Thêm nhiều tư liệu quý về liệt sĩ Võ Thị Sáu

Trong sự kiện 'Những cuốn sách tri ân', NXB Công an nhân dân đã giới thiệu nhiều đầu sách về đề tài thương binh, liệt sĩ và người có công với đất nước, trong đó có nhiều tư liệu về anh hùng Võ Thị Sáu.

Nhà văn - Đại tá Nguyễn Hồng Thái giới thiệu những ấn phẩm viết về chị Võ Thị Sáu

Sự kiện giới thiệu Những cuốn sách tri ân được NXB Công an nhân dân tổ chức tại Hà Nội nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh, Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2017). Tại sự kiện, Đại tá – nhà văn Nguyễn Hồng Thái, Giám đốc – Tổng Biên tập NXB Công an nhân dân đã lên tiếng bức xúc trước những tin đồn thất thiệt về nữ anh hùng – liệt sĩ Võ Thị Sáu xuất hiện trên mạng xã hội thời gian gần đây. Đồng thời, Đại tá Nguyễn Hồng Thái giới thiệu nhiều tư liệu quý về chị Võ Thị Sáu mà NXB Công an nhân dân đã xuất bản.

Trong cuốn Tình đất đỏ của Đại tá Lê Văn Thiện (nguyên Phó Giám đốc Công an TP HCM), cuộc đời của chị Võ Thị Sáu được kể lại rất chi tiết và chân thực với nhiều nhân chứng. Năm 1960, Đại tá Lê Văn Thiện bị bắt giam ở nhà tù Côn Đảo cùng với ông Tám Vàng – người chứng kiến buổi chị Võ Thị Sáu bị thực dân Pháp bắn ở Hàng Dương và chôn cất thi hài của chị.

Đây là đoạn ông Tám Vàng kể lại phút cuối cùng của chị Võ Thị Sáu được Đại tá Lê Văn Thiện ghi lại trong cuốn Tình đất đỏ: “Khoảng 4 giờ sáng ngày 23/1/1952, giữa mùa gió chướng, những cơn sóng dữ ào ào đập vào bờ, bầu trời u ám, có tiếng hô vang lên từ các trại giam vọng lại: “Phản đối xử bắn Võ Thị Sáu. Phản đối! Phản đối! Đả đảo thực dân Pháp”. Tên chúa đảo và thuộc hạ hoảng hốt liền ra lệnh khóa chặt cửa các chuồng giam.

… Chúng trói chị Sáu vào gốc bàng, hướng về nghĩa địa Hàng Dương. Chúng lấy khăn bịt mắt nhưng chị Sáu phản đối không cho bịt. Chị vẫn tự nhiên, hiên ngang ca hát, mắt sáng rực, nhìn thẳng vào bọn lính sắp bắn hát bài Chiến sĩ Việt Nam, Lên đàng… Tên lính lê dương cách chị Sáu 15m, khi bắn chị không chết, vẫn hát, đôi mắt nhìn thẳng vào bọn lính bắn chị. Bọn lính run sợ không dám bắn tiếp. Tên chúa đảo chạy đến, hò hét bọn lính bắn tiếp…”.

Cũng theo lời kể của nhân vật Tám Vàng, khi ông cởi dây trói cho chị Võ Thị Sáu thì mắt chị vẫn mở, cơ thể còn ấm nóng. Chính tay ông đã vuốt mắt cho chị. Cũng vì nể phục chị Võ Thị Sáu nên thay vì lấp đất chôn xác, ông Tám Vàng đã bí mật tìm 4 tấm ván làm hòm dã chiến, chọn nơi an nghỉ cuối cùng và lập bia mộ bằng cột xi măng cho chị.

Cuốn "Tình đất đỏ" của Đại tá Lê Văn Thiện

Trong một ấn phẩm khác, cuốn Thương binh, Liệt sĩ Công an nhân dân, cũng có phần viết về tấm gương chị Võ Thị Sáu với tựa đề Liệt sĩ Võ Thị Sáu – Người con gái đất đỏ anh hùng. Cuốn sách ghi rõ: “Với vóc dáng nhỏ hơn 14 tuổi của mình, Võ Thị Sáu luồn sâu vào vùng tạm chiếm, từ thị trấn Đất Đỏ đến Phước Lợi, Long Mỹ, Hội Mỹ, Phước Hải… Khi trong vai người đi chợ, khi là thợ cấy, thợ gặt, chị trinh sát nắm tình hình địch. Từ ngày có Võ Thị Sáu về trinh sát, đội Công an xung phong về hoạt động ít bị địch phục kích, đỡ tổn thất thương vong”.

Theo nhà văn Nguyễn Hồng Thái, có lẽ vì sự anh hùng, gan dạ, không khuất phục trước kẻ thù nên sau khi hy sinh, Võ Thị Sáu được nhiều người cho là "thần thánh" linh thiêng. Chính điều này đã khiến tất cả công chức, giám thị, binh lính của chế độ cũ cùng gia đình khi bị phân công ra đảo nhận nhiệm vụ hoặc sinh sống đều đến mộ thắp nhang cho “Cô Sáu”.

Trước những thông tin thất thiệt về chị Võ Thị Sáu, nhà văn Đặng Vương Hưng, tác giả của Mãi mãi tuổi 20 – chùm tác phẩm vừa được giải cao nhất Cuộc vận động sáng tác văn học về đề tài Thương binh, Liệt sĩ và Người có công, cũng chia sẻ: Gần đây anh có tham gia nhiều hoạt động tâm linh và anh thấy rằng, không phải bỗng dưng mà chị Võ Thị Sáu được nhân dân coi như một vị thánh. Anh tin rằng, những thông tin sai lệch, bóp méo sẽ trôi qua và những gì là giá trị thật sẽ trường tồn vĩnh viễn.

Sự kiện Tủ sách tri ân giới thiệu những đầu sách tiêu biểu của NXB Công an nhân dân về đề tài Thương binh, Liệt sĩ và người có có công với đất nước. Ngoài các tác phẩm viết về chị Võ Thị Sáu và bộ sách Mãi mãi tuổi 20, có thể kể đến các tác phẩm: Những vì sao của mẹ (Hà Đình Quang), Trần Quốc Hương – Người chỉ huy tình báo (Nguyễn Thị Ngọc Hải), Tiếng nổ trên chiến hạm Amyot d’ Inville (Văn Phan), Thượng tướng Lê Thế Tiệm – Dấu ấn thời gian (Võ Bá Cường), Lá chắn thép (Diệp Hồng Phương), Kỷ vật lịch sử của các liệt sĩ, thương binh công an nhân dân, Những lá thư thời chiến Việt Nam, Những lá thư thời chiến công an nhân dân…

P.V

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/goc-tam-hon/them-nhieu-tu-lieu-quy-ve-liet-si-vo-thi-sau-post30641.html