Thêm mùa vàng no ấm

Những ngày cuối tháng 8, chúng tôi có dịp trở lại bản Tà Đứng, xã Chiềng Sung, huyện Mai Sơn, đúng vào dịp bà con đang hối hả vào vụ thu hoạch ngô giống. Trên các sườn đồi, những chiếc xe máy nối tiếp nhau chở những bao ngô đến những điểm tập kết theo con đường bê tông chạy dọc bản chờ ô tô chuyển về nhà máy chế biến.

Nông dân bản Tà Đứng, xã Chiềng Sung, huyện Mai Sơn thu hoạch ngô giống.

Bản Tà Đứng có 65 hộ đồng bào dân tộc Mông, năm nay, có 40 hộ ký hợp đồng trồng 80 ha ngô giống với Công ty cổ phần Nông nghiệp Chiềng Sung, tăng 35 ha so với vụ trước, hộ ít trồng hơn 1 ha, hộ nhiều trồng 3-4 ha. Mặc dù vừa có trận mưa to, con đường mòn trơn trượt, nhưng trên nương ngô của gia đình chị Mùa Thị Dở, hơn hai chục người vẫn đang khẩn trương thu hoạch, với những chiếc lù cở nặng trĩu trên vai.

Nhanh tay đổ lù cở ngô đóng vào bao, chị Mùa Thị Dở bảo: Đây là vụ thứ 2, gia đình tôi hợp đồng trồng ngô giống với Công ty cổ phần Nông nghiệp Chiềng Sung. Với 1,8 ha đất nương, trước đây gia đình trồng ngô thịt, nhưng đến khi thu hoạch lại phải lo đầu ra, năm nào được mùa, được giá mới thu về khoảng 40 triệu đồng. Năm ngoái, bắt đầu chuyển sang trồng ngô giống, sau khi trừ chi phí còn thu về hơn 130 triệu đồng, dự kiến năm nay sẽ thu khoảng 140 triệu đồng.

Còn gia đình ông Hoàng Văn Bảo, bản TĐC Quỳnh Tám, có 1,2 ha đất sản xuất. Hơn 15 năm, từ khi chuyển về điểm TĐC, gia đình ông vẫn loay hoay tìm cây trồng thích hợp cho thu nhập ổn định. Ông Bảo chia sẻ: Những năm đầu thì trồng ngô thịt, rồi chuyển sang trồng mía, nhưng năm nào thuận lợi, được mùa, cũng chỉ đủ ăn cho 5 nhân khẩu. Sau khi tìm hiểu ở một số bản trồng ngô giống cho Công ty cổ phần Nông nghiệp Chiềng Sung, năm nay, gia đình tôi hợp đồng trồng 6.000 m2 và đang chuẩn bị thu hoạch, theo ước tính năng suất và giá thu mua của Công ty, sau khi trừ chi phí sẽ thu về gần 50 triệu đồng.

Vụ ngô giống năm 2023, Công ty cổ phần Nông nghiệp Chiềng Sung tiếp tục hợp đồng, liên kết trồng ngô giống với bà con bản Nong Sơn, Tà Đứng, xã Chiềng Sung và Nong Chạy, Nà Thướn, Bó Cốp, xã Mường Chùm, huyện Mường La, với tổng diện tích hơn 600 ha, tăng hơn 100 ha so với vụ trước, sản lượng ước đạt 1.800 tấn.

Ông Lộc Mậu Triển, Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp Chiềng Sung, cho biết: Năm nay, Công ty sản xuất 5 loại ngô giống, gồm LVN10, LVN61, HN88, SS586 và SS557. Phát huy vai trò doanh nghiệp khoa học và công nghệ, thực hiện nguyên tắc hai bên cùng có lợi, hỗ trợ nông dân cùng phát triển sản xuất. Công ty bỏ vốn, cán bộ kỹ thuật trực tiếp hướng dẫn bà con gieo trồng và bao tiêu sản phẩm, người nông dân trồng ngô giống trên chính diện tích đất sản xuất của gia đình và bán lại sản phẩm cho Công ty. Từ nhiều năm qua, việc liên kết sản xuất đã thực sự mang lại hiệu quả, Công ty cung ứng giống, phân bón và hỗ trợ thuốc trừ sâu, tiền thuê nhân công bẻ cờ từ 2,5-3 triệu đồng/ha; bà con nông dân không phải lo đầu ra cho sản phẩm. Đồng thời, Công ty tiếp tục cam kết, người nông dân sẽ có thu nhập cao hơn những cây trồng khác để bà con yên tâm đồng hành cùng doanh nghiệp.

Thời điểm này, tại nhà máy chế biến ngô giống của Công ty, mỗi ngày có hàng chục chuyến xe chở ngô bắp thu hoạch từ các bản về, mỗi ngày có hàng trăm lao động của các hộ liên kết trồng ngô giống tham gia sản xuất tại nhà máy. Không khí hết sức khẩn trương, nhộn nhịp, ngô bắp được đưa vào sấy 72 tiếng, rồi chuyển sang máy tách hạt. Tại khu vực máy sàng và phân loại, đóng bao, cán bộ kỹ thuật của Công ty liên tục giám sát, kiểm tra, bảo đảm chất lượng sản phẩm.

Kỹ sư Hoàng Văn Hạnh phụ trách kỹ thuật, thông tin: Thời gian thu hoạch ngô giống thường đúng vào cao điểm mùa mưa, không những việc vận chuyển khó khăn, mà còn phải đẩy nhanh tiến độ, không để ngô chín lâu ngoài đồng, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Công ty đã xây dựng kế hoạch, hướng dẫn các hộ khẩn trương thu hoạch; đồng thời, huy động toàn bộ cán bộ, công nhân tập trung sản xuất trong nhà máy, bảo đảm ngô chuyển về sẽ đưa vào chế biến kịp thời.

Chia tay bà con bản Tà Đứng trong niềm hân hoan khi nơi đây có thêm một mùa vàng no ấm; trên nương ngô bà con vừa thu hoạch xong, từng hàng đậu đỏ, bí ngô đã lên mầm xanh. Theo ước tính của bà con, bằng hình thức luân canh này, không những tạo thêm việc làm, góp phần cải tạo đất, phòng chống sâu bệnh cho cây ngô vụ sau, mà còn mang lại thu nhập hơn 40 triệu đồng/ha.

Bài, ảnh: Ngọc Thuấn

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/kinh-te/them-mua-vang-no-am-zytGYMzSg.html