Thí điểm công nghệ sinh trắc học cho hoạt động công chứng

Sở Tư pháp đã thực hiện thí điểm thiết bị xác thực cá nhân bằng công nghệ sinh trắc học cho 3 phòng công chứng trên địa bàn tỉnh. Qua hơn một tháng triển khai, ứng dụng này bước đầu mang lại kết quả tích cực. Đặc biệt, thiết bị có chức năng hạn chế được tình trạng giả mạo giấy tờ nhằm qua mặt công chứng viên.

Nhân viên của Phòng Công chứng số 1 (thành phố Biên Hòa) dùng thiết bị để xác thực vân tay của người yêu cầu công chứng. Ảnh: Thành Nhân

* Phòng ngừa các rủi ro khi công chứng

Thiết bị xác thực cá nhân bằng công nghệ sinh trắc học có chức năng đọc và xác thực vân tay hoặc khuôn mặt của người yêu cầu công chứng có trùng khớp với vân tay, khuôn mặt đã được tích hợp, lưu trữ trong chíp gắn trên thẻ căn cước công dân (CCCD) hay không. Đồng thời, hiển thị các thông tin cá nhân như: họ và tên; ngày, tháng, năm sinh; địa chỉ thường trú và có cả thông tin họ và tên của vợ/ chồng, cha, mẹ của người yêu cầu công chứng... Ngoài ra, thiết bị còn có chức năng quan trọng là xác thực thẻ CCCD của người yêu cầu công chứng là thẻ thật do Bộ Công an cấp.

Phó trưởng phòng Công chứng số 1 (thành phố Biên Hòa) Phạm Thị Minh Thùy cho biết, việc sử dụng các giấy tờ giả ngày càng tinh vi, công chứng viên cũng khó xác định được giấy tờ giả mạo. Do đó, thiết bị xác thực cá nhân bằng công nghệ sinh trắc học đã góp phần giúp công chứng viên nhận diện được chính xác thẻ CCCD của người yêu cầu công chứng. Từ đó đảm bảo tính xác thực, an toàn pháp lý cho văn bản công chứng, giúp phòng ngừa các rủi ro có thể xảy ra.

Theo Sở Tư pháp, thời gian thực hiện thử nghiệm việc xác thực cá nhân bằng công nghệ sinh trắc học trong thời gian khoảng 2 tháng, kể từ ngày 23-2-2024. Kết quả của việc thử nghiệm thiết bị tại các phòng công chứng sẽ là cơ sở quan trọng để tổ chức triển khai và ứng dụng rộng rãi trong các cơ quan, đơn vị khác trên phạm vi toàn tỉnh.

Thực hiện Đề án 06 (Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 của Chính phủ), Sở Tư pháp đã triển khai mô hình Toàn bộ các tổ chức hành nghề công chứng, các cơ quan thực hiện chứng thực đảm bảo điều kiện cho người dân sử dụng CCCD gắn chíp hoặc VNeID khi đi công chứng, chứng thực thay cho các loại giấy tờ. Sở cũng khuyến khích đầu tư thiết bị đọc QR, đọc chíp trên CCCD tại các phòng công chứng, văn phòng công chứng và doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Sở Tư pháp đã tiếp nhận 4 thiết bị xác thực cá nhân bằng công nghệ sinh trắc học của Sở Thông tin và truyền thông. Sở Tư pháp tổ chức bàn giao thiết bị cho Phòng Công chứng số 1, Phòng Công chứng số 3 (thành phố Long Khánh), Phòng Công chứng số 4 (huyện Long Thành) để áp dụng triển khai thử nghiệm việc xác thực cá nhân bằng công nghệ sinh trắc học với thông tin trên CCCD cho tất cả các cá nhân tham gia ký kết hợp đồng, giao dịch tại các phòng công chứng kể từ ngày 23-2-2024.

Chánh Văn phòng Sở Tư pháp Lê Xuân Quý cho biết, đến nay, việc triển khai thí điểm thiết bị xác thực cá nhân bằng công nghệ sinh trắc học tại các phòng công chứng bước đầu mang lại kết quả tích cực. Các thông tin cá nhân được xác thực chính xác, an toàn, phù hợp với quy định pháp luật về công chứng hợp đồng, giao dịch, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức hành nghề công chứng. Đồng thời, giảm bớt rủi ro do quá trình xác thực cá nhân bằng cách đối chiếu vân tay thủ công như trước đây.

* Cần hướng dẫn cụ thể trước khi đưa vào áp dụng chính thức

Bên cạnh những ưu điểm, thiết bị xác thực cá nhân bằng công nghệ sinh trắc học trong quá trình sử dụng còn phát sinh một số hạn chế. Chẳng hạn, thiết bị không thể xác thực được dấu vân tay trùng khớp trong trường hợp dấu vân tay bị mờ, nhòe, không rõ ràng. Một số trường hợp thông tin vợ/chồng của người yêu cầu công chứng chưa được tích hợp trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nên khi xác thực thành công thì các thông tin hiển thị cũng chưa đầy đủ…

Phát biểu tại buổi làm việc giữa Sở Tư pháp và Ban Chấp hành Hội Công chứng viên tỉnh Đồng Nai diễn ra ngày16-3, Chủ tịch Hội Công chứng viên tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thị Hồng Vân chia sẻ, thiết bị xác thực cá nhân bằng công nghệ sinh trắc học chỉ mới trong giai đoạn thử nghiệm nhằm đánh giá những tính năng ưu điểm cũng như khuyết điểm của thiết bị. Hiện các phòng công chứng và văn phòng công chứng trên địa bàn tỉnh vẫn áp dụng các quy định của Luật Công chứng năm 2014 khi công chứng hợp đồng, giao dịch. Do vậy, hội kiến nghị Bộ Tư pháp và Sở Tư pháp sớm có các văn bản hướng dẫn cụ thể trước khi đưa thiết bị vào áp dụng chính thức.

Khi Luật Căn cước năm 2023 có hiệu lực kể từ ngày 1-7-2024 thì các quy định mới có liên quan đến mẫu thẻ căn cước không có vân tay. Điều này sẽ đặt ra yêu cầu bắt buộc các tổ chức hành nghề công chứng phải trang bị các thiết bị hiện đại nhằm đối chiếu thông tin trên căn cước với việc xác thực sinh trắc học các cá nhân tham gia giao dịch, hợp đồng.

“Sở Tư pháp đang xin ý kiến và đề nghị các cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn cụ thể trước khi triển khai chính thức việc áp dụng thiết bị mới này trong thực hiện thủ tục công chứng hợp đồng, giao dịch trên phạm vi toàn tỉnh” - Chánh văn phòng Sở Tư pháp Lê Xuân Quý cho biết.

An Nhơn

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/phap-luat/202403/thi-diem-cong-nghe-sinh-trac-hoc-cho-hoat-dong-cong-chung-cb9578a/