ủy quyền là 233 ngày.

Đặc biệt, việc chủ tịch UBND phường ủy quyền cho công chức giữ chức danh Tư pháp - Hộ tịch phường thực hiện ký chứng thực đã tạo sự hài lòng cho tổ chức, công dân khi đến liên hệ công việc; giải quyết nhanh chóng, kịp thời, tiết kiệm được thời gian của nhân dân; góp phần cải cách thủ tục hành chính, đồng thời tăng trách nhiệm cá nhân cho công chức giữ chức danh Tư pháp - Hộ tịch phường.

Việc chỉ tổ chức một cấp chính quyền (có HĐND và UBND) ở cấp TP Đà Nẵng đã bảo đảm sự tập trung, thống nhất trong việc quyết định các vấn đề về quản lý đô thị, quy hoạch phát triển, kết cấu hạ tầng đô thị, phát triển kinh tế - xã hội, hạn chế được tình trạng chia cắt, manh mún trong quản lý nhà nước ở khu vực đô thị. Việc thực hiện cơ chế thủ trưởng hành chính ở UBND quận và phường đã phát huy tốt tính linh hoạt và chủ động của người đứng đầu.

Theo bà Hồ Thị Cẩm Nhung, Chủ tịch UBND phường Hòa Xuân (quận Cẩm Lệ), với địa bàn rộng, dân cư đông, để kịp thời kiểm tra, xử lý kiến nghị của người dân, UBND phường duy trì giao ban giữa lãnh đạo phường với tổ trưởng tổ dân phố mỗi quý một lần, thành lập nhóm Zalo ban điều hành tổ dân phố để chỉ đạo công chức chuyên môn xử lý.

Hàng năm, trước kỳ họp HĐND thành phố, chủ tịch UBND phường cùng đại diện Đảng ủy, MTTQ Việt Nam phường và các đoàn thể tổ chức đối thoại trực tiếp với nhân dân theo từng khu vực về hoạt động của phường, báo cáo kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri mà phường, quận, thành phố đã thực hiện theo thẩm quyền; lắng nghe, ghi nhận ý kiến, kiến nghị của cử tri, giải quyết hoặc trình lên cấp trên theo thẩm quyền. Tuy nhiên, thực tiễn Nghị quyết 119 còn bộc lộ hạn chế nhất định.

Theo ông Phạm Trường Sơn, Bí thư Quận ủy Sơn Trà, cơ cấu mỗi quận có 12 phòng và tên gọi cụ thể là chưa phù hợp. Điển hình, khi sáp nhập các chức năng, nhiệm vụ của phòng y tế vào văn phòng UBND quận thì không thể thành lập phòng du lịch để phù hợp với tình hình phát triển thực tiễn của địa phương. Vì vậy, đối với các cơ quan chuyên môn cấp quận chỉ nên quy định số phòng và cơ cấu cứng tên một số phòng. Chế độ quản lý công vụ đối với cán bộ phường, công chức phường cũng chưa đồng bộ, chưa liên thông giữa quận - phường, ảnh hưởng đến tư tưởng, hiệu quả quản lý công tác cán bộ tại địa phương.

Về quản lý tài chính ngân sách, khi quận, phường chuyển từ một cấp ngân sách thành đơn vị dự toán, Giám đốc Sở Tài chính TP Đà Nẵng Nguyễn Văn Phụng nhìn nhận, quy định pháp luật hiện hành về ngân sách nhà nước chưa có, nên thực hiện còn lúng túng, chậm trễ; quy định của Luật Ngân sách nhà nước không bố trí dự phòng ngân sách, chi khác ngân sách, không còn nguồn tăng thu, kết dư nên hạn chế tính chủ động trong việc cân đối thêm nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ tại địa phương và hạn chế việc bảo đảm nguồn để xử lý các nhiệm vụ cấp bách, đột xuất.

Cần nghị quyết mới gắn với cơ chế đặc thù

Khi thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị, HĐND phường và quận không còn, đối tượng giám sát trực tiếp của HĐND thành phố nhiều hơn, chức năng nhiệm vụ tăng thêm, tuy nhiên hiện số lượng đại biểu chỉ có 51 người, mỗi ban chỉ có 3 người hoạt động chuyên trách. Bí thư Đảng ủy phường Tân Chính (quận Thanh Khê) Hồ Văn Dũng đề xuất, khi thí điểm không tổ chức HĐND quận và phường, cần tăng số lượng đại biểu HĐND TP Đà Nẵng được cơ cấu quận và phường nhằm đảm bảo kịp thời phản ánh những ý kiến, kiến nghị của cử tri cơ sở.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng đề nghị, tiếp tục rà soát, nghiên cứu trình HĐND TP Đà Nẵng xem xét, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật phù hợp với điều kiện triển khai mô hình chính quyền đô thị trên địa bàn; tăng cường giám sát việc thực hiện phân cấp, ủy quyền tại các cơ quan, địa phương, đơn vị để kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh những nơi chưa thực hiện tốt, nhất là trên các lĩnh vực dễ nảy sinh sai phạm; không để xảy ra tình trạng chuyên quyền, phát sinh sai phạm tại những nơi được phân cấp, ủy quyền.

Thực tế, TP Đà Nẵng cần một nghị quyết mới để tiếp tục cụ thể hóa Nghị quyết số 43-NQ/TW, Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị và các quy hoạch phát triển vùng, quy hoạch thành phố đang trình Chính phủ xem xét, thông qua. Đồng thời, đề xuất Quốc hội, Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng bảo đảm tính khả thi, cụ thể. Đây sẽ là cơ sở, điều kiện góp phần hoàn thành và thực hiện hiệu quả mô hình chính quyền đô thị.

Bộ KH-ĐT vừa có báo cáo sơ kết việc thực hiện Nghị quyết 119 về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị, một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng gửi Quốc hội. Trong đó, về quản lý tài chính, ngân sách, Chính phủ kiến nghị Chủ tịch UBND quận, phường được quyết định chi từ khoản chưa phân bổ; định kỳ UBND phường báo cáo UBND quận để tổng hợp, báo cáo UBND TP Đà Nẵng trình HĐND thành phố tại kỳ họp gần nhất. Điều này căn cứ khả năng cân đối ngân sách địa phương, dự toán chi ngân sách của UBND quận, phường được bố trí khoản chưa phân bổ tối đa 6% trên tổng chi thường xuyên ngân sách quận, phường để thực hiện chi phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, sự cố… mà chưa có trong dự toán. Trong tương lai gần, cùng với Hà Nội và TPHCM, Đà Nẵng sẽ là thành phố thực hiện mô hình chính quyền đô thị hiện đại, hội nhập với các thành phố lớn trong khu vực và thế giới.

XUÂN QUỲNH

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/thi-diem-mo-hinh-chinh-quyen-do-thi-o-tp-da-nang-tao-da-cho-co-che-dac-thu-post713500.html