Thêm một quốc gia triệu hồi đại sứ tại Israel để phản đối cuộc tấn công Dải Gaza

Ngày 2/11, Bahrain cho biết đại sứ của nước này tại Israel đã trở về nước, còn đại sứ Israel tại Manama đã rời Bahrain cách đây một thời gian. Trước đó, Quốc hội Bahrain cũng ra tuyên bố về việc này.

Cảnh đổ nát sau vụ không kích của Israel xuống trại tị nạn Jabalia ở phía Bắc Dải Gaza ngày 11/10/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo hãng tin Reuters, tuyên bố của chính phủ Bahrain không xác nhận rằng đã cắt đứt quan hệ kinh tế với Israel như Quốc hội đã tuyên bố trước đó, nhưng cho biết các chuyến bay giữa hai nước đã bị đình chỉ trong vài tuần. Tuyên bố cũng không nói rõ liệu điều đó có nghĩa là Đại sứ Israel đã bị trục xuất hay không.

Trong tuyên bố của mình, Quốc hội Bahrain cho biết các động thái này khẳng định lập trường lịch sử của Bahrain trong ủng hộ sự nghiệp của người Palestine. Tuyên bố có đoạn: “Hội đồng nghị sĩ khẳng định rằng Đại sứ Israel tại Vương quốc Bahrain đã rời Bahrain và Vương quốc Bahrain đã quyết định về việc triệu hồi Đại sứ Bahrain tại Israel. Việc chấm dứt quan hệ kinh tế cũng đã được quyết định”.

Trước đó, Israel cho biết họ không nhận được thông báo nào về việc trục xuất và nói rằng mối quan hệ với Bahrain vẫn ổn định. Bộ Ngoại giao Israel cho biết: "Chúng tôi muốn nói rõ rằng không nhận được thông báo hay quyết định nào từ chính phủ Bahrain và chính phủ Israel về việc triệu hồi đại sứ của các nước. Quan hệ giữa Israel và Bahrain rất ổn định”.

Nếu Bahrain đình chỉ quan hệ ngoại giao và kinh tế, đây sẽ là một trở ngại đáng kể đối với Israel. Bahrain là một bên ký kết Hiệp định Abraham - một loạt thỏa thuận bình thường hóa giữa Israel và một số quốc gia Arab được ký vào năm 2020. Mỹ đã đứng ra làm trung gian cho các hiệp định giữa Israel và các quốc gia Arab.

Israel đã hy vọng các hiệp định này cuối cùng sẽ mở đường cho một thỏa thuận bình thường hóa với Saudi Arabia - một cường quốc dầu mỏ và Hồi giáo có ảnh hưởng rộng lớn trên khắp Trung Đông, nhưng cuộc chiến với Hamas đã giáng một đòn mạnh vào kế hoạch của Israel.

Tháng trước, tại một hội nghị đầu tư ở Saudi Arabia, khi được hỏi về Hiệp định Abraham, Bộ trưởng tài chính Bahrain Sheikh Salman bin Khalifa Al-Khalifa đã nói rằng điều quan trọng là phải tiếp tục xây dựng cầu nối.

Vài ngày trước đó, Bộ trưởng Công nghiệp và Thương mại Bahrain Abdulla bin Adel Fakhro đã từ chối bình luận khi được hỏi tại một hội nghị ở Abu Dhabi hồi tháng 10 về tình trạng quan hệ thương mại và đầu tư với Israel.

Bahrain là một hòn đảo nhỏ trên vùng Vịnh - nơi các đồng minh Hồi giáo dòng Sunni của Saudi Arabia là Hoàng gia Al Khalifa cai trị phần lớn dân số là người Hồi giáo dòng Shi'ite.

Các nhà phân tích cho rằng việc nối lại tình hữu nghị với Israel một phần là do những lo ngại chung về Iran.

Trước khi Bahrain triệu hồi đại sứ tại Israel, một số quốc gia đã có động thái tương tự.

Lính cứu hỏa Palestine dập lửa tại hiện trường vụ oanh tạc của Israel xuống trại tị nạn Nuseirat ở Dải Gaza ngày 31/10/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 1/11, Bộ Ngoại giao Jordan thông báo đã yêu cầu Đại sứ nước này tại Israel về nước do cuộc chiến đang diễn ra ở Gaza. Theo Bộ Ngoại giao, Đại sứ sẽ chỉ trở lại Tel Aviv nếu Israel dừng chiến tranh ở khu vực này và chấm dứt cuộc khủng hoảng nhân đạo mà nước này đã gây ra. Bộ trên tuyên bố Đại sứ Israel tại Jordan, người đã rời đi hai tuần trước trong bối cảnh diễn ra biểu tình, sẽ chỉ được phép trở lại với các điều kiện tương tự.

Viết trên trang mạng xã hội X, Tổng thống Chile Gabriel Boric cáo buộc Israel vi phạm Luật Nhân đạo Quốc tế và đi theo chính sách “trừng phạt tập thể” người dân Gaza. Ông đã tuyên bố triệu hồi Đại sứ Jorge Carvajal. Chile có cộng đồng người Palestine lớn nhất và lâu đời nhất bên ngoài thế giới Arab.

Cũng trên mạng xã hội X, Tổng thống Colombia Gustavo Petro xác nhận đã triệu hồi Đại sứ Colombia tại Israel liên quan đến cuộc chiến ở Gaza. Tổng thống Colombia nêu rõ: “Tôi đã quyết định triệu hồi Đại sứ của chúng tôi tại Israel. Nếu Israel không ngăn chặn các cuộc tấn công nhằm vào người dân Palestine thì chúng tôi không thể ở lại đó”.

Trong khi đó, Tổng thống Brazil Lula da Silva, người đang giữ chức Chủ tịch luân phiên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, đã kêu gọi ngừng bắn. Ông nhấn mạnh các cuộc tấn công của các tay súng Hamas chống Israel không thể là cái cớ để sát hại người dân vô tội ở Gaza. Các quốc gia Mỹ Latinh khác, như Mexico và Brazil, cũng đã kêu gọi ngừng bắn.

Trước đó, ngày 31/10, chính phủ Bolivia tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Israel do hoạt động quân sự của nước này ở Dải Gaza. Theo đài RT, trong một cuộc họp báo, Thứ trưởng Ngoại giao Bolivia Freddy Mamani cho biết: “Bolivia quyết định cắt đứt quan hệ ngoại giao với nhà nước Israel để bác bỏ và lên án cuộc tấn công quân sự của Israel ở Dải Gaza”.

Quyền Bộ trưởng Ngoại giao Boliva Maria Nela Prada cáo buộc Israel phạm tội đối với người Palestine ở Gaza, đồng thời kêu gọi chính phủ Israel chấm dứt các cuộc tấn công ở đây, vốn đã khiến hàng ngàn thường dân thương vong và buộc người Palestine phải di dời. Bà cũng yêu cầu Israel chấm dứt lệnh phong tỏa Gaza, vì lệnh này đã ngăn chặn việc vận chuyển thực phẩm, nước uống cũng như các mặt hàng thiết yếu cho người dân Gaza, đồng thời vi phạm luật nhân đạo quốc tế.

Động thái của Bolivia diễn ra sau cuộc gặp ngày 30/10 giữa Tổng thống Bolivia Luis Arce và Đại sứ Palestine tại La Paz, ông Mahmoud Elalwani.

Bolivia đã từng cắt đứt quan hệ với Israel cũng vì lý do Gaza vào năm 2009, dưới thời của Tổng thống Evo Morales. Quan hệ ngoại giao giữa hai bên đã được thiết lập lại dưới thời chính phủ mới vào năm 2019, và được duy trì tới nay.

Chia sẻ trên mạng xã hội X, ông Morales chỉ trích chính phủ Bolivia vì đã mất ba năm để cắt đứt quan hệ với Israel một lần nữa và chỉ thực hiện điều này dưới áp lực của người dân. Cựu Tổng thống Morales nói thêm rằng, điều này vẫn chưa đủ và Bolivia phải chỉ trích Israel mạnh hơn nữa, nộp đơn khiếu nại lên Tòa án Hình sự Quốc tế.

Bolivia là quốc gia đầu tiên chấm dứt quan hệ với Israel vì xung đột ở Gaza. Phản ứng về quyết định của Boliva, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Israel, ông Lior Haiat cho biết trong một bài đăng trên mạng xã hội X: “Bolivia quyết định cắt đứt quan hệ ngoại giao với Israel là đầu hàng chủ nghĩa khủng bố và chế độ ở Iran. Với bước đi này, chính phủ Bolivia đang gắn mình với tổ chức Hamas”.

Về mặt lịch sử, các quốc gia thiên tả ở Mỹ Latinh có thiện cảm với chính nghĩa của người Palestine, trong khi các quốc gia cánh hữu có xu hướng theo quan điểm của Mỹ.

Cuộc chiến mới nhất trong cuộc xung đột kéo dài hàng thập kỷ giữa Israel và Palestine bắt đầu khi các chiến binh Hamas vượt qua biên giới vào ngày 7/10, giết chết trên 1.400 người và bắt trên 200 người làm con tin.

Theo cơ quan y tế Gaza do Hamas kiểm soát, cuộc ném bom trả đũa của Israel đã giết chết ít nhất 9.601 người, trong đó có 3.760 trẻ em.

Thùy Dương/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/them-mot-quoc-gia-trieu-hoi-dai-su-tai-israel-de-phan-doi-cuoc-tan-cong-dai-gaza-20231103095757948.htm