Thí điểm cơ chế đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An, bổ sung 1 Phó Chủ tịch UBND tỉnh

Chiều 14/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An.

Dự thảo nghị quyết quy định 4 nhóm lĩnh vực với tổng số 16 chính sách, bao gồm: Quản lý tài chính - ngân sách Nhà nước (5 chính sách); Quản lý đầu tư (7 chính sách); Quản lý đô thị, tài nguyên rừng (2 chính sách); Tổ chức bộ máy và biên chế (2 chính sách).

Qua thẩm tra, đa số ý kiến Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách (UBTCNS) nhất trí cho phép tỉnh Nghệ An được phân bổ thêm 50% số vốn đầu tư công nguồn ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho địa phương theo nguyên tắc, tiêu chí và định mức quy định tại Nghị quyết của UBTVQH về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2026-2030 để đầu tư các công trình hạ tầng trọng điểm trên địa bàn tỉnh và phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng miền Tây Nghệ An. Vì tỉnh Nghệ An hiện đang nhận bổ sung cân đối từ ngân sách Trung ương, nguồn lực cho đầu tư phát triển còn hạn chế, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh trình bày báo cáo.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh trình bày báo cáo.

Để tạo đà phát triển, nhất là phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội miền Tây Nghệ An, rất cần có sự hỗ trợ thêm nguồn lực đầu tư công từ ngân sách Trung ương. Việc cho phép phân bổ thêm 50% số vốn đầu tư công nguồn ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho địa phương nói trên sẽ bảo đảm tính ổn định và công khai, minh bạch, rõ ràng của chính sách; tạo sự chủ động cho địa phương trong việc cân đối, lập kế hoạch bố trí nguồn lực cho các dự án; hạn chế, khắc phục được cơ chế "xin-cho".

Về các đặc thù về số lượng cấp phó (khoản 1 Điều 6), dự thảo nghị quyết quy định UBND tỉnh Nghệ An có không quá 5 Phó Chủ tịch. Thường trực UBTCNS cho rằng, Nghị định số 08 ngày 25/1/2016 của Chính phủ quy định số lượng Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã phần nào tháo gỡ được những vướng mắc, bất cập về cán bộ, công chức cấp xã và số lượng cấp phó của các địa phương.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh.

"Đây là nội dung liên quan đến chủ trương tinh giản biên chế, giảm cấp phó theo các nghị quyết của Trung ương, của Bộ Chính trị và thuộc thẩm quyền quyết định của Bộ Chính trị, vì vậy, đề nghị cần báo cáo, xin ý kiến của cấp có thẩm quyền trước khi trình Quốc hội xem xét, quyết định chính sách này" - Chủ nhiệm UBTCNS Lê Quang Mạnh lý giải.

Qua thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh đồng tình với các đề xuất hợp lý, như cơ chế cho phép tỉnh Nghệ An được nhận hỗ trợ của địa phương khác."Vì đây là địa phương có vị trí rất đặc biệt, là tỉnh đất rộng người đông, miền Tây Nghệ An có hàng triệu người sinh sống trên đó, mà các cơ chế, chính sách trước đây chưa hỗ trợ được nhiều" - ông nói và đề nghị trong công thức tính hệ số ưu tiên đầu tư làm sao có hình thức hỗ trợ trực tiếp hơn.

Nhất trí tăng thêm 1 Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục cho rằng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ là một vị trí, còn thực tế tỉnh đất rộng người đông như Nghệ An cần tăng cường cơ chế nào đó để sắp xếp cán bộ đặc thù hơn. "Ví dụ ở Nghệ An, đi chỉ đạo ở vùng sâu, vùng xa phải mất vài ngày, thậm chí phải nằm vùng. Nếu chính sách đặc thù này thành công có thể mở rộng áp dụng đối với Thanh Hóa, Sơn La, Đắk Lắk...", ông dẫn chứng.

Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung phát biểu tại phiên họp.

Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung phát biểu tại phiên họp.

"Tôi đồng tình cao với tờ trình của Chính phủ, Nghệ An là tỉnh đất rộng người đông, địa hình phức tạp, việc tăng thêm 1 Phó Chủ tịch UBND tỉnh là hợp lý. HĐND TP Vinh được thành lập 3 ban; Thường trực HĐND tỉnh Nghệ An quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư công nhóm B, nhóm C quy định tại Luật Đầu tư công và báo cáo HĐND tỉnh tại kỳ họp gần nhất như dự thảo Luật Thủ đô cũng là phù hợp, hiện nay các địa phương có ý kiến theo hướng sửa đổi, tăng thêm thẩm quyền của HĐND, tránh việc HĐND một năm họp rất nhiều kỳ", Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh góp ý.

Thống nhất việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị bổ sung thêm lập luận về vai trò của TP Vinh đối với tỉnh Nghệ An - trung tâm động lực phát triển chung của cả tỉnh, làm rõ thêm vai trò, sự cần thiết của việc tăng thêm cấp phó khi Nghệ An là tỉnh diện tích rộng, dân số lớn, tăng thêm 1 Phó Chủ tịch UBND tỉnh là cần thiết...

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung thảo luận.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung thảo luận.

Thay mặt lãnh đạo tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung trân trọng cảm ơn Chính phủ, Quốc hội, UBTVQH đã ủng hộ Nghệ An có thêm 1 nghị quyết thí điểm bổ sung cơ chế, chính sách đặc thù. Về nghị quyết lần này, tỉnh Nghệ An đã phối hợp Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành chuẩn bị một dự thảo nghị quyết với các nhóm chính sách giúp Nghệ An có thêm nguồn lực, động lực thực hiện các mục tiêu phát triển.

"Nghệ An thống nhất tiếp thu, giải trình, tiếp tục phối hợp Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện dự thảo nghị quyết, trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7, cam kết thực hiện các chỉ tiêu khi được thông qua, áp dụng các cơ chế, chính sách đảm bảo đồng bộ, hiệu quả" - Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An khẳng định.

Kết lại nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Chính phủ tổng hợp các ý kiến thảo luận tại phiên họp, có báo cáo bổ sung, xin ý kiến cơ quan thẩm quyền, hoàn thiện hồ sơ, dự thảo nghị quyết đảm bảo chất lượng, trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7...

Quỳnh Vinh

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/thi-diem-co-che-dac-thu-phat-trien-tinh-nghe-an-bo-sung-1-pho-chu-tich-ubnd-tinh-i731165/