Thêm 2 biển số siêu đẹp được đấu giá gần 100 tỷ bị chủ nhân bỏ cọc

Theo Công ty Đấu giá hợp danh Việt Nam, 2 khách hàng trúng đấu giá 2 biển số siêu đẹp gồm 'ngũ quý 9' của Hà Nội và 'ngũ quý 8' của Quảng Ninh với tổng mức trúng đấu giá tới 97 tỷ đồng đã bỏ cọc. Đầu tháng 4 tới, 2 biển số này một lần nữa được quay trở lại sàn đấu giá.

Chốt giá kỷ lục rồi vô tư bỏ cọc

Trong phiên đấu giá ngày 13/1, biển số “siêu đẹp” của Hà Nội 30K-999.99 đã được đấu giá thành công với mức giá hơn 75,2 tỷ đồng. Đây là số tiền trúng đấu giá biển số ô tô cao kỷ lục từ trước tới nay. Tuy nhiên, người chốt mức giá này đến nay đã bỏ cọc, không hoàn thành nghĩa vụ tài chính.

Biển 30K-999.99 được đấu giá số tiền kỷ lục

Tương tự, với biển số Quảng Ninh 14A-888.88, chủ nhân đấu giá thành công biển số này cũng bỏ cọc, không hoàn thành nghĩa vụ tài chính. Trước đó, biển số ngũ quý 8 này được đấu giá thành công hôm 4/1 với mức giá là 21,855 tỷ đồng.

Theo đơn vị tổ chức đấu giá, trong đợt đấu giá biển số tiếp theo vào các ngày 3/4 đến 5/4, nhiều biển số ô tô được đánh giá là “siêu đẹp” sẽ được đưa ra đấu giá. Trong đó, dẫn đầu trong danh sách được công bố là 2 biển số 30K-999.99 và 14A-888.88.

2 biển số này tiếp tục được đấu giá trong phiên tiếp theo

Tuy nhiên, đơn vị này cũng cho biết, phiên đấu giá tới đây sẽ được tổ chức theo cách thức mới. Thời gian đấu giá được xác định bao gồm thời gian chính thức và thời gian của vòng gia hạn. Tổng thời gian của 2 vòng đấu giá không quá 30 phút.

Thời gian đấu giá chính thức là khoảng thời gian từ khi bắt đầu cho đến phút thứ 25. Vòng đấu gia hạn là khoảng thời gian sau thời gian chính thức. Chỉ người tham gia đấu giá đủ điều kiện tiếp tục được trả giá. Mỗi vòng đấu gia hạn kéo dài 30 giây và tối đa là 10 vòng đấu gia hạn.

Cần phương án phù hợp

Theo Nghị quyết 73/2022, Nghị định 39/2023 và quy chế đấu giá, trong 15 ngày kể từ ngày có văn bản phê duyệt kết quả đấu giá, người trúng đấu giá phải nộp đủ số tiền trúng đấu giá. Nếu vi phạm, kết quả đấu giá sẽ bị hủy, người trúng đấu giá mất số tiền đặt cọc 40 triệu đồng, biển số được đưa ra đấu giá lại.

Bản chất hoạt động đấu giá là tối đa giá trị tài sản, về nguyên tắc, nếu tài sản được trả giá càng cao thì càng được coi là đấu giá thành công. Tuy nhiên, sau nhiều đợt tổ chức đấu giá biển số, có thể dễ dàng nhận thấy một điều, đấu giá thành công mới chỉ “thành công một nửa”. Không ít người sẵn sàng bỏ cọc 40 triệu đồng để đấu giá biển số với giá trị kỷ lục sau đó không hoàn thành nghĩa vụ tài chính. Như vậy, những người có nhu cầu sở hữu các biển số này thực sự và đủ khả năng tài chính sẽ bị mất cơ hội. Bên cạnh đó, còn gây tốn thời gian và tiền bạc của cả cơ quan chức năng và những người cùng tham gia đấu giá khác.

Thực tế, để tổ chức một phiên đấu giá biển số xe ô tô cần chuẩn bị rất nhiều khâu. Từ chi phí vận hành phần mềm, đường truyền, cho đến hạ tầng có liên quan. Bên cạnh đó, Cục CSGT (Bộ Công an) cũng phải bố trí lực lượng để giám sát quá trình đấu giá. Như vậy, chi phí về cả nhân lực, vật lực là không hề nhỏ.

Để hạn chế việc bỏ cọc tương tự xảy ra, Đại biểu Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã đề xuất tăng mức tiền đặt cọc, nhất là với các biển số xe có giá trị cao. “Mức đặt cọc 40 triệu đồng so với giá trị các biển số trúng đấu giá vài tỉ đồng vẫn còn quá thấp; người tham gia đấu giá nếu không vì mục đích sở hữu biển số sẽ sẵn sàng bỏ cọc để thực hiện ý đồ của mình”, Đại biểu Phạm Văn Hòa nêu.

Cũng theo ông Hòa, ngoài việc mất số tiền đặt cọc 40 triệu, chưa có chế tài nào đối với những người không hoàn thành nghĩa vụ tài chính khi đấu giá thành công. Ông kiến nghị nên áp dụng một số hình thức như: Cấm tham gia các phiên đấu giá biển số tiếp theo; xem xét công nhận kết quả đấu giá đối với người trả giá cao thứ hai, thứ ba…

Phùng Xuân

Nguồn Thị Trường Tài Chính: https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/van-de-nong/them-2-bien-so-sieu-dep-duoc-dau-gia-gan-100-ty-bi-chu-nhan-bo-coc-121564.html