Thêm nguồn lực giúp thanh niên khởi nghiệp

Nhằm tiếp tục hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, tại kỳ họp thứ 15, HĐND tỉnh khóa XV đã thông qua Nghị quyết về việc sửa đổi Nghị quyết số 43/2018/ NQ-HĐND ngày 12/12/2018 của HĐND tỉnh quy định chính sách hỗ trợ vốn vay khởi nghiệp và phát triển sản xuất, kinh doanh cho thanh niên trên địa bàn tỉnh. Theo đó, nguồn vốn dành cho thanh niên khởi nghiệp sẽ tăng 4 lần và thời hạn cho vay tăng gấp 2 lần so với trước đây.

Anh Phạm Phú Quý ở thị trấn Phát Diệm, huyện Kim Sơn được vay 200 triệu đồng đầu tư máy móc phát triển nghề truyền thống.

Ông Phạm Đức Cường, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) Chi nhánh tỉnh cho biết: Thực hiện Nghị quyết số 43/2018/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về việc hỗ trợ vốn vay khởi nghiệp và phát triển sản xuất, kinh doanh cho thanh niên trên địa bàn tỉnh, các cấp, các ngành liên quan, đặc biệt là Đoàn Thanh niên và Ngân hàng CSXH đã tích cực triển khai và đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Trong giai đoạn 2019 - 2022, tổng nguồn vốn ngân sách UBND tỉnh ủy thác sang Ngân hàng CSXH để triển khai chương trình hỗ trợ vốn vay khởi nghiệp và phát triển sản xuất, kinh doanh cho thanh niên tại địa phương là 30 tỷ đồng. Trên cơ sở nguồn vốn được UBND tỉnh bố trí hàng năm và kết quả rà soát, bình xét vay vốn của các cấp bộ Đoàn, Ngân hàng CSXH đã hướng dẫn lập hồ sơ, đồng thời tổ chức giải ngân kịp thời.

Giai đoạn 2019 - 2022, Ngân hàng CSXH đã tổ chức giải ngân cho 506 mô hình, dự án do đoàn viên, thanh niên làm chủ. Nhiều mô hình, dự án của thanh niên khi được tiếp cận nguồn vốn đã đầu tư khởi nghiệp, giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho đoàn viên, thanh niên và lao động khu vực xung quanh.

Qua kiểm tra, giám sát của thành viên Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH cho thấy các dự án, mô hình đầu tư đúng mục đích, hoạt động ổn định, bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao. 100% các món vay đều thực hiện nghiêm túc việc trả lãi hàng tháng, trả nợ phân kỳ theo đúng thỏa thuận, không để phát sinh nợ quá hạn, lãi tồn đọng, vốn vay được bảo toàn.

Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2018/NQHĐND đã góp phần giải quyết việc làm cho gần 3.000 lao động với mức thu nhập bình quân ổn định từ 7 - 10 triệu đồng/người/ tháng. Nhiều mô hình, dự án của thanh niên có doanh thu ổn định và khá cao như: anh Nguyễn Quốc Nam ở thị trấn Yên Ninh, huyện Yên Khánh với dự án mở rộng mô hình trồng nông sản sạch; anh Nguyễn Văn Biển, xã Đông Sơn, thành phố Tam Điệp với dự án nuôi trồng tảo xoắn Spirulina; anh Nguyễn Công Tấn, xã Xích Thổ, huyện Nho Quan với dự án nuôi gà Đông tảo; anh Phạm Văn Sơn, xã Kim Hải, huyện Kim Sơn với dự án phát triển, nuôi tôm công nghiệp tại khu vực nước mặn...

Có thể khẳng định, Nghị quyết số 43/2018/NQ-HĐND đã đi vào cuộc sống, mang lại hiệu quả thiết thực, khuyến khích, tạo động lực cho đoàn viên, thanh niên mạnh dạn ứng dụng khoa học kỹ thuật, khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương để khởi nghiệp, lập nghiệp. Đồng thời giải quyết tình trạng thất nghiệp, giảm tỷ lệ thanh niên mắc tệ nạn xã hội, tham gia phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới ở các địa phương.

Nguồn vốn tín dụng chính sách đã tạo việc làm cho nhiều thanh niên, song theo Ngân hàng CSXH, nguồn lực để thực hiện chương trình tín dụng chính sách này còn hạn chế so với nhu cầu thực tế. Mức vay còn thấp (mức vốn vay tối đa đối với 1 dự án là 500 triệu đồng; đối với mức vay trên 50 triệu đồng phải có tài sản bảo đảm tiền vay).

Bên cạnh đó, ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và cuộc xung đột giữa Nga - Ukraine đã tác động đến sản xuất, kinh doanh của các mô hình, dự án, nhất là xuất khẩu hàng hóa, sản phẩm; kiến thức, kinh nghiệm trong khởi nghiệp, sản xuất, kinh doanh của thanh niên còn hạn chế.

Cùng với đó, việc hỗ trợ, tư vấn cho các mô hình thanh niên của các tổ chức Đoàn, các cơ quan có liên quan về ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ, thương hiệu, nhãn mác, đầu ra cho sản phẩm còn hạn chế. Thời hạn trả vốn vay ngắn, nhiều mô hình, dự án chưa thu hồi được vốn đã đến hạn trả vốn vay.

Từ những bất cập trên, UBND tỉnh đã có Tờ trình và HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết về việc sửa đổi Nghị quyết số 43/2018/ NQ-HĐND ngày 12/12/2018 của HĐND tỉnh quy định chính sách hỗ trợ vốn vay khởi nghiệp và phát triển sản xuất, kinh doanh cho thanh niên trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.

Theo đó, thanh niên được hỗ trợ vay vốn khởi nghiệp và phát triển sản xuất, kinh doanh với mức vay tối đa là 2 tỷ đồng/dự án, gấp 4 lần so với trước; thời hạn vay vốn không quá 120 tháng (10 năm) gấp 2 lần so với trước. Thời hạn vay vốn cụ thể căn cứ vào nguồn vốn, chu kỳ sản xuất, kinh doanh và khả năng trả nợ của đối tượng vay vốn. Ngân sách tỉnh bố trí thực hiện hàng năm tối thiểu là 10 tỷ đồng.

Ông Phạm Đức Cường, Giám đốc Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh cho biết: Việc nâng mức vay và thời hạn cho vay chương trình hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp là cần thiết, khơi dậy tinh thần "Ly nông bất ly hương"; có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện sự quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đối với phong trào thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp, xung kích phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới.

Ngay sau khi Nghị quyết được ban hành, Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh đã phối hợp với các cấp, các ngành liên quan, nhất là Tỉnh đoàn đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền đến đoàn viên, thanh niên trên địa bàn tỉnh về những điểm mới của chính sách.

Thời gian tới, trên cơ sở nguồn ngân sách ủy thác của tỉnh sang và danh sách rà soát đoàn viên, thanh niên có nhu cầu, đủ điều kiện vay vốn, Ngân hàng CSXH sẽ hướng dẫn làm hồ sơ nhanh chóng và tổ chức giải ngân đúng đối tượng thụ hưởng. Trong quá trình đoàn viên, thanh niên sử dụng vốn vay, đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp với Tỉnh đoàn tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đảm bảo nguồn vốn được sử dụng đúng mục đích, hiệu quả; qua đó nắm bắt tâm tư, nguyện vọng cũng như những khó khăn, vướng mắc của đoàn viên, thanh niên, kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền phối hợp giải quyết.

Bài, ảnh: Hồng Giang

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/them-nguon-luc-giup-thanh-nien-khoi-nghiep/d20230726081254519.htm