Thép Cà Ná: Bộ Công Thương nói sự cố như Formosa rất hiếm

strong>Formosa là bài học đắt giá nhưng đặt vấn đề ngừng cấp phép dự án thép như thép Cá Ná là thiếu cơ sở. Việt Nam đang thiếu thép trầm trọng, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng, Bộ Công Thương trả lời Góc nhìn thẳng.

Xem thêm chuyên mục GÓC NHÌN THẲNG

Những thông tin về dự án thép 10 tỷ USD- Cà Ná- Ninh Thuận của Tập đoàn Hoa Sen được đưa ra đúng vào lúc những hệ lụy ô nhiễm môi trường của khu gang tháp Formosa còn chưa dứt, đã khiến nhiều người dân lo ngại.

Liêu có nên cấp phép tiếp cho một siêu dự án thép hay không? Liệu có thể xảy ra một Formosa thứ 2 hay không?

Và những băn khoăn này đã được chuyên mục Góc nhìn thẳng của báo VietNamNet trao đổi với ông Trương Thanh Hoài, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng, Bộ Công Thương để tìm lời giải đáp.

Theo dõi cuộc trò chuyện tại clip dưới đây:

Play

Nhà báo Phạm Huyền:Thưa ông, sau vụ việc gây ô nhiễm của Formosa Hà Tĩnh thì việc Bộ Công Thương bổ sung dự án thép 10 tỷ USD Cà Ná- Ninh Thuận của Tập đoàn Hoa Sen vào quy hoạch thép đang gây ra nhiều lo ngại cho người dân. Thậm chí có ý kiến nói rằng, nên chăng không cấp phép thêm cho dự án thép nữa. Ông có thể nói gì về điều này?

Ông Trương Thanh Hoài: Rõ ràng, sự cố Formosa là một sự cố rất đáng tiếc, là một bài học cho tất cả chúng ta trong quá trình phát triển công nghiệp. Nhưng việc cho rằng, dừng cấp phép dự án thép, tôi cho rằng, nói vậy còn thiếu có cơ sở.

Tôi cho rằng, ngành thép rất quan trọng đối với quá trình công nghiệp hóa của Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang thiếu thép trầm trọng.

Theo số liệu chúng tôi có từ Tổng cục Hải quan, nhập siêu của ngành thép rất lớn. Số lượng nhập khẩu càng ngày càng tăng. Đến năm 2015, tổng lượng thép nhập khẩu đã là 18,6 triệu tấn quy thô. Đến năm 2016, 8 tháng đầu năm, nhập khẩu thép đã đạt khoảng 14 triệu tấn và chúng tôi dự đoán năm nay, chúng tôi dự đoán Việt Nam sẽ nhập khẩu thép khoảng 22 triệu tấn.

Thực trang ngành thép hiện nay có tính cạnh tranh rất thấp, phải nói là manh mún, đòi hỏi phải có những dự án có quy mô lớn, giảm chi phí sản xuất, chi phí bán hàng... để đảm bảo cạnh tranh trong điều kiện hội nhập.

Với việc chúng ta chỉ sản xuất được thép xây dựng, còn trong lĩnh vực cơ khí chế tạo, chúng ta hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu. Như thế, tỷ lệ nội địa hóa của các sản phẩm cơ khí hay sức cạnh tranh của các sản phẩm cơ khí rất thấp, bên cạnh đó, cũng ảnh hưởng các ngành công nghiệp hỗ trợ cho ô tô, đóng tàu cũng khó mà phát triển được, khi thiếu vật liệu cơ bản.

Cũng phải nói thêm, dự án thép Cá Nà ở Ninh Thuận trước đây đã ở trong quy hoạch, được Thủ tướng chấp thuận. Một liên doanh đầu tư đã khởi công tháng 11/2008, nhưng sau đó, do khủng hoảng kinh tế thế giới, các nhà đầu tư khó khăn nên dự án này mới bị tạm dừng và đưa ra ngoài quy hoạch.

Hiện nay, trên cơ sở đề xuất của tỉnh Ninh Thuận, chúng tôi thấy tiềm năng của dự án này, sản xuất thép tổ hợp lớn, sản xuất thép phục vụ cho ngành cơ khí chế tạo là phù hợp. Chính vì vậy, Bộ Công Thương đã bổ sung vào quy hoạch.

ảnh: VietNamNet

Nhà báo Phạm Huyền:Thưa ông, vừa rồi ông có nói Việt Nam đang rất thiếu thép, nhưng gần đây, giới chuyên gia ngành thép lại cho biết, có tình trạng cung dư thừa so với cầu. Vậy, thực sự tình trạng ngành thép ở Việt Nam là thừa hay thiếu?

Ông Trương Thanh Hoài: Tôi khẳng định là đang thiếu và thiếu trầm trọng. Điều này thể hiện ở con số nhập siêu thép. Mỗi năm, chúng ta nhập siêu 6-7 tỷ USD thép.

Hiện nay, công suất danh định của các nhà máy thép đang có là hơn 12 triệu tấn, gấp đôi nhu cầu trong nước. Tuy nhiên, trong số đó, các dự án có đủ khả năng cạnh tranh, có đủ khả năng tham gia vào thị trường không nhiều. Còn lại là các dự án đều có tính chất manh mún, nhỏ lẻ. Thực tế, ta chỉ có thép xây dựng thôi, còn thép kết cấu, thép chế tạo là hoàn toàn không có.

Điều quan trọng nhất là thực trạng ngành thép hiện nay không tạo ra năng lực cạnh tranh cho các ngành cơ khí chế tạo, ngành công nghiệp chế tạo trong nước, cũng như không tận dụng được nguồn tài nguyên là nguồn quặng sắt trong nước sẵn có để đưa vào chế biến sâu như chủ trương của Đảng và Chính phủ.

Nhà báo Phạm Huyền:Thưa ông, với các dự án thép, người dân luôn lo ngại hệ lụy ô nhiễm môi trường nặng, đặc biệt là dự án thép thường hao nhiều năng lượng. Với những tác động lợi- hại trước mắt và lâu dài , ông suy nghĩ như thế nào về điều này, chúng ta sẽ phải cân đo đong đếm như thế nào?

Ông Trương Thanh Hoài: Việc người dân, cộng đồng xã hội lo ngại vấn đề tương tự Formosa, tôi nghĩ, đó cũng là vấn đề đương nhiên. Tuy nhiên, phải nói rằng, với trình độ khoa học công nghệ hiện nay, việc xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường đối với các nhà máy thép không phải là vấn đề khó.

Hiện nay, trên thế giới, rất nhiều nhà máy thép có quy mô lớn, nằm ở khu vực đông dân cư, ở khu vực nhạy cảm, sát biển và thường, các nhà máy thép thường nằm sát biển. Tuy nhiên, những sự cố ô nhiễm môi trường xảy ra như vụ Formosa là rất hiếm.

Ở Việt Nam, chúng ta cũng đã có tổ hợp sản xuất thép quy mô lớn của Hòa Phát đã hoạt động trên 10 năm, cũng rất an toàn, hiệu quả kinh tế cao.

Tôi nghĩ rằng, ở đây, vấn đề về bảo vệ môi trường là việc ứng xử và nhận thức của chủ đầu tư và công tác giám sát quản lý của các cơ quan Nhà nước liên quan. Nếu quản lý giám sát chặt chẽ thì sự cố như Formosa là rất khó xảy ra.

Tôi cũng phải nói thêm, đối với các dự án công nghiệp nói chung hay các dự án thép nói riêng, ở đây không có sự đánh đổi môi trường để lấy lợi ích trước mắt. Vấn đề môi trường sẽ luôn được đặt lên hàng đầu, không bao giờ đánh đổi.

Nhà báo Phạm Huyền:Thưa ông, từ bài học Formosa và giả sử tương lai dự án thép Cà Ná được cấp phép thì Bộ Công Thương có thể rút ra bài học quản lý như thế nào trong lĩnh vực này?

Ông Trương Thanh Hoài: Từ bài học kinh nghiệm Formosa, chúng tôi nhận thấy cần phải giám sát chặt chẽ các chủ đầu tư các dự án công nghiệp trước khi đưa dự vào vào vận hành thử nghiệm và chính thức. Công tác nghiệm thu giám sát phải sát hơn.

Thực ra, các sự cố chủ yếu thường xảy ra trong quá trình chạy thử nghiệm, vì lúc đó, các thiết bị chưa được hiệu chỉnh đẩy đủ các công năng.

Hiện nay, Bộ Công Thương đang soạn thảo dự thảo Nghị định về kinh doanh và chế biến khoáng sản và chúng tôi đã tính đến chuyện này.

Đối với các dự án chế biến khoáng sản, đặc biệt là dự án luyện kim, khi chạy thử thì phải thông báo cho các cơ quan quản lý Nhà nước biết để nắm bắt, khi đó, cơ quan quản lý Nhà nước sẽ có điều kiện để giám sát quá trình này, phòng ngừa rủi ro nguy cơ ô nhiễm như của Formosa.

VietNamNet

Thực hiện: Phạm Huyền

Clip: Xuân Quý- Bạt Tuấn- Huy Phúc

Tin khác:

Giá xăng gánh quá nhiều thuế phí là bất hợp lý

Bộ trưởng Giáo dục: "Đừng quá căng thẳng về thi và điểm"

Xổ số- cờ bạc hay trò chơi giải trí?

Nhà khoa học nói gì trước băn khoăn "được cả thép lẫn cá"?

Trực tuyến: Có nên nói không với Pokemon Go?

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/dau-tu/325859/thep-ca-na-bo-cong-thuong-noi-su-co-nhu-formosa-rat-hiem.html