Thềm rồng Điện Kính Thiên: Lưu dấu hồn cốt đất Thăng Long

Điện Kính Thiên là cung điện quan trọng bậc nhất trong Cấm thành Thăng Long thời Lê sơ. Sau biết bao thăng trầm lịch sử, Thềm Rồng điện Kính Thiên đã trở thành bảo vật quốc gia, là nơi lưu dấu hồn cốt đất Thăng Long, cũng là dấu tích quan trọng để tiến tới phục dựng điện Kính Thiên.

Điện Long Thiên năm 1885 trước thời điểm người Pháp phá bỏ xây Sở chỉ huy Pháo binh

Hơn 500 năm ghi dấu thăng trầm lịch sử

Theo sách “Đại Việt Sử ký toàn thư”, điện Kính Thiên được xây dựng năm 1428 đời Vua Lê Thái Tổ và hoàn thiện vào đời Vua Lê Thánh Tông. Điện được xây dựng trên núi Nùng hay Long Đỗ là nơi hội tụ khí thiêng của non sông đất nước, cũng là nền cũ của cung Càn Nguyên - Thiên An thời Lý, Trần. Từ đời Lê Trung Hưng trở đi, nơi đây đặt bài vị thờ trời đất, nên vua thị triều ở cửa Điện Kính Thiên. Kể từ khi xây dựng, Chính điện Kính Thiên luôn đóng vai trò trung tâm của Cấm thành Thăng Long, trở thành nơi cử hành các nghi lễ long trọng nhất của triều đình, đón tiếp sứ giả nước ngoài, diễn ra các buổi thiết triều bàn việc quốc gia đại sự.

Đến năm 1467, Thềm Rồng điện Kính Thiên chính thức được tạo tác gồm 9 bậc đá (không kể bậc chìm trong lòng đất), mỗi bậc cao 20cm, rộng 40cm, từ Đông sang Tây dài 13m, tạo thành 3 lối lên xuống, lối chính giữa dành cho vua đi, hai bên dành cho quần thần. Đôi rồng ở giữa được tạo tác theo phong cách tả thực, bằng đá nguyên khối. Rồng dài 5,3m, uốn 7 khúc và có 5 móng, biểu tượng của quyền lực của các bậc đế vương. Hai bên là đôi rồng mây hóa, rồng cách điệu vân mây, biểu tượng cho vũ trụ và trời đất. Còn Thềm Rồng phía sau được tạo tác khoảng cuối thế kỷ XVII, đầu thế kỷ XVIII. Thân rồng dài 3,4m. Hai bên lan can trang trí hoa sen, uyên ương, sóng nước, vân mây, đao lửa, cá hóa rồng rất trau chuốt, tinh xảo.

Thềm Rồng trên nền điện Kính Thiên dài 5,3m, uốn 7 khúc và có 5 móng, biểu tượng quyền lực của các bậc đế vương

Từ năm 1788, khi Vua Quang Trung lên ngôi và đóng đô ở Phú Xuân, Huế và sau đó năm 1802, vua Gia Long lên ngôi, sáng lập triều Nguyễn và chọn Phú Xuân làm kinh đô của triều Nguyễn, Thăng Long trở thành trụ sở của Trấn Bắc Thành, quản lĩnh 11 trấn phía Bắc. Từ năm 1803 đến 1805, vua Gia Long cho phá Cấm thành và một phần Hoàng thành Thăng Long để xây lại một tòa thành mới. Điện Kính Thiên đời Lê vẫn ở vị trí cũ, năm 1816 tòa điện này đã được vua Gia Long cho xây dựng lại trở thành trung tâm của khu hành cung thời Nguyễn.

Năm 1831, vua Minh Mạng chia cả nước làm 30 tỉnh, bỏ Bắc thành và lập tỉnh Hà Nội. Thành Thăng Long mang tên mới là thành Hà Nội, trở thành trị sở của tỉnh Hà Nội. Trong thời gian này, nhà Nguyễn vẫn giữ điện Kính Thiên và các kiến trúc trên trục trung tâm “thần đạo” của Cấm thành Thăng Long cho đến Đoan Môn, sửa sang và xây dựng thêm một số công trình mới, làm Hành cung cho các vua Nguyễn mỗi khi đi Bắc tuần hay tiếp sứ nước ngoài.

Năm 1841, Vua Thiệu Trị đã đổi tên điện Kính Thiên thành điện Long Thiên. Sau khi chiếm được thành Hà Nội vào năm 1882, năm 1886 người Pháp đã cho phá hành cung và xây tòa nhà Sở chỉ huy pháo binh, chỉ giữ lại Thềm Rồng. Vào giai đoạn phá thành Hà Nội vào cuối thế kỷ XIX, may mắn lần nữa Thềm Rồng điện Kính Thiên không nằm trong danh sách các công trình bị phá bỏ. Nơi đây được gọi là Nhà Con Rồng (hay còn gọi là Long Trì), do phía trước và sau đều có rồng đá chầu, sau đó thành làm việc của Bộ Tổng tham mưu - Bộ Quốc phòng.

Toàn cảnh nền điện Kính Thiên và Thềm Rồng

Dấu tích để phục dựng điện Kính Thiên

Nhiều năm qua đã có hàng chục cuộc khai quật khảo cổ diễn ra tại xung quanh điện Kính Thiên. Kết quả khai quật và nghiên cứu khảo cổ học có nhiều phát hiện mới và giá trị, cung cấp các tư liệu khoa học tin cậy cho việc nghiên cứu phục dựng hình thái kiến trúc cung điện thời Lê sơ, đặc biệt là tòa chính điện Kính Thiên trong Cấm thành Thăng Long.

Qua nhiều bức ảnh do người Pháp chụp vào cuối thế kỷ XIX, có thể thấy điện Long Thiên xây trên nền điện Kính Thiên xưa có kiến trúc 2 nếp hình chữ Nhị bằng gỗ. Ngôi điện được xây kiểu chồng diêm 2 tầng, 8 mái, với các góc đao cong vút. Quanh điện là sân rộng có lan can cao hơn 100cm bao cả 4 phía. Nền và Thềm Rồng là di tích ít ỏi còn sót lại đến ngày nay, nhưng cũng phần nào phản ánh được quy mô hoành tráng ngôi điện năm xưa, với chiều dài 57m, chiều rộng 41,5m và cao 2,3m.

Mặt trước, hướng chính Nam của điện Kính Thiên là 10 bậc thềm bằng phiến đá hộp lớn, với 4 con rồng đá chia thành 3 lối đi đều nhau, gọi là Thềm Rồng. Thềm bậc có bề ngang 13,7m, bề dọc 4,45m và cao 2,1m; còn đôi rồng đá được xem như di sản kiến trúc nghệ thuật, tiêu biểu cho nghệ thuật điêu khắc thời Lê sơ. Cặp rồng được chạm trổ tinh xảo bằng đá xanh, đầu to và vươn cao, mắt lồi, mũi nở, miệng ngậm ngọc, sừng dài áp sát thân rồng. Thân rồng có vảy, uốn khúc nhịp nhàng theo các bậc thềm và nhỏ dần về phía nền điện. Trên lưng tạc vây dài nhấp nhô như vân mây, tia lửa. Thềm Rồng còn có 2 hai lan can cách điệu hình mây hóa rồng ở 2 bên.

Thềm Rồng nhìn từ phía trên

Ở mặt sau, hướng Bắc của nền điện Kính Thiên là thềm 7 bậc nhỏ hơn với 2 con rồng đá mang niên đại Lê Trung Hưng (thế kỷ XVII-XVIII) và lan can 2 bên. Tháng 12-2020, với thần thái mỹ thuật Lý - Trần và tính sáng tạo đặc biệt của thời Lê sơ, rồng đá điện Kính Thiên đã được công nhận là Bảo vật quốc gia của Việt Nam.

Cuối tháng 11-2023, triển lãm “Giải mã bí ẩn kiến trúc điện Kính Thiên” do Viện Nghiên cứu Kinh thành (thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam), Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội và Bảo tàng Hà Nội tổ chức đã mở ra nhiều hy vọng mới trong quá trình phục dựng.

Theo PGS.TS Bùi Minh Trí - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh thành, dựa trên các nguồn tư liệu và nghiên cứu so sánh, các nhà khoa học của Viện đã từng bước giải mã hình thái kiến trúc cung điện Việt Nam thời Lý. Toàn bộ kiến trúc của điện Kính Thiên là gỗ sơn son, quy mô to lớn gồm 9 gian, chiều sâu lòng điện có 6 gian. Tổng diện tích 1.188m2 với 60 cột gỗ, trong đó chiều ngang có 10 hàng cột, chiều dọc 6 cột. Bộ khung mái thuộc kiến trúc đấu củng, trùng diêm, trên mái lợp ngói rồng men vàng đặc sắc và được trang trí bởi các tượng đầu rồng vươn cao lên trời, tạo nên vẻ đẹp cao sang và đầy quyền lực của vương triều.

Những ngày cuối năm cận kề năm Giáp Thìn, thong dong bên Thềm Rồng, nơi lưu dấu biết bao bước chân của những bậc vua chúa qua nhiều triều đại. Thắp nén nhang thơm, hình dung cảnh xưa, tôi mang nhiều hy vọng việc phục dựng điện Kính Thiên sớm đến hồi kết để thế hệ hôm nay được chiêm ngưỡng công trình kiến trúc quan trọng bậc nhất của kinh đô Thăng Long, mang đậm hồn cốt dân tộc trên nhiều phương diện.

Minh Châu

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/them-rong-dien-kinh-thien-luu-dau-hon-cot-dat-thang-long-704922.html